Đầu giờ sáng Thứ hai, anh T.N.A - Trưởng một phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được cuộc điện thoại, giọng người gọi rất thân tình như đã quen biết từ lâu: “Mấy đứa em mới đi Tây Nguyên về, có chai mật ong rừng nguyên chất, anh cho biết số nhà để trưa mang tới”.
Đầu giờ sáng Thứ hai, anh T.N.A - Trưởng một phòng chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo nhận được cuộc điện thoại, giọng người gọi rất thân tình như đã quen biết từ lâu: “Mấy đứa em mới đi Tây Nguyên về, có chai mật ong rừng nguyên chất, anh cho biết số nhà để trưa mang tới”. Thường xuyên đi công tác khắp tỉnh nên anh cũng nghĩ là có quen thật và hỏi giá tiền để gửi thì được trả lời “cho mấy đứa 3 - 4 trăm ngàn đồng gì đó, tùy anh thôi”. Vội công việc nên anh cũng “ô kê” luôn. Khi xuống cầu thang máy, gặp mấy anh bạn ở Phòng Tổ chức - Cán bộ, anh đem chuyện này kể, mới biết nhiều người trong cơ quan cũng đã nhận được những cuộc điện thoại tương tự; toàn là bọn bán mật ong giả để lừa tiền. Anh vội gọi lại cho số máy vừa nhận để từ chối nhưng không ai trả lời. Đến trưa, anh không dám về nhà và nhắn tin “đã đi công tác Hà Nội dài ngày, không mua mật ong nữa”, bởi những người đã lỡ dại nhận lời cho biết, khi kẻ lừa đảo mang mật ong đến nhà, không mua cũng không được vì bị làm khó dễ ghê lắm.
Khá nhiều đơn vị, trường học và cán bộ, giáo viên trong ngành Giáo dục đã nhận được không ít cuộc điện thoại thông báo gửi sách, tài liệu, thiết bị giáo dục… của các chương trình, dự án theo kiểu “nửa quen, nửa lạ” và nhiều người đã vội nhận lời vì cứ tưởng gặp may. Kết quả là vài hôm sau, bưu tá chuyển tới cả đống hàng linh tinh với tờ hóa đơn đỏ trị giá vài triệu đồng. Hóa ra cũng chỉ là trò lừa đảo, nhưng khi biết chuyện thì đã muộn; họ đành cắn răng bỏ tiền ra thanh toán! Tuy vậy, cũng có người “cao tay”, mang ra bưu điện hoàn trả về địa chỉ gửi với chi phí có khi tới hàng trăm ngàn đồng và tất nhiên, sau đó họ sẽ phải nhận vài cuộc gọi mắng mỏ thậm tệ, thậm chí là dọa dẫm! Còn các cuộc điện thoại lấy danh nghĩa “Cục này”, “Vụ nọ” hoặc các tạp chí của những cơ quan quyền lực để mời đăng giới thiệu, tuyên truyền, thực chất là quảng cáo với mức hàng chục triệu đồng/trang thì hầu như ngày nào cũng có. Cũng có người đã sập bẫy vì cứ tưởng ý kiến chỉ đạo của cấp trên, song thực ra chỉ là đám cò mồi, “theo đóm ăn tàn” mà thôi.
Bọn lừa đảo bây giờ dễ dàng kiếm ra số điện thoại (kể cả số điện thoại ở cơ quan, nhà riêng, số di động) và địa chỉ email công vụ của từng người với vài động tác click đơn giản vào website của các cơ quan, đơn vị, trường học; rồi tìm đến mục giới thiệu tổ chức bộ máy là không thiếu ai cả. Thậm chí, nhiều cơ quan còn “up” cả hình cán bộ, công chức lên trang web cho “hoành tráng”. Các cơ quan đâu biết, nhiều tên lừa đảo có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn vào số điện thoại nhà riêng là biết ngay địa chỉ nhà thuộc khu vực nào; lại thấy được hình, biết “tóc tai” ra sao nên tha hồ tán hươu tán vượn, khiến người được gọi cứ tưởng là có quen biết thật. Đó là trường hợp của cô văn thư cơ quan tôi. Giữa trưa, có cuộc gọi hỏi: “Chị còn ở cơ quan hay về Vĩnh Thái rồi? Mới mấy năm mà hôm trước thấy chị ngoài phố tóc bạc rồi đấy”, rồi cuối cùng vẫn là “bổn cũ”: “Gửi chị chai mật ong thứ thiệt của Tây Nguyên”! Cũng may, chị văn thư đã được cảnh báo “chiêu” này nên vội vàng cắt máy!
Không ít lần, người sử dụng điện thoại di động nhận được những tin nhắn lừa đảo; cũng có người đã bị “vào tròng”. Còn kiểu điện thoại lừa đảo như cách trên thì có lẽ vẫn còn khá mới nên không lạ khi có nhiều người sập bẫy. Từ nay, khi có ai bất chợt gọi điện thoại để gửi mật ong rừng, quà cáp, quảng cáo… hay những thông tin đại loại, người nhận điện thoại nên cẩn thận kiểm tra nhân thân, sự việc kỹ lưỡng trước khi quyết định chấp nhận hay không. Và tốt nhất, nên nhẹ nhàng và kiên quyết từ chối, đồng thời tìm cách cắt máy sớm. Lưu ý, cũng đừng lịch sự cám ơn chung chung để hôm sau, bọn lừa đảo có cơ hội giở trò: “Bác cám ơn tức là đã nhận lời”!
LÊ VĂN