Hỏi: Tôi làm việc tại một cơ quan Nhà nước đã hơn 10 năm. Năm vừa rồi, tôi xin nghỉ việc nhưng cơ quan chỉ trả trợ cấp thôi việc 7 năm. Khi tôi thắc mắc thì được trả lời thời gian tính trợ cấp chỉ 7 năm, còn 3 năm sau tôi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cách tính như vậy có đúng? Tôi được hưởng chế độ gì với 3 năm ấy?
Hỏi: Tôi làm việc tại một cơ quan Nhà nước đã hơn 10 năm. Năm vừa rồi, tôi xin nghỉ việc nhưng cơ quan chỉ trả trợ cấp thôi việc 7 năm. Khi tôi thắc mắc thì được trả lời thời gian tính trợ cấp chỉ 7 năm, còn 3 năm sau tôi đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cách tính như vậy có đúng? Tôi được hưởng chế độ gì với 3 năm ấy?
Trần Văn Hòa
(Cam Nghĩa, Cam Ranh, Khánh Hòa)
Trả lời: Trường hợp ông hỏi, theo Nghị định số 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12-12-2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian ông đóng bảo hiểm thất nghiệp (theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội) không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm. Thời gian ông làm việc thực tế mà không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp thì được tính để xét hưởng trợ cấp thôi việc.
Như vậy, việc tính trợ cấp thôi việc như ông trình bày là đúng. Về thời gian 3 năm còn lại, ông có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo quy định hiện hành, ông có thể được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ 3 điều kiện:
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi thôi việc.
- Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm khi thôi việc.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày đăng ký thất nghiệp.
Căn cứ quy định này, ông có thể thực hiện đủ để được hưởng chế độ.
Luật gia MINH HƯƠNG