11:04, 04/04/2012

Án tuyên không rõ, sửa chữa, bổ sung trái luật, bị kháng nghị

Thực tiễn xét xử án dân sự vẫn còn các trường hợp Tòa tuyên án không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.

Thực tiễn xét xử án dân sự vẫn còn các trường hợp Tòa tuyên án không rõ ràng, gây khó khăn cho việc thi hành án, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Thẩm phán sau đó ra nhiều công văn thông báo sửa chữa, bổ sung bản án hoặc giải thích bản án nhưng lại có thêm nội dung mới không đúng pháp luật, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Mới đây, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) kháng nghị hủy các bản án của Tòa án tỉnh và Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng vì đã vi phạm thủ tục tố tụng.

Theo đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị Lạo (trú tại TP. Hồ Chí Minh): cha mẹ bà là ông Nguyễn Văn Cơ (chết năm 1989) và bà Nguyễn Thị Đích (chết năm 1977), có 4 người con chung là các ông, bà: Nguyễn Cấp, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Thị Lục, Nguyễn Thị Lạo. Ông Bông (chết năm 1996) có vợ là bà Hồ Thị Lâm và 12 người con, trong đó có 3 người là anh Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thị Kim Khánh và Nguyễn Thị Kim Trang hiện đang định cư tại Mỹ. Tài sản cha mẹ tạo lập được là một căn nhà từ đường tọa lạc tại tổ dân phố 11 thị trấn Diên Khánh. Sau khi cha mẹ qua đời, ông Nguyễn Cấp quản lý sử dụng toàn bộ căn nhà này, sau đó giao lại cho vợ chồng con trai là Nguyễn Tân và chị Lê Thị Thủy quản lý sử dụng. Quá trình sử dụng, vợ chồng anh Tân đã phá bỏ từ đường để xây dựng lại nên năm 2007 bà Lạo tranh chấp, yêu cầu chia thừa kế. Ông Nguyễn Cấp - bị đơn - không đồng ý chia vì trước khi chết cha mẹ đã làm di chúc, ông không chuyển nhượng nhà đất nói trên, chỉ để làm nhà từ đường, ông đã giao nhà cho vợ chồng con trai Nguyễn Tân quản lý sử dụng.

Bản án sơ thẩm số 15/2008 ngày 30-7-2008 của TAND tỉnh tuyên xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, xác định một phần nhà và quyền sử dụng đất 452m2 là di sản thừa kế, giao cho các bên đương sự được sở hữu một phần nhà đất. Sau đó, các bên đương sự đều kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm số 54 ngày 25-5-2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng tuyên xử với nội dung cơ bản như án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu chia thừa kế của bà Lạo, xử giao cho ông Nguyễn Cấp 263,7m2 nhà đất, bà Lạo và bà Lực được giao chung 188,3m2. Ông Cấp, bà Lục, bà Lạo phải thanh toán giá trị xây dựng nhà cho vợ chồng ông Tân gần 200 triệu đồng. Nội dung quyết định của 2 bản án này đều không xác định ai là người phải giao nhà đất cho các bên đương sự?!

Tháng 8-2009, bà Lục, bà Lạo có đơn yêu cầu thi hành án và tự nguyện nộp số tiền thi hành án cho ông Tân tại Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh; riêng ông Cấp không tự nguyện thi hành. Cục THADS tỉnh nhận thấy nội dung bản án phúc thẩm không nêu rõ đối tượng phải giao nhà đất cho bà Lục, bà Lạo nên không xác định được đối tượng thi hành án là ai, do đó không có căn cứ ra quyết định cưỡng chế thi hành.

Tháng 9-2009, Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng có thông báo sửa chữa, bổ sung điều 2 của bản án phúc thẩm, ghi rõ ông Nguyễn Cấp giao cho bà Lục, bà Lạo diện tích 188,3m2. Nhận thấy thông báo bổ sung của tòa không rõ và mâu thuẫn với thực tế, ngày 14-10-2009, Cục THADS tỉnh tiếp tục có văn bản đề nghị Tòa phúc thẩm xác định rõ đối tượng phải giao nhà cho bà Lục. Sau đó, Tòa phúc thẩm có công văn giải thích “Ông Nguyễn Tân là người có trách nhiệm về ngôi nhà mà bản án giao cho bà Lục và bà Lạo để thi hành án”.

Không chấp nhận giải thích của Tòa phúc thẩm, ngày 22-10-2010, Cục THADS tỉnh gửi công văn kiến nghị Chánh án TANDTC, yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Trong thời gian này, bà Lục, bà Lạo liên tục khiếu nại việc chậm thi hành bản án phúc thẩm, đẩy Cục THADS vào tình thế tiến thoái lưỡng nan!

Theo Luật THADS, trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, Tòa án có thẩm quyền có trách nhiệm trả lời kiến nghị của cơ quan THADS về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, nếu hết thời hạn mà không nhận được trả lời thì cơ quan thi hành án phải tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Sau hơn 1 năm kiến nghị nhưng không nhận được kết quả giải quyết, ngày 14-12-2011, Cục THADS tỉnh đã ra quyết định cưỡng chế, buộc ông Nguyễn Cấp và những người đang quản lý sử dụng nhà đất giao cho bà Lục và bà Lạo theo án phúc thẩm. Việc cưỡng chế được thực hiện xong vào ngày 30-12-2011,phía bị đơn và người dân địa phương tiếp tục khiếu nại việc thi hành bản án không đúng đối tượng này.

Mới đây (ngày 5-3-2012), Chánh án TANDTC đã quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm theo kiến nghị của Cục THADS tỉnh, với kết luận: “Theo lời khai của đương sự thì nhà đất tranh chấp hiện do vợ chồng anh Tân (con của ông Cấp quản lý sử dụng), nhưng Tòa án các cấp lại buộc ông Cấp có trách nhiệm giao cho bà Lục, bà Lạo phần thừa kế được hưởng là một phần nhà, đất đang tranh chấp là không chính xác và không thể thi hành được. Tòa án các cấp chưa tiến hành thu thập chứng cứ làm rõ vấn đề nêu trên mà đã tiến hành giải quyết vụ án là không đúng...”.

Vì vậy, Chánh án TANDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán - TANDTC xử giám đốc thẩm hủy án sơ thẩm và bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Khánh Hòa giải quyết lại theo thủ tục chung.

Tổ P.V

“Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai…” (khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng dân sự)
“Chỉ được sửa chữa, bổ sung bản án trong các trường hợp sau đây:
a. Phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả như: lỗi do viết không đúng từ ngữ, dấu, chữ viết hoa, viết thường, phiên âm tiếng nước ngoài sang tiếng Việt, bỏ sót không ghi tên đệm trong họ, tên của đương sự…
b. Số liệu do nhầm lẫn hoặc do tính toán sai (kể cả án phí) như: cộng, trừ, nhân, chia sai…, mà phải sửa lại cho đúng.
(Trích Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12-5-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao)