08:03, 30/03/2012

Khiếu nại của người phải thi hành án là không có cơ sở

Năm 1998, Tòa án nhân dân huyện Cam Ranh (nay là thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xét xử vụ án đòi bồi thường thiệt hại hoa màu tại xã Cam Hiệp Nam, (nay thuộc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Năm 1998, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Cam Ranh (nay là thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa) đã xét xử vụ án đòi bồi thường thiệt hại hoa màu tại xã Cam Hiệp Nam, (nay thuộc huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Khi bản án có hiệu lực pháp luật, bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án đã thực hiện các thủ tục theo quy định để thi hành bản án, nhưng 14 năm qua, người phải thi hành án vẫn không chịu chấp hành.

. Từ việc tranh chấp đất

Từ năm 1975 đến 1979, 3 hộ dân gồm: ông Phan Đình Hiệp, ông Nguyễn Niết và bà Dương Thị Tư, cùng trú thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Ranh (nay thuộc huyện Cam Lâm) đều được giao đất trồng rừng tại xứ đồng Tây Bắc thuộc thôn Suối Cát (thời điểm này không xác định được diện tích đất của từng hộ). Năm 1979, toàn bộ diện tích đất ở xứ đồng Tây Bắc của 3 hộ dân này đều được đưa vào Hợp tác xã (HTX) Cam Hiệp Nam để quản lý, trồng bạch đàn. Năm 1990, khi địa phương có chủ trương về đất nguyên canh, 3 hộ dân này nhận lại toàn bộ diện tích đất đã đưa vào HTX để trực tiếp sử dụng. Cụ thể, ông Hiệp sử dụng 6.070m2, ông Niết sử dụng 1.075m2, bà Tư sử dụng 2.030m2 (tương ứng các thửa đất giáp nhau: 85, 86, 330, tờ bản đồ địa chính xã Cam Hiệp Nam). Năm 1995, ông Phan Đình Hiệp có đơn khiếu nại, cho rằng bà Dương Thị Tư và ông Nguyễn Niết lấn chiếm 3.105m2 đất của mình (bao gồm diện tích đất bà Tư, ông Niết đã và đang sử dụng).

Tranh chấp giữa các bên đã được UBND xã Cam Hiệp Nam nhiều lần hòa giải nhưng không thành nên chuyển lên UBND huyện Cam Ranh giải quyết. Ngày 16-7-1997, UBND huyện Cam Ranh ra Quyết định số 603 về giải quyết tranh chấp đất đai giữa các bên, với nội dung: Giữ nguyên hiện trạng diện tích đất các bên đang sử dụng (ông Hiệp sử dụng 6.070m2, ông Niết sử dụng 1.075m2, bà Tư sử dụng 2.030m2).

. Đến phá hoại hoa màu

Năm 1995 - thời điểm tranh chấp giữa các bên chưa được UBND huyện Cam Ranh giải quyết, ông Phan Đình Hiệp đã tự ý cày phá gốc bạch đàn và trồng mía trên đất mà bà Dương Thị Tư và ông Nguyễn Niết đang quản lý sử dụng. Vì thế, ông Niết và bà Tư đã cho người cày phá mía do ông Hiệp trồng để lấy đất trồng cây. Ông Hiệp đã kiện ông Niết và bà Tư về hành vi phá hoại hoa màu.

Theo quyết định của TAND huyện Cam Ranh tại bản án số 20 ngày 29-5-1998: Ông Nguyễn Niết phải bồi thường 1.129.800 đồng, bà Dương Thị Tư phải bồi thường 2.711.520 đồng cho ông Phan Đình Hiệp. Ngoài ra, ông Niết phải chịu 56.490 đồng, bà Tư phải chịu 133.576 đồng tiền án phí. Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, ông Phan Đình Hiệp đã có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án huyện Cam Ranh đã ra quyết định thi hành án và làm các thủ tục theo quy định để thi hành bản án. Ông Nguyễn Niết đã tự nguyện thi hành án từ khi cơ quan thi hành án dân sự huyện Cam Ranh còn trực tiếp thụ lý vụ việc. Riêng bà Dương Thị Tư, cho đến nay chỉ mới thi hành phần án phí, còn nghĩa vụ bồi thường cho ông Hiệp vẫn chưa thực hiện.

Sau khi thành lập huyện, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm là cơ quan thụ lý và giải quyết tiếp việc thi hành bản án nói trên. Theo các biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, bà Dương Thị Tư hiện không có điều kiện thi hành án (không có tài sản gì, bất động sản của gia đình không đứng tên bà). Do vậy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm chỉ có thể vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án.

Ngày 23-12-2011, chấp hành viên Phan Ngọc Tấn (Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm) đã mời bà Tư lên để vận động và bà Tư đã hứa sẽ bồi thường cho ông Hiệp trước ngày 20-1-2012 và xin được miễn phần lãi do chậm thi hành án theo quy định. Nhưng đến nay, bà Tư vẫn chưa chấp hành. Đã vậy, sau khi được mời lên làm việc, bà Tư còn có đơn khiếu nại gửi tới cơ quan ngôn luận, cho rằng bà bị oan và “bị ông Phan Ngọc Tấn ép bồi thường cho ông Hiệp”!

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, những nội dung khiếu nại nêu trong đơn của bà Tư là không có cơ sở. Bởi, vụ án đã được Tòa án xét xử, bản án đã có hiệu lực pháp luật hơn 10 năm nay. Từ đó đến nay, cơ quan thi hành án, mà hiện nay chấp hành viên Phan Ngọc Tấn là người trực tiếp thụ lý, đã thực hiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật để thi hành bản án. Ông Nguyễn Thanh Bình - Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm cho biết: “Qua xác minh điều kiện thi hành án cho thấy bà Dương Thị Tư không đủ điều kiện để thi hành án, nên không có cơ sở để thực hiện cưỡng chế thi hành án. Theo quy định của pháp luật, trường hợp này, chúng tôi sẽ phải trả lại đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án”.

Như vậy, việc ông Phan Đình Hiệp yêu cầu thi hành án và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cam Lâm tiến hành các thủ tục để thi hành bản án là đúng quy định của pháp luật. Bà Dương Thị Tư cần sớm chấp hành án này.

NAM ANH