Sau 15 năm tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng, họ đã đưa nhau ra Tòa xin ly hôn và không yêu cầu xem xét đối với tài sản chung. Nhưng 5 năm sau đó, tranh chấp giữa họ đã xảy ra, ai cũng cho rằng phần nhà, đất mà họ từng quản lý sử dụng chung trước đây là của riêng mình…
Sau 15 năm tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng, họ đã đưa nhau ra Tòa xin ly hôn và không yêu cầu xem xét đối với tài sản chung. Nhưng 5 năm sau đó, tranh chấp giữa họ đã xảy ra, ai cũng cho rằng phần nhà, đất mà họ từng quản lý sử dụng chung trước đây là của riêng mình…
Vừa qua, Báo Khánh Hòa nhận được đơn khiếu nại của ông Đào Phước, trú tổ 8 thị trấn Vạn Giã (Vạn Ninh, Khánh Hòa) về việc ông bị vợ cũ đập phá nhà, nhưng Công an thị trấn Vạn Giã cố tình bao che, không xử lý. Trong đơn, ông Phước cho biết: Ông và bà H.Đ lấy nhau từ năm 1991, có với nhau 2 người con. Sau 15 năm chung sống, mâu thuẫn giữa ông và bà Đ. ngày càng căng thẳng khiến tình cảm vợ chồng rạn nứt không thể hàn gắn. Vì thế, năm 2006, vợ chồng ông đưa nhau ra Tòa xin ly hôn, nhưng cả 2 người đều không yêu cầu Tòa án xem xét tài sản chung. Vụ án ly hôn được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Vạn Ninh xét xử, chấp nhận cho bà Đ. được trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng 2 con (theo yêu cầu của bà Đ.). Sau khi ly hôn, bà Đ. đã đi lấy chồng khác, còn ông Phước vẫn ở tại căn nhà cũ. Cuối năm 2011, khi ông Phước cưới vợ mới về ở tại căn nhà này, thì bị bà Đ. nhiều lần đến dùng rựa đập phá cửa, tường nhà; chửi bới, ném quần áo của vợ chồng ông ra đường… Ông đã có đơn gửi Công an thị trấn Vạn Giã nhờ can thiệp, nhưng không những sự việc không được cơ quan này giải quyết mà Cảnh sát khu vực còn dọa sẽ bắt người vợ mới của ông vì “cư trú bất hợp pháp” khiến ông rất bức xúc.
Tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, ông Phước và bà Đ. trước đây tự nguyện chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn (ĐKKH). Theo quy định của pháp luật thì việc sống chung giữa họ không được công nhận là vợ chồng. Do vậy, năm 2006, bà Đ. làm đơn xin ly hôn, nhưng khi xét xử vụ án, TAND huyện Vạn Ninh đã không chấp nhận yêu cầu này mà tuyên bố không công nhận bà Đ. và ông Phước là vợ chồng. Trước khi “ly hôn”, ông Phước và bà Đ. sống chung trong căn nhà cấp 4, tọa lạc trên thửa đất 179m2 tại tổ 8 thị trấn Vạn Giã, nhưng khi xét xử vụ án, cả hai đều không yêu cầu Tòa xem xét giải quyết đối với phần tài sản này.
Sau khi “ly hôn”, bà Đ. vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn, phần nhà, đất nói trên do một mình ông Phước quản lý sử dụng. Đến năm 2009, diện tích đất này được cấp “sổ đỏ” cho bà Đ., nhưng bà Đ. vẫn để cho ông Phước sinh sống trong căn nhà cũ. Khi biết ông Phước dẫn một người phụ nữ về sống chung trong căn nhà này, ngày 6-2-2012, bà Đ. đã đến chửi bới ông Phước và có hành vi “phá nhà” như trên. Tuy nhiên, ông Phước không trình báo sự việc với Công an thị trấn Vạn Giã mà lại gửi đơn lên Công an huyện Vạn Ninh. Dù vậy, ngay sau khi nhận được đơn của ông Phước do Công an huyện chuyển xuống, Công an thị trấn Vạn Giã đã nhanh chóng xác minh sự việc, mời các bên liên quan lên làm việc. Tại đây, bà Đ. thừa nhận hành vi gây mất an ninh trật tự tại căn nhà do ông Phước đang sinh sống là trái pháp luật và ông Phước cũng thừa nhận việc sống chung với người phụ nữ khác khi chưa ĐKKH và cho người này (ở xã khác đến) lưu trú dài ngày tại nhà mình mà không khai báo với chính quyền địa phương là vi phạm pháp luật. Với hành vi gây mất an ninh trật tự, ngày 8-2-2012, bà Đ. bị Công an thị trấn Vạn Giã xử phạt hành chính 150.000 đồng. Riêng ông Phước chỉ bị nhắc nhở về hành vi nói trên. Trung tá Nguyễn Văn Thương - Phó Trưởng Công an thị trấn Vạn Giã, cho biết: “Nội dung đơn khiếu nại, tố cáo của ông Phước gửi cơ quan ngôn luận về vụ việc này hoàn toàn không đúng sự thật, vì thực tế, vụ việc này đã được chúng tôi xác minh, xử lý rất kịp thời và đúng pháp luật”.
Như vậy, hành vi vi phạm pháp luật của bà Đ. đã được cơ quan chức năng xử lý. Nhưng xem ra, mâu thuẫn giữa ông Phước và bà Đ. vẫn chưa dễ chấm dứt bởi lẽ nó bắt nguồn từ những tranh chấp đang tiếp diễn về tài sản chung sau khi “ly hôn”. Hiện tại, ông Phước cho rằng, trong diện tích đất nói trên thì 1/3 là do cha mẹ ông cho và 2/3 do cha mẹ bà Đ. Cho, còn căn nhà cấp 4 do ông và bà Đ. cùng tạo dựng nên bà Đ. không có quyền sở hữu toàn bộ diện tích đất này. Trong khi đó, theo bà Đ., toàn bộ diện tích đất này do cha mẹ bà cho và thực tế bà đã được cấp “sổ đỏ” nên bà có quyền không cho ông Phước hay bất kỳ ai quản lý sử dụng.
Như vậy, nếu có tranh chấp về nhà đất thì các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết, không nên hành động theo cảm tính, dễ vi phạm pháp luật.
NAM ANH