Trong các ngày 27, 28-2, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Nguyễn Thị Kim Ngọc về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong các ngày 27, 28-2, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án hình sự: Nguyễn Thị Kim Ngọc về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Hội đồng xét xử (HĐXX) do thẩm phán Võ Văn Hải làm chủ tọa phiên tòa đã tuyên phạt bị cáo Ngọc 14 năm tù về tội này. Ngay sau đó, các bị hại tuy chưa nhận được bản án nhưng đã có đơn kháng cáo. Mới đây, TAND tỉnh phát hành Bản án số 07/2012/HS-ST gửi đến những người tham gia tố tụng và Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh nhưng quyết định bản án lại ghi xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngọc 12 năm tù (giảm mất 2 năm tù). Sự việc này đã gây bức xúc cho những người bị hại.
Ngay sau khi báo chí phản ánh về việc án tuyên một đàng, phát hành một nẻo, ngày 20-3, thẩm phán Võ Văn Hải đã ký phát hành Thông báo số 50-TBTA về việc thông báo đính chính, trong đó nêu rõ: “Do có sai sót trong khâu đánh máy nên đánh nhầm mức án tuyên xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngọc, nay TAND tỉnh Khánh Hòa đính chính lại như sau: Tại trang 7, dòng thứ 3 từ trên xuống đính chính lại là: Xử phạt Nguyễn Thị Kim Ngọc 14 (mười bốn) năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính tứ ngày bắt tạm giam ngày 28-9-2010.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ trao đổi về thủ tục tố tụng hình sự: Xử lý thế nào đối với việc phát hành án sai so với biên bản nghị án, sai với bản án gốc đã tuyên tại phiên tòa (đính chính hay thu hồi, hủy bỏ để phát hành lại cho đúng) như trường hợp hy hữu nói trên?
Qua thông tin báo nêu, chúng tôi nhận thấy: Thẩm phán Hải đã tuyên bản án sơ thẩm vào ngày 28-2-2012. Kết quả kiểm tra biên bản nghị án đã ghi xử phạt bị cáo 14 năm tù. Như vậy có thể nói bản bản án gốc đã được thẩm phán tuyên tại Tòa là đúng với biên bản nghị án. Do đó, trong vụ việc này không có chuyện làm sai lệch hồ sơ vụ án. Phần còn lại là việc phát hành và giao bản án chính cho VKS và những người tham gia tố tụng là thuộc trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa theo quy định tại tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Như vậy, thẩm phán Hải đã ký hai bản án có nội dung khác nhau: Bản án gốc tuyên tại tòa 14 năm tù, bản án chính ghi mức án 12 năm tù, là bản án sai?
Quan điểm thứ nhất: Do có sai sót nhầm lẫn trong khi đánh máy nên thẩm phán chủ tọa phiên tòa có quyền khắc phục sai sót này bằng việc ban hành thông báo đính chính, tương tự như việc sửa chữa, bổ sung bản án theo quy định tại Điều 240 Bộ Luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 02/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.
Quan điểm thứ hai: Không thể có chuyện “nhầm lẫn” ở đây. Trên bàn phím đánh máy, số 2 và số 4 cách nhau bởi số 3, không thể chệch 4 thành 2. Nếu là chữ viết tay, số 4 có thể đọc nhầm sang số 7 hoặc số 1, không thể đọc nhầm thành số 2. Hơn nữa, ngoài chữ số 12, còn ghi chú (mười hai). Phần quyết định hình phạt là quan trọng nhất trong phần nội dung của bản án, do đó sai sót này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự trong việc ban hành bản án. Sai sót này phải được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm.
Quan điểm thứ ba: Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện hành không quy định thế nào là bản án gốc, bản án chính, nhưng Nghị quyết số 04/2004 đã có hướng dẫn, nên có căn cứ cho rằng khi phát hành bản án chính đã có sai sót, với bất cứ nguyên do nào thì bản chính đó có nội dung trái với bản án gốc về hình phạt. Bản án chính này là bản án trái pháp luật. BLTTHS cũng không có điều nào quy định về việc đính chính bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm hình sự và cũng không có điều luật nào áp dụng tương tự Điều 240 BLTTDS và Nghị quyết số 02/2006 về việc hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTDS.
Do việc phát hành bản án chính này chậm, vi phạm thời hạn giao bản án theo Điều 229 BLTTHS. Tính đến ngày VKS nhận được bản án thì đã hết thời hạn kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, do bị hại đã có kháng cáo cho nên bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. Ngay khi nhận được bản án, những người bị hại cũng đã có đơn khiếu nại. Do đó, việc xem xét tính hợp pháp của bản án sơ thẩm (bản án gốc, bản án chính) cả nội dung đính chính của TAND tỉnh sẽ do Tòa án cấp phúc thẩm xem xét và quyết định trong phiên tòa phúc thẩm. Trong trường hợp không có kháng cáo, không có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, thì Tòa án đã phát hành bản án sai so với bản gốc có quyền thu hồi các bản án này để phát hành lại cho đúng với bản gốc hoặc kiến nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Qua vụ việc này, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào Tòa án được phép “đính chính”, “giải thích”, “sửa chữa, bổ sung” bản án sơ thẩm hoặc phúc thẩm hình sự.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ
(Đoàn Luật sư Khánh Hòa)
Cùng với biên bản nghị án, bản án gốc phải được các thành viên Hội đồng xét xử thông qua và ký tại phòng nghị án và được lưu vào hồ sơ vụ án. Trên cơ sở bản án gốc, thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt HĐXX ký các bản án chính và Tòa án thực hiện việc giao bản án theo quy định tại Điều 229 của BLTTHS (Trích tiểu mục 2.2 Mục 2 phần IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 5-11-2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)