11:03, 03/03/2012

Những hệ lụy từ một bản án ly hôn

Sau 20 năm chung sống, một cặp vợ chồng ở Diên Khánh (Khánh Hòa) quyết định “dắt nhau ra tòa” ly hôn. Vụ việc không quá phức tạp nhưng quá trình phân chia tài sản sau ly hôn đã để lại không ít hệ lụy đáng buồn.

Sau 20 năm chung sống, một cặp vợ chồng ở Diên Khánh (Khánh Hòa) quyết định “dắt nhau ra tòa” ly hôn. Vụ việc không quá phức tạp nhưng quá trình phân chia tài sản sau ly hôn đã để lại không ít hệ lụy đáng buồn.

Năm 1986, ông Phạm Hữu Hòa và bà Huỳnh Thị Ngọc Lan kết hôn với nhau. 2 vợ chồng chung sống tại đội 5, Bình Khánh, Diên Hòa (Diên Khánh). Sau đám cưới, đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ chồng cho một lô đất có diện tích 310m2 tại địa chỉ trên. Quá trình chung sống, vợ chồng ông Hòa có 1 con là Phạm Thị Mỹ Lệ, sinh năm 1988. Năm 1996, lô đất trên được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông Hòa - bà Lan.

Tuy nhiên, cuộc sống của đôi vợ chồng này ngày càng căng thẳng bởi ông Hòa quá hiền lành, ai nói gì cũng ậm ừ cho qua. Ông lại thường xuyên bệnh tật. Còn bà Lan lại là người phóng khoáng, công việc thiếu ổn định lại không cam chịu phận “nhà nông”. Bà Lan còn ngoại tình với người khác, bỏ nhà ra đi mặc dù đã được chính quyền địa phương, anh em họ hàng và bà con xóm giềng nhiều lần khuyên giải. Từ năm 2002, vợ chồng này đã sống ly thân do bà Lan bỏ nhà ra đi. Năm 2006, bà Lan quyết định nộp đơn ly dị ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Diên Khánh.

Vaanx
Vẫn còn những băn khoăn về mảnh đất và nhà - nơi ông Hòa và bà Lan từng sinh sống.

Tại đây, phiên tòa sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Lan. Về phần phân chia tài sản, cụ thể là 310m2 đất và 1 căn nhà cấp 4 có diện tích trên 50m2 được xây dựng trên lô đất này, lại nảy sinh nhiều phức tạp. Lô đất và tài sản trên đất đứng tên 2 vợ chồng, nên tài sản ấy được chia đôi, mỗi người một nửa. Nhưng phía gia đình ông Phạm Hữu Hòa mà đại diện là bà Lê Thị Kiệt - mẹ ruột ông Hòa lại cho rằng, phần đất là do bố mẹ ruột cho ông Hòa, con dâu không làm tròn đạo làm dâu, làm vợ, bỏ đi theo người khác nên không có phần trong đó. Gia đình ông Hòa mong muốn lấy lại toàn bộ phần đất này. Còn bà Lan lại yêu cầu được phân chia theo luật định. Hội đồng Định giá tài sản huyện Diên Khánh đã định giá số tài sản này là hơn 260 triệu đồng. Trên cơ sở đó, TAND huyện Diên Khánh đã đồng ý cho ông Hòa được sở hữu toàn bộ tài sản này, nhưng phải thanh toán cho bà Lan hơn 130 triệu đồng phần giá trị chênh lệch.

Bản án đã được tuyên hợp lý, nhưng băn khoăn thì vẫn còn. Trước hết, gia đình ông Hòa thuộc diện nghèo của xã Diên Hòa. Ngày ngày, ông đi làm phụ hồ, nhưng vì sức khỏe không được đảm bảo, đau yếu liên miên, kiếm miếng ăn qua ngày cũng rất khó khăn, nên việc thanh toán tiền chênh lệch hơn 130 triệu đồng theo phán quyết của Tòa là nằm ngoài khả năng của ông Hòa và gia đình. Được biết, sau bản án ly hôn một thời gian ngắn, ông Hòa đã phải vào Bệnh viện Chuyên khoa Tâm thần Khánh Hòa (Diên Phước, Diên Khánh) do có những biểu hiện bất thường về tâm lý. Theo Ths. Đinh Thị Hoan - Phó Giám đốc Bệnh viện, bệnh nhân Phạm Hữu Hòa đã nhập viện lần đầu vào năm 2007, được xác định bị rối loạn dạng phân liệt. Ngoài ra, ông Phạm Hữu Hòa còn bị bệnh xơ gan cổ chướng. Cũng vào thời gian này, tháng 4-2011, khi ông Hòa chưa thanh toán hơn 130 triệu đồng cho bà Lan theo phán quyết của Tòa thì Chi cục Thi hành án huyện Diên Khánh đã tiến hành các thủ tục đấu giá phần tài sản của ông Hòa gồm 310m2 đất và tài sản trên đất tại Đội 5, Bình Khánh, Diên Hòa để phục vụ việc thi hành án. Đây là thủ tục bắt buộc nhằm thực thi bản án ly hôn. Việc đấu giá tài sản là điều sớm muộn phải xảy ra khi mà ông Hòa không có khả năng chi trả tiền cho bà Lan theo bản án này. Tuy nhiên, trong lần định giá tài sản để đưa ra đấu giá, giá trị tài sản của 310m2 đất và tài sản trên đất được xác định chưa đầy 82 triệu đồng. So với số tiền hơn 260 triệu đồng trước đó, sau gần 5 năm, giá trị của cùng bất động sản đó chỉ còn khoảng 1/3.

Qua tìm hiểu được biết, trước đây, giá trị phần tài sản của vợ chồng ông Hòa - bà Lan, được xác định bởi Hội đồng Định giá của huyện. Còn theo quy định hiện nay, tài sản thi hành án được giao cho Chi cục Thi hành án. Trong trường hợp cả 2 bên không đạt được thỏa thuận giá, Chi cục Thi hành án huyện Diên Khánh có trách nhiệm mời một đơn vị có chức năng thẩm định. Vì vậy, phần tài sản 310m2 đất và các công trình xây dựng trên lô đất này được Chi nhánh miền Trung và Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Việt Nam thẩm định với giá trị là 81.343.000 đồng.

Với cùng một bất động sản mà được định 2 mức giá khác nhau ở 2 thời điểm khác nhau thì có thể thấy nhiều hệ lụy kéo theo. Nếu giá trị thực của tài sản này là 260 triệu đồng, khả năng trả một nửa (130 triệu đồng) của ông Hòa gần như “bằng 0”. Bà con thôn xóm và chính quyền địa phương đều hiểu với hoàn cảnh của ông Hòa, hoàn toàn không có khả năng chi trả số tiền này. Còn nếu giá trị của tài sản là 82 triệu đồng, ông Hòa chỉ phải thanh toán khoản chênh lệch khoảng 40 triệu đồng thì lại là chuyện khác. Nhưng lúc này, quyền lợi của bà Lan lại thay đổi bởi ban đầu, bà được phân chia 130 triệu, nay chỉ còn hơn 30 triệu đồng, sau khi đã trừ các khoản phí. Bà Lê Thị Kiệt băn khoăn: Cũng là mảnh đất và tài sản trên đất ấy, nhưng tại sao khi thanh toán chênh lệch, gia đình bà phải trả tới 130 triệu đồng trong khi đấu giá thành công, gia đình bà lại chỉ nhận được hơn 30 triệu đồng? Nếu một nửa số tài sản này trị giá hơn 30 triệu đồng thì gia đình bà có thể xoay xở thanh toán cho phía bà Lan để giữ lại được mảnh đất cho cháu, chắt sinh sống ổn định. Ngoài ra, từ trước tới nay, gia đình bà luôn thể hiện mong muốn phần đất này được chia đôi, phần của ông Hòa để lại cho con gái là Phạm Thị Mỹ Lệ sinh sống. Phần còn lại do bà Lan toàn quyền quyết định. Nhưng không cơ quan nào để ý đến phương án này.

Ngoài ra, sau khi đấu giá thành công, người mua phần đất này là ông Mai Quốc Tân cũng lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan” bởi chỉ sau phiên đấu giá 10 ngày, ông Phạm Hữu Hòa đã chết vì xơ gan cổ chướng! Trên phần đất ấy hiện có vợ chồng bà Lê Thị Kiệt - bố mẹ của ông Hòa, đã già yếu sinh sống. Đồng thời, con gái của ông Hòa - bà Lan là bà Phạm Thị Mỹ Lệ, đã ly hôn với chồng, cũng đưa con về sống với ông bà Lê Thị Kiệt. Vì vậy, giao tiền đã gần 1 năm nhưng ông Tân vẫn chưa được giao đất. Phía Thi hành án Diên Khánh cũng chưa thể thanh toán tiền đấu giá cho các bên liên quan vì đất chưa được giao.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Diên Hòa cũng không đồng tình với việc đưa số tài sản này ra đấu giá trong khi ông Hòa đang ốm thập tử nhất sinh. Cái lý là không chối cãi, nhưng cái tình dường như chưa được trọn vẹn. Việc ông Hòa chết sau phiên đấu giá 10 ngày cũng khiến cho quá trình xử lý sau đấu giá gặp không ít trở ngại. Theo Thi hành án huyện Diên Khánh, nếu áp dụng theo các quy định hiện nay, cơ quan này hoàn toàn có thể tiến hành cưỡng chế đối với trường hợp này, nhưng vì đây là một trường hợp khá nhạy cảm, liên quan đến người đã mất, nên sau khi có sự đồng ý của người trúng đấu giá, cơ quan đi đến thống nhất sẽ tiến hành các thủ tục giấy tờ chuyển quyền sử dụng cho người trúng đấu giá. Gia đình bà Kiệt vẫn được sinh sống trên mảnh đất này cho đến khi mãn tang ông Phạm Hữu Hòa.

Câu chuyện đã có cái kết. Nhưng kết cục có lẽ sẽ khác nếu bà Lan - vợ ông Hòa, không nhất quyết đòi số tiền thanh toán khi chồng cũ của mình đang bệnh tật, sắp qua đời. Cũng sẽ khác rất nhiều nếu quá trình định giá tài sản lúc phân chia và lúc đấu giá không khác biệt lớn đến vậy. Ngay cả phán quyết của phiên tòa xét xử ly hôn về cách thức phân chia tài sản cũng sẽ khác đi nếu mảnh đất ấy được chia đôi, mỗi bên một nửa. Đây là những day dứt còn đọng lại sau một vụ việc tưởng chừng như rất đơn giản này.

HỒNG ĐĂNG