10:03, 19/03/2012

Bị tịch thu tiền lãi vì cho vay bằng đô la Mỹ

Cho vay bằng ngoại tệ giữa các cá nhân là vi phạm quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, là giao dịch vô hiệu; thế nhưng, Tòa sơ thẩm lại công nhận nên đã bị Viện Kiểm sát kháng nghị.

Cho vay bằng ngoại tệ giữa các cá nhân là vi phạm quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam, là giao dịch vô hiệu; thế nhưng, Tòa sơ thẩm lại công nhận nên đã bị Viện Kiểm sát (VKS) kháng nghị. Mới đây, Tòa phúc thẩm đã tuyên bố phần hợp đồng vay tiền bằng đô la Mỹ là vô hiệu, đồng thời tuyên sung công số tiền lãi vay.

. Từ tranh chấp một hợp đồng vay

Ngày 19-7-2011, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa xét xử vụ án dân sự sơ thẩm về tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn dân sự là bà N.T.T.T (Tân Lập, Nha Trang) và bà T.T.M.C (Phương Sơn, Nha Trang), người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà T.T.M.H (đang ở Mỹ).

Theo bà N.T.T.T, trước tháng 10-2007, bà T. nhiều lần cho bà T.T.M.C vay tiền. Ngày 10-10-2007, hai bên chốt số tiền bà C. vay bà T. là 860 triệu đồng, 15.000 đô la Mỹ và viết giấy vay tiền có sự bảo lãnh của bà H. Việc bảo lãnh không có đảm bảo bằng tài sản, chỉ thực hiện khi bà C. xảy ra chuyện không ai trả nợ thì bà H. sẽ là người đứng ra trả nợ. Theo thỏa thuận, bà C. trả lãi 3%/tháng đối với khoản vay bằng tiền Việt Nam và 2%/tháng đối với đô la Mỹ. Bà C. đã trả lãi 11 tháng tiền Việt Nam và 12 tháng tiền đô la Mỹ, quy đổi thành tiền Việt Nam tại thời điểm trả lãi. Tháng 12-2007, bà C. trả 250 triệu đồng. Tháng 3-2008, bà C. lại vay của bà T. 2 lần tổng cộng 100 triệu đồng, khoản vay không thời hạn. Tổng số tiền nợ là 710 triệu đồng và 15.000 đô la Mỹ. Bà T. không yêu cầu bà H. trả nợ mà yêu cầu bà C. trả nợ toàn bộ gốc và tiền lãi từ tháng 1-2010 đến khi xét xử. Bà T. cũng yêu cầu Tòa án có biện pháp ngăn chặn bà C. xuất cảnh.

Cả bị đơn là bà C. lẫn người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là bà H. đều xác nhận số tiền vay. Bà H. và bà T. vốn là bạn bè, bà C. là em ruột bà H. Thực chất, bà C. đứng tên vay tiền giùm cho bà H. để làm ăn. Theo bà H., vì làm ăn thất bại nên chưa trả được cho bà T. và nhận trách nhiệm mỗi tháng trả 2.000 đô la Mỹ cho bà T. đến khi hết nợ.

Tại phiên tòa, bà T. yêu cầu bà C. trả tiền gốc 710 triệu đồng và 15.000 đô la Mỹ (quy đổi thành tiền Việt Nam theo tỷ giá ngày xét xử là 1 USD = 20.590 VND). Bà T. yêu cầu trả lãi 1,1%/tháng từ đầu năm 2010 đến ngày xét xử (quy đổi theo tỷ giá 1 USD = 19.000 VND để tính lãi). Đối với số tiền lãi 11 tháng bà T. đã nhận vượt theo quy định của pháp luật, bà T. đề nghị bù vào thời gian bà C. không trả lãi. Bà T. không yêu cầu bà H. trả nợ mà yêu cầu bà C. trả nợ, còn bà C. cho rằng mình chỉ vay giùm nên không đồng ý trả nợ, người phải trả nợ là bà H.

Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chấp nhận yêu cầu của bà T., buộc bà C. là người phải trả tiền cho bà T. Theo đó, bà C. phải trả số tiền gốc gần 1,019 tỷ đồng (gồm 710 triệu đồng và 15.000 đô la Mỹ quy đổi sang tiền đồng Việt Nam với tỷ giá 20.590 VND/1 USD).

Về tiền lãi, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà T., đối với số tiền lãi bà T. đã nhận vượt mức quy định của pháp luật từ ngày vay đến tháng 8-2008 bù vào thời gian bà C. không trả lãi từ tháng 9-2008 đến đầu năm 2010 nên không tính lại tiền lãi đã trả. HĐXX cũng chấp nhận yêu cầu của bà T. về lãi suất 1,1%/tháng từ đầu năm 2010 đến ngày xét xử. Tiền lãi 19 tháng trên số tiền 710 triệu đồng và 15.000 đô la Mỹ (tỷ giá 1 USD = 19.000 VND) được xác định gần 208 triệu đồng. Tổng cộng cả gốc và lãi bà C. phải trả cho bà T. là gần 1,227 tỷ đồng. Tiếp tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh “Cấm bà T.T.M.C xuất cảnh” cho đến khi có quyết định hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

. Giao dịch đô la vô hiệu, khoản lãi bị sung công

Ngày 15-8-2011, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh đã kháng nghị Bản án sơ thẩm số 17 ngày 19-7-2011 của TAND tỉnh theo thủ tục phúc thẩm. Kháng nghị đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ kiện theo hướng: Tuyên bố hợp đồng vay tài sản ngày 10-10-2007 giữa bà N.T.T.T và bà T.T.M.C vô hiệu một phần; buộc bà C. phải trả lại cho bà T. 15.000 đô la Mỹ đã nhận, 710 triệu đồng nợ gốc và lãi phát sinh trên số tiền 710 triệu đồng từ tháng 1-2010 đến ngày xét xử. Đồng thời, buộc bà T. phải trả lại cho bà C. số tiền lãi đã nhận trên số tiền vay 15.000 đô la Mỹ. Theo VKS, việc vay nợ số tiền 710 triệu đồng và 15.000 đô la Mỹ giữa bà C. và bà T. là có thật. Đây là hợp đồng vay mượn tài sản nhưng giao dịch này vi phạm điều cấm của pháp luật đối với khoản vay 15.000 đô la Mỹ (vi phạm Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2006 quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam) nên bị vô hiệu một phần. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Ngày 25-8-2011, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh lại bổ sung kháng nghị, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng: Tuyên bố hợp đồng vay tài sản ngày 10-10-2007 giữa bà N.T.T.T và bà T.T.M.C vô hiệu một phần, buộc bà C. phải trả lại cho bà T. số tiền nợ gốc 15.000 đô la Mỹ tính ra tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm, 710 triệu đồng nợ gốc và lãi phát sinh trên số tiền 710 triệu đồng từ tháng 1-2010 đến ngày xét xử. Đối với khoản lãi trên số tiền vay 15.000 đô la Mỹ mà bà C. đã trả cho bà T. thì phải tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Bởi theo quy định hiện hành, những giao dịch giữa các cá nhân về việc vay ngoại tệ có lãi là vô hiệu. Do đó, khi có tranh chấp và có yêu cầu Tòa án giải quyết, thì Tòa án áp dụng Điều 137 Bộ Luật Dân sự buộc bên vay phải trả bên cho vay số tiền nợ gốc tính ra tiền Việt Nam tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Đối với khoản lãi nếu bên vay đã trả cho bên cho vay thì phải tịch thu sung công quỹ Nhà nước. Mới đây, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã xử phúc thẩm chấp nhận kháng nghị của VKS, tuyên sửa một phần án sơ thẩm, tuyên bố hợp đồng vay tiền đô la là vô hiệu, tịch thu sung công đối với nguyên đơn về khoản tiền lãi đã nhận trên số tiền vay 15.000 đô la Mỹ, gần 60 triệu đồng.

N.D


Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối 2006 quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép”.