08:03, 20/03/2012

Ám ảnh vàng sa khoáng…!

Nhiều năm gần đây, tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), tình trạng khai thác vàng trái phép bùng phát. Vấn nạn này diễn ra rất phức tạp với quy mô ngày càng lớn, hoạt động ngày càng lộng hành…; kéo theo đó là muôn vàn hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu người dân và cả những phu vàng…

Nhiều năm gần đây, tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa), tình trạng khai thác vàng trái phép bùng phát. Vấn nạn này diễn ra rất phức tạp với quy mô ngày càng lớn, hoạt động ngày càng lộng hành…; kéo theo đó là muôn vàn hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu người dân và cả những phu vàng…

Kỳ 1: Ma lực từ vàng

Chỉ vì vàng mà nhiều người phải bỏ mạng; chỉ vì vàng, các “chủ hầm” không từ thủ đoạn để khai thác. Tất cả điều đó đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân…

. Bán mạng để đổi đời

Mới 6 giờ sáng, tiếng máy nổ của những hầm khai thác vàng đã rền vang khắp thung lũng Thùng Nhà Bùi (núi Hòn Dung, thôn 5 xã Ninh Sơn). Len nhanh qua rẫy bạch đàn của gia đình ông Sáu Súc, chúng tôi thấy lán trại xập xệ của các phu vàng hiện lên. Thấy người lạ xuất hiện, một thanh niên mắt đỏ ngầu chui ra khỏi lán hướng về phía chúng tôi hỏi trống không: “Mới sáng sớm mò vào đây làm gì?”. Đã định trước được tình hình, chúng tôi thản nhiên bao biện lý do. Sau một hồi thăm dò, xét thấy chúng tôi “vô hại”, người thanh niên nọ dần chuyển thái độ. Qua tiếp xúc chúng tôi mới biết người thanh niên này tên là Hoàng “bò”, quê ở Phú Yên. Từ đầu 2012, Hoàng được chủ hầm vàng thuê vào để cai quản công việc khai thác vàng sa khoáng.

Mẫu hợp kim màu vàng do phóng viên lấy được từ khu vực
Mẫu hợp kim màu vàng do phóng viên lấy được từ khu vực

Dẫn chúng tôi vào lán, chỉ tay về phía hầm vàng, Hoàng thủng thẳng chỉ dẫn: “Kia là miệng hầm đang khai thác. Hầm này có độ sâu khoảng 38m. Trực tiếp đào vàng ở đây có cả thảy 6 người, trong đó 3 người Phú Yên, còn lại ở Vạn Ninh”. Đứng vững bên mép hầm quan sát, chúng tôi thấy hầm vàng sâu hun hút, lởm chởm toàn đá xanh. Nếu chỉ cần sơ ý trượt chân rớt xuống thì… Trong ánh điện lù mù, chiếc thang dây dùng để lên xuống hầm của những người khai thác đong đưa trông quá thiếu an toàn. Thấy chúng tôi lắc đầu ngao ngán, Hoàng cười xòa: “Như thế thì ăn thua gì. Hồi tụi tôi khai thác vàng ở Quảng Nam còn dùng dây thừng đu xuống đáy hang cơ”. Vừa lúc đó, một người mặt mày bám đầy bụi đá chui lên cửa hầm (sau này chúng tôi mới biết tên là Minh đen); thấy Hoàng phân trần cũng họa thêm vào: “Mấy ông mà mò xuống đáy hầm mới ghê. Không cẩn thận là ngạt khí chết tươi. Ngoài ra, đá rơi, điện giật… trường hợp nào cũng đối diện với tử thần cả”. Theo quan sát của chúng tôi, tuy chiếc hầm này đã được đào rất sâu, rất nguy hiểm nhưng không có gì để chống sạt lở. Mỗi khi mưa, nguy cơ sập hầm, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng hàng chục người đào vàng trong hầm là khó tránh khỏi. Nguy hiểm hơn, do các hầm vàng ở đây toàn đá xanh nên công việc khai thác chủ yếu là nổ mìn. Rủi ro từ sự “liều mạng” này đem lại là rất cao.

Tình trạng khai thác vàng ở xã Ninh Sơn bắt đầu từ năm 1990, khi có tin đồn có một người dân nhặt được viên đá mồ côi chứa vàng sa khoáng. Từ đó, mỗi ngày có hàng trăm người dân bỏ trồng lúa, làm rẫy kéo nhau lên đây đào bới tìm vận may. Tham vọng đổi đời chưa thấy, chỉ biết rằng đã có nhiều người chết vì vàng. Mới đây nhất là vụ Đặng Văn Vinh và Nguyễn Hùng Sơn bị tử nạn do ngạt khí tại một hầm vàng trong khu vực Thùng Nhà Bùi.

. Ngang nhiên khai thác

3
Khai thác vàng trong điều kiện hết sức nguy hiểm.

Theo những phu vàng ở thung lũng Thùng Nhà Bùi, hầm vàng nơi đây nằm trên đất rẫy của ông Sáu Súc, nhưng chủ nhân của hầm vàng này là ông Lê Văn Sang (đều ở thôn 5, xã Ninh Sơn), còn việc ông Sang làm thế nào để được ông Sáu Súc cho khai thác trên đất của mình thì họ không hề biết. Chủ hầm vàng và những người trực tiếp khai thác “hợp tác” theo hình thức ăn chia, trong đó, ông Sang là người đầu tư máy móc thiết bị và lấy nhà mình làm nơi chứa xái và phân kim vàng. Với hình thức hợp tác ăn chia, làm nhiều hưởng nhiều, những phu vàng nơi đây ngang nhiên ra sức khai thác, liên tục bất kể ngày đêm. Hầm vàng này vốn dĩ được khai thác từ nhiều năm trước, rồi tạm nghỉ một thời gian và bắt đầu hoạt động trở lại khoảng 2 tháng nay, với khối lượng lớn hơn và ngày càng lộ rõ sự ngang nhiên, trắng trợn. Theo quan sát của chúng tôi, khu vực khai thác vàng ở thung lũng Thùng Nhà Bùi chỉ cách UBND xã Ninh Sơn khoảng 3km và cũng tương đối gần khu dân cư ở phía dưới chân núi. Không chỉ gần, đường từ trung tâm xã đến nơi khai thác vàng này cũng khá dễ đi, ô tô có thể vào cách hầm chừng 100m, còn xe máy thì dễ dàng chạy lên tới miệng hầm. Hàng ngày, phu vàng chở những bao tải quặng vàng từ hầm về nhà ông Lê Văn Sang để phân kim đều đi qua chặng đường này. Thế nhưng không hiểu sao, tiếng máy phát điện rền vang 24/24 giờ, việc dựng lán trại để “tạm trú dài ngày” trên núi và việc ngang nhiên khai thác, vận chuyển quặng vàng của nhóm người này vẫn “qua mặt” được chính quyền địa phương và cơ quan chức năng? Thấy chúng tôi tỏ ra “quan ngại” về điều này, Minh đen liền mạnh miệng, nói: “Nghề gì chứ nghề “đánh vàng” này phải làm dài ngày, không thể làm theo kiểu chụp giựt, lén lút được. Nếu không chung chi, lo lót, tụi này đã bị bắt từ lâu rồi”.

Rời thung lũng Thùng Nhà Bùi, chúng tôi quay ngược trở ra, rồi tiếp tục chạy xe máy lên hướng đập hồ Đá Bàn để đến những hầm vàng khác trên đồi Thủy Văn. Từ đập hồ Đá Bàn, len lỏi qua khoảng 1,5km đường rừng ven sườn đồi, chúng tôi bắt gặp một con suối - nơi chuyển dòng nước thải trong việc phân kim vàng từ bãi vàng trên đỉnh đồi Thủy Văn xuống hồ Đá Bàn. Ngược theo con suối này khoảng 1km, hiện lên trước mắt chúng tôi là một “công trường khai khoáng” khá rộng lớn với quy mô “khép kín” - điều hoàn toàn trái ngược với những gì chúng tôi hình dung trước đó về một hầm khai thác vàng trái phép nơi đỉnh núi. Theo quan sát của chúng tôi, quanh bãi vàng này có rất nhiều lán trại đủ cho khoảng 30 “công nhân” ở lại dài ngày trên núi để khai thác vàng. Tuy nhiên, theo người đàn ông tên Hiếu (người quản công kiêm bảo kê ở bãi vàng này), ông chủ vừa “tuyển” gần chục “công nhân” từ các tỉnh, thành phố Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An, Hải Phòng… nên phải cho “lính” hạ cây rừng dựng thêm lán trại. Khác với khu vực khai thác vàng ở thung lũng Thùng Nhà Bùi, bãi vàng này có quy mô lớn hơn nhiều và được phân thành 3 khu vực riêng biệt. Theo triền núi, trên cùng là khu vực hầm, ở giữa là khu phân kim và phía dưới là khu vực ăn, ở, sinh hoạt của các phu vàng. Cùng với đó, “công nhân” cũng được giao nhiệm vụ “chuyên môn” hẳn hoi, như: Khoan lỗ đánh mìn dưới hầm, nhồi thuốc nổ, chuyển đá sa khoáng từ dưới hầm lên và chuyển đến máy nghiền, đứng máy… Những bể phân kim được xây dựng rất kiên cố. Nhiều loại máy móc lỉnh kỉnh; các bao tải đá sa khoáng được chuyển từ dưới hầm lên, chất ngổn ngang; tiếng máy phát điện, máy nghiền đá rền vang như rung chuyển cả sườn đồi; tiếng quản công quát tháo thúc dục “công nhân”… Cả bãi vàng như một công trường đang gấp rút thi công.

. Đầu độc hồ Đá Bàn

2

Hóa chất độc hại từ việc phân kim vàng ngập tràn ở suối nước dẫn xuống hồ Đá Bàn.

Trong những ngày tiếp cận các hầm khai thác vàng sa khoáng ở Ninh Sơn, chúng tôi đã không khỏi giật mình khi toàn bộ hóa chất (trong đó cyanua là chất cực độc) sử dụng cho quá trình phân kim vàng đều được xả thẳng ra môi trường. Tại khu vực đồi Thủy Văn hiện có 3 hầm khai thác vàng thì cả 3 đều xây bể lắng lọc và phân kim vàng tại chỗ. Đang mùa khô, những con suối cạn quanh đồi Thủy Văn đều trơ đáy, nhưng khi chúng tôi đến đây, hàng km suối đã ngập ngụa trong bột đá và hóa chất.

Nhìn dòng suối xám xịt, bốc mùi hăng hắc, chúng tôi không khỏi rùng mình. Lo ngại hơn, tất cả những hóa chất độc hại đó cuối cùng cũng đều chảy xuống lòng hồ Đá Bàn - là công trình cung cấp nước sạch cho nhiều xã của huyện Ninh Hòa. Một “phu vàng” tiết lộ: “Những hóa chất làm vàng rất độc. Nếu ăn phải nước ô nhiễm các loại hóa chất này thì không khác gì bị nhiễm chất độc da cam”. Để chứng minh cho sự nguy hại của hóa chất, chúng tôi đã lần theo những phu vàng ra khu vực lòng hồ Đá Bàn (nơi các thợ làm vàng thường rửa các dụng cụ đựng hóa chất). Quả nhiên, tại đây chúng tôi đã bắt gặp khá nhiều xác cá chết nổi lềnh bềnh. Đem thắc mắc hỏi những người dân câu ven hồ, không ai chắc chắn nhưng đa số họ nghi ngờ về sự độc hại do các hóa chất từ các hầm vàng thải ra.

Ông Nguyễn Mạnh T. (trú tại Ninh Sơn, trước đây từng làm vàng) ngao ngán: “Nếu cứ để tình trạng phân kim vàng xung quanh khu vực lòng hồ Đá Bàn như hiện nay thì người dân phải gánh những hậu quả khôn lường. Mới đợt rồi có 2 người phụ nữ gần hồ bị sẩy thai và tôi nghi thủ phạm chính là nguồn nước bị nhiễm hóa chất cyanua”. Không biết những nghi ngờ đó có chính xác hay không, song từ thực tế mà chúng tôi ghi nhận được tại khu vực đồi Thủy Văn, có thể chắc chắn, một ngày không xa, toàn bộ hồ Đá Bàn sẽ bị nhiễm độc nặng. Không biết lúc ấy, sinh mạng của hàng ngàn người dân sử dụng nguồn nước này rồi sẽ ra sao?

Rời khu vực hồ Đá Bàn khi trời đã xế chiều, nhìn những người dân đang vô tư sử dụng nguồn nước từ hồ mà chúng tôi cảm thấy bất an. Nghĩ đến cảnh các hầm vàng vẫn ngày đêm xả hóa chất độc hại xuống nguồn nước, câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan chức năng lại hiển hiện trong đầu chúng tôi.

TỔ PHÓNG VIÊN