- Hỏi: Vì kẹt tiền nên tôi có cầm cố một xe máy trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, khi nhận lại xe thì tôi phát hiện xe đã bị tháo máy. Tôi thắc mắc thì chủ tiệm nói có lấy xe của tôi đi công chuyện, ....
- Hỏi: Vì kẹt tiền nên tôi có cầm cố một xe máy trong vòng 10 ngày. Tuy nhiên, khi nhận lại xe thì tôi phát hiện xe đã bị tháo máy. Tôi thắc mắc thì chủ tiệm nói có lấy xe của tôi đi công chuyện, dọc đường xe bị hỏng nên có vào hiệu sửa, nhưng không biết gì chuyện máy xe bị tháo. Tôi đòi bồi thường thì họ không chịu. Trường hợp này tôi có quyền đòi bồi thường?
PHẠM VĂN HẢI (Phước Tân, Nha Trang)
- Trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Dân sự, việc cầm cố tài sản phải lập thành văn bản. Khi đó sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ của 2 bên đối với tài sản cầm cố. Theo khoản 3 Điều 333, bên nhận cầm đồ được khai thác công dụng của tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận. Còn khoản 3 Điều 332 quy định, bên nhận cầm cố tài sản không được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố nếu không được bên cầm cố đồng ý. Như vậy, trong trường hợp ông hỏi, nếu trong hợp đồng không nói rõ ông cho phép bên nhận cầm đồ sử dụng xe thì họ không được phép sử dụng. Khoản 5 Điều 331 quy định, bên cầm cố tài sản có quyền yêu cầu bên nhận cầm cố bồi thường thiệt hại xảy ra đối với tài sản cầm cố.
Tóm lại, trong trường hợp không có thỏa thuận gì thì phía chủ cầm đồ không được phép sử dụng chiếc xe. Trong trường hợp họ gây hư hỏng thì phải bồi thường. Như vậy ông có cơ sở để đòi bồi thường. Tuy nhiên, ông cần tính toán kỹ mức bồi thường và phải có cơ sở để chứng minh nếu muốn khởi kiện ra Tòa án.
Luật gia MINH HƯƠNG