01:01, 27/01/2012

Thông tư liên tịch hướng dẫn về bồi thường trong công tác thi hành án dân sự có hiệu lực từ 31-1-2012: Sai là phải bồi thường!

Lâu nay, những sai sót trong công tác thi hành án dân sự dường như bị bỏ lửng. Nhiều vụ việc trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận nhưng rốt cục thì người phải gánh chịu những hậu quả do việc thi hành án sai l....

Lâu nay, những sai sót trong công tác thi hành án dân sự (THADS) dường như bị bỏ lửng. Nhiều vụ việc trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận nhưng rốt cục thì người phải gánh chịu những hậu quả do việc thi hành án sai lại là các đương sự, dù pháp luật đã quy định rõ về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên “căn bệnh” trên sắp có “thuốc chữa”!

Có lẽ nhiều người vẫn chưa thể quên vụ trúng đấu giá nhà ở thị trấn Diên Khánh (Khánh Hòa) hơn chục năm trước. Lúc ấy, một người dân đã mua đấu giá căn nhà của cơ quan Thi hành án huyện phát mãi nhưng khi giao đủ tiền xong vẫn chưa được nhận nhà. Lý do là đương sự phải thi hành án đã viện cớ thủ tục thi hành án chưa đúng nên đã chiếm lại căn nhà đó. Ròng rã cả chục năm trời, sự việc mới được giải quyết với sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương. Phía mua nhà phải chịu mọi thiệt hại vì phải đổ biết bao nhiều công sức, tiền của để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh. Tuy cuối cùng vụ việc được giải quyết nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Tuy nhiên, họ phải chấp nhận với tâm lý vớt vát chút nào hay chút đó. Điều đáng nói là những cán bộ làm sai cũng không chịu trách nhiệm bồi thường.

Thực tế đã có nhiều trường hợp công dân kiện cơ quan thi hành án làm sai phải bồi thường. Tòa án ra bản án buộc cơ quan Thi hành án phải bồi thường. Theo quy định, chính cơ quan Thi hành án đó phải buộc mình phải thi hành bản án trên. Điều đó là rất khó thực hiện nếu như không muốn nói là không thể thực hiện. Trường hợp tưởng chừng vô lý này đã có thật trên thực tế. Những trường hợp trên là minh chứng cho thấy những bất cập trong công tác THADS.

Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP của liên Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS sẽ có hiệu lực ngày 30-1-2012. Đây là văn bản được hy vọng sẽ giảm bớt những sai sót như đã nêu trên, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại cho người dân trong lĩnh vực THADS.

Thông tư có 4 phần quan trọng. Thứ nhất là quy định rõ đối tượng áp dụng, gồm: các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do công chức các cơ quan THADS gây ra và các cơ quan có trách nhiệm bồi thường như: Tổng cục THADS, Cục THADS cấp tỉnh, Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng, Chi cục THADS cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu; cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động THADS và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bồi thường nhà nước.

Thứ hai, Thông tư liên tịch quy định cụ thể các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản xác định hành vi trái pháp luật, việc xác định lỗi cố ý của người thi hành công vụ. Xác định phạm vi trách nhiệm bồi thường. Theo quy định, có 10 đầu việc mà người thi hành công vụ công tác THADS vi phạm thì phải bồi thường.

Như thế nào gọi là thiệt hại? Đó là vấn đề thứ ba mà Thông tư liên tịch đề cập. Thông tư hướng dẫn rõ 2 loại thiệt hại được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước có liên quan đến công tác THADS là thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Đây là điều khoản đã được quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước nhưng đã được Thông tư hướng dẫn rõ hơn về cách tính thiệt hại cũng như cách áp dụng cụ thể.

Cuối cùng, Thông tư liên tịch hướng dẫn về thủ tục yêu cầu bồi thường. Theo đó, quy định đáng chú ý là người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại trong vòng 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại. Nếu không thỏa thuận được, người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường. Tuy nhiên, để tránh trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi”, Thông tư quy định khi bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác THADS ở Trung ương để thực hiện thủ tục cấp phát, chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại… Điều này hạn chế trường hợp chính cơ quan Thi hành án tự buộc chính mình phải thi hành án như đã nói trên.

Thông tư liên tịch này đã tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc lâu nay trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường đồng thời nâng cao ý thức của chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong hoạt động THADS. Mặt khác, nó góp phần giảm oan sai, thiệt hại cho người dân và bảo đảm quyền yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức trong hoạt động THADS đối với Nhà nước.

LÊ MINH