09:01, 08/01/2012

Cần tăng cường lực lượng kiểm tra và tăng mức xử phạt

Vài năm trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngày càng diễn biến phức tạp. Ở Nha Trang, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực khai thác vật liệu thông thường (đất san lấp, cát xây dựng…).

Vài năm trở lại đây, hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) trái phép ngày càng diễn biến phức tạp. Ở Nha Trang, hoạt động KTKS trái phép chủ yếu xảy ra ở lĩnh vực khai thác vật liệu thông thường (đất san lấp, cát xây dựng…). Hoạt động này diễân ra khá công khai nhưng quá trình ngăn chặn, xử lý của các ngành chức năng chưa đủ sức dẹp bỏ tình trạng này…

Những năm qua, nạn khai thác cát trái phép vẫn hoành hành trên sông Cái, gây sạt lở đất nghiêm trọng, nhất là ở những đoạn sông đi qua các xã Diên Phú, Diên Thọ, Diên Lạc, Diên Sơn, Diên Phước… Điều này từ lâu đã là vấn nạn khó giải quyết của huyện Diên Khánh. Còn ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, tuy chỉ mới xuất hiện, nhưng hoạt động khai thác quặng tại xã Khánh Phú đã phát triển một cách chóng mặt trước sự bất lực của chính quyền địa phương. Từ nửa cuối năm 2011, hàng ngàn người đổ xô lên khu vực suối Lùn, thôn Ngã Hai, Khánh Phú để đốn hạ cây cối, cày xới mặt đất lấy cát đãi quặng. Môi sinh bị phá hủy, an ninh trật tự trở nên phức tạp…

Ở thị xã Ninh Hòa, hoạt động đào đãi sa khoáng vẫn âm ỉ diễn ra mà chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để. Ngoài hoạt động khai thác vàng trái phép, cùng với các huyện như Diên Khánh, Khánh Vĩnh…, Ninh Hòa cũng là một “điểm nóng” trong hoạt động khai thác đất sét làm gạch ngói trái phép, đã để lại rất nhiều hệ lụy cho môi trường.

Tuy không quá phức tạp như các hoạt động KTKS là quặng kim loại, nhưng việc khai thác đất san lấp tại Nha Trang cũng là vấn đề được các ngành chức năng đưa vào diện quan tâm đặc biệt, nhất là nạn khai thác đất trái phép và vận chuyển đất không rõ nguồn gốc. Từ đầu năm, UBND thành phố đã thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán cát trái phép trên địa bàn TP. Nha Trang (tạm gọi tắt là tổ liên ngành) để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, qua 1 năm hoạt động, những gì đạt được chưa làm hài lòng người dân.

Trong năm, Tổ liên ngành đã phát hiện và xử lý hơn 30 trường hợp khai thác, vận chuyển đất, cát trái phép, tham mưu UBND thành phố xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm trên 120 triệu đồng. Theo cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Nha Trang - thành viên của tổ liên ngành, một số trường hợp là khai thác đất trái phép trong vườn nhà, thuộc quyền sử dụng của mình nhưng lại không có giấy phép khai thác. Còn các trường hợp vận chuyển thường không có các giấy tờ chứng minh nguồn gốc. Các giấy tờ này chỉ có ở những đơn vị được cấp có thẩm quyền cấp phép khai thác đất. Theo đó, nguồn đất san lấp trên địa bàn Nha Trang được cung cấp tại khu vực núi Hòn Chèo (Phước Đồng) và Vĩnh Thành (Vĩnh Phương) do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Chỉ huy Quân sự TP. Nha Trang làm chủ đầu tư.

Theo quy định, tổ chức, cá nhân muốn khai thác, vận chuyển đất phải được phép của cơ quan có thẩm quyền và các giấy tờ liên quan. Tuy nhiên, do việc kiểm tra chưa thực sự sâu sát, các hành vi vi phạm diễn ra thường xuyên; ngay cả một số khu vực “được phép” cũng có tình trạng khai thác ồ ạt, trái với diện tích, khối lượng được duyệt. Chẳng hạn, đầu năm 2010, hàng ngàn m3 đất đá được “lấy cắp” một cách trắng trợn tại khu vực đèo Rù Rì (Vĩnh Hòa). Rồi trong năm 2011, khu vực Dốc Mít (Vĩnh Thái) ban đầu bị người dân phản ánh hiện tượng bụi bặm, mãi đến khi cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện đơn vị khai thác tại khu vực này đã “tranh thủ” khai thác ra ngoài diện tích cấp phép!

Theo một thành viên của Tổ liên ngành, để đối phó, các đối tượng vi phạm đã bố trí người cảnh giới, gây không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, mức xử phạt hiện còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.

Hiện nay, trong số khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động KTKS, không nhiều doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường cũng như khai thác theo đúng giấy phép. Hoạt động phục hồi môi trường sau khai thác còn bị xem nhẹ. Chính vì vậy, cuối tháng 12-2011, UBND tỉnh đã có chỉ thị chấn chỉnh hoạt động khai thác, sử dụng đất san lấp trái phép, trong đó sẽ thu tiền cấp quyền KTKS đối với đất san lấp.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, để hạn chế tối đa tình trạng này, lực lượng kiểm tra phải đủ mạnh, đủ phương tiện, quá trình xử lý cần kiên quyết và mang tính răn đe nhiều hơn. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của cấp xã… khi để xảy ra tình trạng khai thác đất cát trên địa bàn mà không phát hiện ra…

H.Đ