11:12, 27/12/2011

Hủy án sơ thẩm đúng pháp luật?

Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa nguyên đơn là ông Trần Bông (ở 120A Nguyễn Trãi, Nha Trang) và bị đơn là bà Trần Thị Chiến (ở 29C Cồn Giữa, Nha Trang), do bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP. Nha Trang.

Vừa qua, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu nhà giữa nguyên đơn là ông Trần Bông (ở 120A Nguyễn Trãi, Nha Trang) và bị đơn là bà Trần Thị Chiến (ở 29C Cồn Giữa, Nha Trang), do bị đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP. Nha Trang. Khi xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm dưới sự chủ tọa của thẩm phán Lê Thị Hiền và các thẩm phán Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Thị Kim Dung đã kết luận: Bản án sơ thẩm xử công nhận cho nguyên đơn được quyền sở hữu nhà 120A Nguyễn Trãi là có căn cứ pháp luật. Cụ thể: “Nhà đất tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông Trần Bông, bà Chiến chỉ là người đứng tên hộ. Bà Chiến đã lập cam kết sẽ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà cho ông Bông khi ông được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam theo quy định pháp luật. Nay, ông Trần Bông đã về Việt Nam, đã được cấp giấy miễn thị thực và cho phép cư trú từ 3 tháng trở lên nên có đủ điều kiện sở hữu nhà đất tại Việt Nam theo quy định tại Điều 126 Luật Nhà ở và Điều 121 Luật Đất đai”. Tuy nhiên, khi tuyên án, HĐXX lại quyết định hủy toàn bộ án sơ thẩm vì cho rằng, vụ kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Nha Trang và giao hồ sơ cho TAND tỉnh xét xử lại. Căn cứ để hủy án của Tòa cấp phúc thẩm như sau: Ông Trần Bông là người có quốc tịch Canada. Tại thời điểm TAND TP. Nha Trang thụ lý vụ án, ông Bông có giấy chứng minh nhân dân do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp, có sổ hộ khẩu đăng ký thường trú năm 2008 tại tổ 32, Trường Phúc, Vĩnh Phước, Nha Trang, sau đó chuyển về số 120A Nguyễn Trãi. Quá trình Tòa cấp phúc thẩm giải quyết vụ án, các giấy tờ trên đã bị cơ quan Công an hủy bỏ do có sai phạm trong quá trình kê khai, làm thủ tục cấp giấy tờ. Như vậy, theo khoản 2 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 34 Bộ Luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) và theo Nghị quyết số 01 của TAND Tối cao, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh. TAND TP. Nha Trang thụ lý giải quyết vụ án trên là không đúng thẩm quyền nhưng hoàn toàn không có lỗi trong việc này. Vì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh, nhà đang tranh chấp tại Nha Trang, nên HĐXX thấy cần hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh giải quyết lại theo đúng thẩm quyền.

Án sơ thẩm được nhận định xử đúng nội dung, nhưng bị hủy do vi phạm về thủ tục. Vụ kiện vì vậy bị kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của nguyên đơn và những người tham gia tố tụng khác, gây nhiều tranh luận trong giới luật gia.

Luật sư Đặng Kim Ngân, người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nguyên đơn cho rằng: Mặc dù trong quá trình Tòa phúc thẩm giải quyết vụ án, do có khiếu nại của bị đơn, Công an đã hủy bỏ việc đăng ký thường trú tại số 120A Nguyễn Trãi của ông Trần Bông, nhưng ông này đã về Việt Nam sinh sống từ năm 2002 đến nay; tài sản tranh chấp tại Nha Trang; vụ án không cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài hay cho tòa án nước ngoài. Bên cạnh đó, suốt quá trình giải quyết vụ án, từ khi ông Bông làm đơn khởi kiện đến nay, ông đều có mặt ở Việt Nam, tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng của Tòa nên theo quy định tại khoản 3 Điều 33 và điểm c khoản 1 Điều 34 BLTTDS và Điểm 4 Mục I Nghị quyết số 01 của TAND Tối cao, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện. Do đó, việc TAND TP. Nha Trang thụ lý giải quyết là đúng thẩm quyền.

Cùng một vấn đề, Tòa cấp phúc thẩm và Tòa cấp sơ thẩm đều viện dẫn Nghị quyết số 01, nhưng quan điểm áp dụng quy định của 2 cấp Tòa lại khác nhau. Vậy, trong vụ kiện này, Tòa cấp nào có thẩm quyền giải quyết theo quy định nêu trong Nghị quyết? Tòa cấp phúc thẩm nhận định: “Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết không đúng thẩm quyền, nhưng hoàn toàn không có lỗi”, vậy phải chăng, việc hủy án hoàn toàn do lỗi của đương sự?

Xem lại khoản 3 Điều 33 BLTTDS năm 2004 và Điểm 4 Mục I Nghị quyết số 01, nhiều luật sư, luật gia cho rằng, Tòa cấp phúc thẩm lấy lý do các giấy tờ về hộ khẩu, chứng minh nhân dân của nguyên đơn đã bị hủy để xác định vụ kiện không thuộc thẩm quyền của Tòa cấp huyện là không phù hợp với chính các quy định được viện dẫn trong nhận định của Tòa. Điều 33 BLTTDS quy định về thẩm quyền giải quyết của các cấp Tòa và đã được TAND Tối cao hướng dẫn rất chi tiết. Theo đó, trường hợp đương sự là cá nhân (không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài), khi họ đang trú tại Việt Nam, trực tiếp nộp đơn khởi kiện tranh chấp tài sản tại Việt Nam thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện. Từ khi BLTTDS 2004 có hiệu lực đến nay, Tòa án cấp huyện đã giải quyết rất nhiều vụ kiện như vậy. Do đó, nếu không có lý do nào khác thì việc hủy án vì không đúng thẩm quyền của Tòa cấp phúc thẩm là không có căn cứ pháp luật, cần được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật khi xét xử.

Tổ PV