- Hỏi: Bố mẹ chồng tôi có 2 người con là chồng tôi và cô con gái. Sinh thời, ông bà được Nhà nước phân cho một căn nhà.
- Hỏi: Bố mẹ chồng tôi có 2 người con là chồng tôi và cô con gái. Sinh thời, ông bà được Nhà nước phân cho một căn nhà. Em gái chồng tôi đã lấy chồng ở Hà Nội từ lâu, bố mẹ chồng sống với vợ chồng tôi trong căn nhà đó. Sau này, chồng tôi đã bỏ tiền để hợp thức hóa nhà (bán theo Nghị định 61/CP) và xây mới lại toàn bộ. Khi bố mẹ chồng tôi mất không để lại di chúc, vợ chồng tôi vẫn ở ổn định từ đó đến nay. Hiện người em chồng không có ý kiến gì nhưng cũng “bóng gió” chuyện chia nhà. Như thế có đúng? Xin nói thêm là thời điểm cha mẹ chồng tôi mất đến nay đã hơn 10 năm.
Vũ Thị Loan (Nha Trang)
- Trả lời: Theo thư trình bày thì có thể thấy căn nhà trên là di sản thừa kế của cha mẹ chồng bà. Cho dù chồng bà là người hợp thức hóa, bỏ tiền ra xây nhà thì về mặt pháp lý, quyền sử dụng lô đất trên là di sản của cha mẹ chồng bà. Nếu vợ chồng bà chứng minh được việc bỏ tiền xây dựng nhà thì căn nhà là tài sản của vợ chồng bà, bằng không đó vẫn được coi là di sản thừa kế.
Khi cha mẹ chồng bà mất và không để lại di chúc đã phát sinh quan hệ thừa kế theo pháp luật. Chồng bà và em gái được hưởng mỗi người 1/2 khối tài sản chung đó. Việc xác định tài sản là di sản sẽ được căn cứ trên các quy định pháp luật. Xin lưu ý là cho đến thời điểm này (đã hơn 10 năm kể từ cha mẹ chồng bà mất), thời hiệu khởi kiện về chia di sản thừa kế đã hết. Tuy nhiên, thời hiệu đó sẽ không được tính nếu như 2 anh em đồng ý đó là tài sản chung chưa chia. Trong trường hợp không thống nhất được thì phải giữ nguyên trạng vì pháp luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này.
Luật gia MINH HƯƠNG