Khi nói về những chiến sĩ “tầm nã” tội phạm ở lực lượng Công an tỉnh, không thể không nói đến một “cặp bài trùng” được coi là “sát thủ” của tội phạm truy nã. Đó là Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường ở Đội truy nã tội phạm về trật tự xã hội thuộc Phòng PC52 Công an tỉnh...
Khi nói về những chiến sĩ “tầm nã” tội phạm ở lực lượng Công an tỉnh, không thể không nói đến một “cặp bài trùng” được coi là “sát thủ” của tội phạm truy nã. Đó là Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường ở Đội truy nã tội phạm về trật tự xã hội thuộc Phòng PC52 Công an tỉnh...
° Đã lên đường là không về tay trắng
Một người là đội trưởng (Trung tá Đặng Quốc Quân), một người là phó đội trưởng (Trung tá Lê Nhường) từ hồi còn ở Phòng Cảnh sát hình sự và nay là Đội truy nã tội phạm về trật tự xã hội thuộc Phòng PC52 Công an tỉnh, tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, ấy thế mà gần 20 năm qua, họ trở thành bộ đôi ăn ý trong công việc, hiểu nhau từ cái “búng tay” đến cái “nháy mắt”. Họ là những gương mặt xuất sắc của Công an Khánh Hòa. Cứ mỗi khi họ lên đường thì rất hiếm khi phải về “tay trắng”. Vì thế, con số những đối tượng tội phạm bị bộ đôi này truy bắt đã lên đến hàng trăm.
Nghe họ kể chuyện, thấy họ “nháy mắt”, “nhắc vở”, chúng tôi mới hiểu vì sao đồng đội gọi họ là “cặp bài trùng” ăn ý. Họ đã cùng tham gia nhiều vụ truy bắt đối tượng tội phạm đặc biệt nguy hiểm, mà vụ truy bắt Quách Sĩ Sáu là một ví dụ. Sĩ Sáu là 1 trong 4 đối tượng gây ra vụ giết người cướp của nghiêm trọng vào đêm 30 Tết năm Giáp Tuất 1994, tại khu vực cây số 62 huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc. Công an Đắc Lắc khi đó đã mở một cuộc điều tra quy mô và nhanh chóng bắt được 3 đối tượng. Riêng đối tượng có vai trò chủ chốt Quách Sĩ Sáu “lặn mất tăm”. Đến tháng 8-1994, Công an Đắc Lắc ra lệnh truy nã đặc biệt đối với Quách Sĩ Sáu. Trung tá Quốc Quân cho biết, ngay sau khi vụ án xảy ra, các trinh sát hình sự Công an Khánh Hòa và Công an Đắc Lắc đã phối hợp rất chặt chẽ nhằm truy tìm thủ phạm. Ngày 25-2-2011, Trung tá Đặng Quốc Quân nhận được thông tin Quách Sĩ Sáu đang ở tại nhà của Quách Sĩ Ngại (xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa, anh trai của Sáu). Ngay sau đó, một kế hoạch tổ chức vây bắt đã được xây dựng tỉ mỉ. “Cặp bài trùng” Đặng Quốc Quân, Lê Nhường cùng 2 trinh sát trong đội được lệnh lên đường. Hai anh chọn giải pháp bắt bất ngờ để Sáu không kịp chống đỡ, tránh gây nguy hiểm cho lực lượng truy bắt. Đúng 3 giờ sáng 26-2-2011, 2 mũi công tác do Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường chỉ huy đã đồng loạt ập vào nhà của Ngại và Bảy. Tại nhà của Ngại, mũi công tác của Trung tá Đặng Quốc Quân đã nhanh chóng khống chế một người đàn ông đang ngủ trên giường, đó chính là Quách Sĩ Sáu.
Nhắc đến địa danh EaKar, tỉnh Đắc Lắc, Trung tá Lê Nhường say sưa kể lại một chuyến công tác đầy kỷ niệm của “cặp bài trùng”. Đó chính là cuộc truy tìm đối tượng truy nã Tạ Kim Thanh (sinh năm 1955), quê ở huyện Xuân Hòa (tỉnh Phú Yên), tạm trú tổ dân phố Hòa Do, phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh. Đây là đối tượng gây ra một vụ án đâm chết người trong dịp Tết Kỷ Tỵ năm 1989, sau đó cùng vợ con bỏ trốn. Hơn 10 năm ròng rã, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã nhiều lần cử trinh sát truy tìm, nhưng tin tức về y vẫn “biệt vô âm tín”. Vụ án kéo dài đến cuối năm 2004 mới kết thúc. Lần này, lãnh đạo Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội quyết định lập chuyên án, đồng thời giao nhiệm vụ trực tiếp cho Đội trưởng Đặng Quốc Quân và Đội phó Lê Nhường truy tìm hung thủ. Vượt qua bao khó khăn vì không biết mặt đối tượng, Tạ Kim Thanh lại thay tên đổi họ… nhưng bộ đôi này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bắt Tạ Kim Thanh về quy án.
“Nhưng chuyến đi bắt Tạ Kim Thanh không ly kỳ bằng chuyến đi 4 ngày 4 tỉnh bắt được 3 đối tượng truy nã” - Trung tá Lê Nhường nói. Trung tá Đặng Quốc Quân chen vào: “Thế đã nhằm nhò gì! Có lần chúng tôi còn đi 7 ngày, 5 tỉnh, vượt qua hàng trăm km, toàn các địa bàn miền núi, vùng sâu vùng xa. Hễ nhận được thông tin có tội phạm truy nã đang ẩn nấp tại địa phương nào đó là chúng tôi lại lên đường”…
Trung tá Quân kểø: “Để tiện cho công việc, chúng tôi thường chạy xe máy, đoạn nào khó quá thì bỏ lên tàu, đến địa phương đó lại bỏ xe xuống đi tiếp, bất kể ngày đêm. Cuối tháng 3-2008, hay tin Nguyễn Bá Hà (sinh năm 1955, quê tại Quảng Trị, tạm trú tại phường Phước Long, Nha Trang), can tội giết người vào năm 1994 đang lẩn trốn tại khu vực chợ Đông Ba (TP. Huế), chúng tôi lập tức lên xe máy, mất hơn 12 giờ đồng hồ mới ra đến đất Cố đô. Vừa bắt xong Nguyễn Bá Hà tại chợ Đông Ba, chúng tôi lại nghe thông tin về Lưu Chỉ - đối tượng truy nã về tội hiếp dâm năm 1997 đang có mặt tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng), chúng tôi ngay lập tức chạy xe máy vào Đà Nẵng phối hợp cùng Công an địa phương bắt đối tượng này. Trên đường về, ngang qua Tịnh An, Tịnh Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi lại bắt thêm Nguyễn Đình Tân (sinh năm 1959, trú TP. Nha Trang) - đối tượng truy nã năm 1999 về tội “Lạm dụng tín dụng chiếm đoạt tài sản”…
° Phải biết dựa vào dân
Nghe các anh kể về những chuyến “tầm nã” gian nan, chúng tôi hiểu được phần nào sự vất vả trong nghề mà các anh đang gắn bó. Chân chất và không biết kể thành tích, thế nhưng qua tìm hiểu từ đồng đội của họ, chúng tôi được biết, trung bình hơn 100 đối tượng có lệnh truy nã bị các đơn vị nghiệp vụ Công an Khánh Hòa bắt hàng năm thì con số đóng góp của “cặp bài trùng” này là không hề nhỏ. Như một “cái duyên”, cùng học một lớp nghiệp vụ của ngành, cùng chuyển công tác từ Đội đặc nhiệm sang Phòng Cảnh sát hình sự (sau này là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) từ năm 1995, kể từ đó cuộc đời của Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường gắn liền với những chuyến đi “tầm nã” dài ngày! Trung tá Đặng Quốc Quân chia sẻ, làm Công an, đặc biệt là ở lĩnh vực truy nã tội phạm mà không biết dựa vào dân là coi như… bỏ! Cán bộ, chiến sĩ nào có mối quan hệ tốt với dân sẽ được dân giúp đỡ rất nhiều trong công việc lẫn trong sinh hoạt. Anh ví dụ về vụ bắt Nguyễn Hùng Nhân - đối tượng bị truy nã về tội cướp tài sản. Nhân vốn là dân trèo cau chuyên nghiệp nên chạy nhanh, nhảy cao rất giỏi. Khi các anh truy đuổi hắn đến cuối một con đường ở xã Vĩnh Thạnh (Nha Trang) thì gặp ngay một hàng rào B40, cao khoảng 1,6m, vậy nhưng hắn vẫn nhảy qua ngon lành. “Nếu lúc đó không có người dân vây quanh khu vực đó, chắc gì chúng tôi đã bắt được hắn...” - anh nói.
Được ví như những “sát thủ” đối với tội phạm truy nã với thành tích bắt hàng trăm đối tượng, tuy nhiên không ít đối tượng khi bị bắt lại tỏ ra đặc biệt quý nể “cặp bài trùng” này. Vào giữa tháng 7-2011, Trung tá Đặng Quốc Quân và Trung tá Lê Nhường lên đường đi TP. Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để truy bắt Trương Tiến Mạ (sinh năm 1934, trú tổ 1, khu 2, thị trấn Hải Ninh, huyện Hải Ninh, Quảng Ninh, bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa phát lệnh truy nã toàn quốc về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” vào tháng 4-1995). Khi bị bắt, Trương Tiến Mạ đã trở thành một ông già lọm khọm mang trong mình nhiều chứng bệnh. Biết đối tượng vừa tuổi cao sức yếu vừa có bệnh tim, bệnh cao huyết áp, trên suốt hành trình gần 2.000km từ Móng Cái về Khánh Hòa, hai anh thay phiên nhau chăm sóc tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ và động viên đối tượng. Hoặc có đối tượng truy nã bị nhiễm HIV, ai cũng không dám lại gần, thế nhưng, hai anh vẫn tỉnh táo tìm mọi cách để bắt và giải về trại giam…
Trong công việc, cả hai anh có chung một quan điểm: Kiên quyết không để cho kẻ phạm tội nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật; còn khi truy bắt đối tượng truy nã, phải nắm thông tin thật chính xác, không được bắt ẩu, bắt nhầm. Chính vì ăn ý với nhau từ quan điểm đến hành động, “cặp bài trùng sát thủ” này đã góp phần làm cho thành tích của đơn vị ngày một dày thêm.
LONG GIANG