03:11, 30/11/2011

Siêu lừa và những dự án “vẽ”

 Siêu lừa Nguyễn Thanh Hà đã “vẽ” ra những dự án nước ngoài đầu tư trị giá hàng chục triệu đô la để chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng. Sau một thời gian điều tra, đến cuối tháng 11-2011, Công an tỉnh Khánh Hòa đã chuyển hồ sơ đến cơ quan cùng cấp để truy tố kẻ lừa đảo.

Siêu lừa Nguyễn Thanh Hà đã “vẽ” ra những dự án nước ngoài đầu tư trị giá hàng chục triệu đô la để chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng. Sau một thời gian điều tra, đến cuối tháng 11-2011, Công an tỉnh Khánh Hòa đã chuyển hồ sơ đến cơ quan cùng cấp để truy tố kẻ lừa đảo.

Hơn 4 năm trước, anh Lê Quang Hiệp - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Lê Quang có trụ sở ở đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Tân Lập, TP. Nha Trang quen biết Nguyễn Thanh Hà (sinh năm 1959) - Giám đốc Công ty TNHH Thành Hà, trú ở phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Sau vài cuộc gặp, Hà bốc phét có khả năng “chạy cầu” nhiều dự án lớn do nước ngoài đầu tư và đưa ra một số tài liệu, trong đó có hợp đồng nguyên tắc ký kết với ông Michael Hopkins - quốc tịch Moldova với nội dung đầu tư 36 triệu USD cho Công ty Thành Hà xây dựng khách sạn 3 sao và một số dự án khác. Kèm theo hợp đồng là bản copy hộ chiếu của Hopkins, chứng thư tín dụng Ngân hàng quốc gia Moldova, lệnh chuyển tiền từ Moldova đến Ascot Capitan International Bank of Settlement - Hoa Kỳ và văn bản đề nghị Công ty Thành Hà nộp phí dịch vụ 46.000 USD vào tài khoản của Xinyi Group Glass Co. Ltd tại HangSeng Bank Hongkong mới được nhận 36 triệu USD. Bằng tài liệu đó, Hà “câu nhử” anh Hiệp tạm ứng phí dịch vụ và hứa hẹn cho mượn 1 triệu USD. Tưởng thật, anh Hiệp đã chi 50.000 USD, nhưng ngày 3-8-2007, Hà gửi email cho anh Hiệp, kèm thông báo Cơ quan thuế Hoa Kỳ yêu cầu nộp 1% trên số tiền thụ hưởng và đề nghị anh Hiệp chi tiền. Thấy rắc rối, anh Hiệp từ chối và yêu cầu trả lại 50.000 USD, nhưng Hà phớt lờ. Đến giữa tháng 8-2007, anh Hiệp nhận email của Hà thông báo Hopkins đã rút tiền từ Hoa Kỳ về Ngân hàng quốc gia Moldova, ngân hàng này đề nghị Công ty Thành Hà nộp 0,5% (180.000 USD) vào quỹ an sinh xã hội sẽ nhận được 36 triệu USD. Nghe Hà tung tin Mr. Hopkins đã nộp hỗ trợ 72.000 USD, ngày 6-9-2007, anh Hiệp mang 108.000 USD vào TP. Hồ Chí Minh gặp Hà. Ngoài việc đưa số tiền này, anh Hiệp còn chi thêm 20.000 USD cho Hà bay sang Thái Lan chuyển tiền. 5 ngày sau, Hà điện thoại từ Thái Lan báo tin không chuyển được tiền và đề nghị anh Hiệp tìm đầu mối giải quyết. Thông qua một chủ hiệu vàng ở TP. Vũng Tàu, anh Hiệp đã chuyển 108.000 USD vào tài khoản của Xinyi tại Hangseng Bank Hongkong.

Hộ chiếu của Nguyễn Thanh Hà

Trong lúc anh Hiệp thấp thỏm chờ đợi kết quả, ngày 19-10-2007, Hà gửi email kèm văn bản của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu Ngân hàng quốc gia Moldova dừng ngay việc chuyển 36 triệu USD cho Công ty Thành Hà do vi phạm quy định chuyển tiền và buộc nộp phạt 250.000 Euro. Nghi ngờ dấu hiệu bất thường nhưng anh Hiệp chưa tìm hiểu được, thì nhận được email của Hà cho hay ông Hopkins hỗ trợ 100.000 USD, nên chỉ nộp thêm 150.000 Euro (187.500 USD). Để thuyết phục anh Hiệp, Hà cam kết không phát sinh chi phí nào khác. Nghĩ tới số tiền đã chi trước đó, anh Hiệp đành phải vay mượn 187.500 USD và nhờ một hiệu vàng ở TP. Vũng Tàu chuyển vào tài khoản Xinyi tại Ngân hàng Hangseng Hongkong. Không ngờ đến giữa tháng 11-2007, Hà lại gửi email cho anh Hiệp kèm thông báo của EU yêu cầu nộp lệ phí công chứng 53.600 Euro (78.155 USD). Trong tình thế không thể né tránh, anh Hà phải vay tiền để nộp thay cho Hà, nhưng nửa tháng sau Hà gửi email báo tin Mr. Hopkins phải bay sang Cộng hòa Togo lập giấy xác nhận nguồn gốc tài chính theo yêu cầu của Tổng thống Moldova. Kế đó là email kèm văn bản của Bộ Kinh tế - Tài chánh Cộng hòa Togo yêu cầu Công ty Thành Hà nộp 50.000 USD lệ phí chứng nhận nguồn gốc tài chính và 1% (360.000 USD) trên tổng số tiền thụ hưởng. Đến lúc đó, anh Hiệp biết mình đã sập bẫy… lừa nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Thanh Hà.

Khi vào cuộc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Khánh Hòa phát hiện ngoài “vở kịch” 36 triệu USD Hà còn đưa ra một số dự án do Công ty Thành Hà thực hiện với đối tác nước ngoài xuất khẩu mũ vải sang Cộng hòa Togo; xuất khẩu 2 triệu áo thun sang Nigeria; xuất khẩu 3 triệu áo thun sang Ghana; dự án chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam 22 triệu USD của một tổ chức ở Nigeria. Do cả tin những lời lẽ ngọt như mía lùi, nên anh Hiệp vay mượn 228.600 USD để cùng Hà “bay” sang Thái Lan gửi vào tài khoản do Hà chỉ định để hùn vốn thực hiện dự án… Theo đó, tổng số tiền “siêu lừa” Nguyễn Thanh Hà đã chiếm đoạt của anh Lê Quang Hiệp lên tới gần 14 tỷ đồng. Không riêng anh Hiệp, nhiều người ở Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh cũng sập bẫy lừa bởi các dự án giả do Hà “vẽ” ra. Giữa tháng 3-2009, siêu lừa Nguyễn Thanh Hà đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tích cực của Văn phòng Interpol Việt Nam, Công an tỉnh Khánh Hòa xác định không có ai đứng tên Nguyễn Thanh Hà hoặc Công ty Thành Hà nộp các khoản phí chuyển tiền vào tài khoản của Xinyi tại Ngân hàng Hangseng Hongkong, các tài liệu Hà sử dụng diễn trò lừa đảo đều là giả mạo. Ngay cả Ngân hàng Ascot Capital International ở Hoa Kỳ cũng là ngân hàng… ảo. Hai tài liệu có mã hiệu FBI/Conf/American56/160907 và 646121207 mà Hà đưa ra không phải Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát hành. Sắp tới Nguyễn Thành Hà sẽ phải hầu Tòa tại Khánh Hòa để trả giá về tội lừa đảo, trong khi đó ngày 13-5-2011, “siêu lừa” này đã bị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân Tối cao tại Hà Nội xử phạt 20 năm tù về tội danh trên.

VĂN LƯƠNG