07:11, 22/11/2011

Ép nhận nợ là giao dịch vô hiệu

Hỏi: Vợ tôi có vay mượn bạn bè một số tiền để làm ăn, tuy nhiên trong quá trình làm ăn thua lỗ nên bị lâm vào tình thế túng thiếu nên bỏ vào TP. Hồ Chí Minh khoảng 1 năm. Ở đó, vợ tôi làm ăn được, có tiền trả nợ nên quay lại Nha Trang.

Hỏi: Vợ tôi có vay mượn bạn bè một số tiền để làm ăn, tuy nhiên trong quá trình làm ăn thua lỗ nên bị lâm vào tình thế túng thiếu nên bỏ vào TP. Hồ Chí Minh khoảng 1 năm. Ở đó, vợ tôi làm ăn được, có tiền trả nợ nên quay lại Nha Trang. Tuy nhiên, chủ nợ dù đã nhận được tiền gốc và lãi theo thỏa thuận nhưng lại thuê “xã hội đen” đòi vợ tôi trả một khoản tiền lãi trong thời gian 1 năm đó. Vợ tôi không chịu nên bị chúng đe dọa hành hung và ép viết giấy nhận nợ. Nay họ đưa giấy nhận nợ ra Tòa để buộc vợ chồng tôi bán nhà trả nợ. Xin hỏi như vậy có đúng?

Trần Ngọc Hồng (Nha Trang)

Trả lời: Giấy nhận nợ mà vợ ông viết trong quá trình bị thúc ép, đe dọa là không được pháp luật thừa nhận. Theo Điều 132 Bộ Luật Dân sự về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa: khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu. Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

Như vậy trong trường hợp này, vợ ông có thể yêu cầu Tòa án không công nhận giấy nhận nợ đó. Tuy nhiên để Tòa chấp nhận yêu cầu đó, vợ ông cần thu thập những chứng cứ để chứng minh nguồn gốc của tờ giấy nhận nợ đó.

Luật gia MINH HƯƠNG