Từ năm 2001, Tòa án nhân dân TP. Nha Trang thụ lý và xét xử vụ án đòi nhà số 8 Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang. Đến nay, có 4 phiên tòa đã được tổ chức nhưng sự việc vẫn chưa xong vì vẫn phải chờ phiên tòa phúc thẩm lần 2…
Từ năm 2001, Tòa án nhân dân (TAND) TP. Nha Trang thụ lý và xét xử vụ án đòi nhà số 8 Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang. Đến nay, có 4 phiên tòa đã được tổ chức nhưng sự việc vẫn chưa xong vì vẫn phải chờ phiên tòa phúc thẩm lần 2…
Thật ra, phía nguyên đơn và bị đơn không xa lạ với nhau, tính theo quan hệ thì họ là chú cháu họ (ông nội họ và cha của bị đơn là 2 anh em ruột). Trước đây, căn nhà số 4 Nguyễn Tử Cảnh (nay là số 8 đường Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang có diện tích 55,22m2) do 2 anh em là ông Nguyễn Văn Viên và ông Nguyễn Bồ cùng ở. Ông Viên chỉ sinh 1 người con và có 6 cháu nội. Ông Bồ có 1 người con là ông Ngọc Anh. Tuy chú mình đã sống ổn định mấy chục năm nay tại căn nhà trên nhưng đến năm 2001, 6 người cháu đứng đơn ra kiện đòi lại nhà ở nhờ. Căn cứ họ đưa ra để làm bằng chứng đòi nhà mà họ cho rằng “cho ở nhờ” là Chứng thư chứng nhận quyền sở hữu thay văn khế bị thất lạc ngày 11-3-1957 (bản chính) có nội dung xác nhận căn nhà tại số 4 đường Nguyễn Tử Cảnh, TP. Nha Trang (nay là căn nhà đang tranh chấp) là của ông Nguyễn Văn Viên tạo lập từ năm 1942.
6 người cháu này cho rằng, năm 1957, ông Viên cho em trai là ông Nguyễn Bồ ở nhờ nên bây giờ họ là những người thừa kế và có quyền đòi lại. Vụ việc đã được TAND TP. Nha Trang thụ lý giải quyết trong sự phản đối của vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Anh và bà Lâm Thị Minh Châu.
Theo ông Anh - bà Châu thì hoàn toàn không có việc ở nhờ, thậm chí những người cháu không có tư cách để đòi nhà vì không có giấy tờ nào chứng minh quyền sở hữu nhà hay giấy cho ở nhờ. Họ giải thích rằng, nhà đất trên là của cha ông Viên, ông Bồ để lại như nhà từ đường chứ không phải nhà của ông Viên. Tuy nhiên, vì bị mất giấy tờ nên ông Viên (là anh trai lớn trong nhà) đứng ra khai nhận để chính quyền chế độ cũ xác nhận. Văn bản trên không phải giấy tờ chứng minh quyền sở hữu mà chỉ là một dạng giấy kê khai bị mất giấy tờ.
Trong quá trình xét xử lần đầu, Tòa án đã yêu cầu Sở Địa chính, Sở Xây dựng cung cấp hồ sơ về nhà đất số 8 Hoàng Văn Thụ nhưng cả 2 cơ quan này đều trả lời không có hồ sơ gốc nào về căn nhà trên, chỉ có những giấy tờ liên quan đến việc kê khai nhà đất từ năm 1975 trở đi (do bà Thanh, vợ kế của ông Bồ khai) và không đủ cơ sở pháp lý để xem xét quyền sở hữu nhà đất. Vì thế, để xác định sự thật khách quan trong vụ án này là tương đối khó khăn. Tuy nhiên, trong cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm năm 2007, cả 2 phiên tòa đều chấp nhận chứng cứ phía nguyên đơn đưa ra là Chứng thư chứng nhận văn khế bị thất lạc. Từ đó, các cấp Tòa đã phán quyết chấp nhận yêu cầu của các nguyên đơn.
Sau khi có bản án phúc thẩm, cơ quan Thi hành án đã tiến hành cưỡng chế vợ chồng ông Anh - bà Châu để giao nhà cho các nguyên đơn theo bản án của Tòa. Cơ quan Thi hành án cũng nhận 170 triệu đồng là khoản tiền các nguyên đơn hỗ trợ cho vợ chồng ông Anh - bà Châu nhưng ông bà không nhận nên cơ quan Thi hành án gửi vào ngân hàng cho đến nay. Do không có nhà ở nào khác nên sau khi bị cưỡng chế, vợ chồng ông Anh - bà Châu (là gia đình liệt sĩ) được Trung tâm Điều dưỡng và chăm sóc người có công bố trí ở tạm.
Vợ chồng ông Anh - bà Châu gửi đơn khiếu nại 2 bản án trên và đến tháng 8-2009 thì được Tòa dân sự - TAND Tối cao xử theo thủ tục giám đốc thẩm và ra bản án có nội dung hủy bỏ cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm, trả hồ sơ để xét xử lại theo đúng quy định.
Ngày 31-12-2010, TAND TP. Nha Trang có bản án sơ thẩm lần 2, trong đó phân tích rõ bằng chứng là Chứng thư chứng nhận quyền sở hữu thay văn khế bị thất lạc lập ngày 11-3-1957 chưa đủ cơ sở để khẳng định quyền sở hữu nhà đất của ông Viên, nên đã tuyên xử bác toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn (là cháu nội ông Viên). Sau đó, phía các nguyên đơn kháng cáo lên cấp phúc thẩm nhưng từ đó đến nay, không hiểu vì lý do gì TAND tỉnh vẫn chưa đưa vụ án ra xét xử. Điều này khiến vợ chồng ông Anh - bà Châu rất bức xúc.
Rõ ràng, việc đánh giá chứng xứ để xác định sự thật khách quan là rất quan trọng, ở 2 lần xử trước, các cấp Tòa có những sai sót và đã được TAND Tối cao chỉ rõ. Sai sót đó đã được khắc phục trong phiên tòa sơ thẩm lần 2 nhưng về mặt pháp lý, nó vẫn chưa có hiệu lực pháp luật. Hy vọng rằng TAND tỉnh sẽ sớm đưa vụ việc ra xét xử để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm sự công bằng của pháp luật.
LÊ MINH