01:07, 11/07/2011

Chồng mất, vợ chỉ có quyền với phần tài sản của mình

- Hỏi: Ngày 25-6-1997, cha mẹ tôi lập di chúc để lại toàn bộ nhà cửa cho chị em tôi. Nay cha tôi mất, mẹ tôi còn sống và trên thực tế đã phân chia tài sản theo di chúc.

- Hỏi: Ngày 25-6-1997, cha mẹ tôi lập di chúc để lại toàn bộ nhà cửa cho chị em tôi. Nay cha tôi mất, mẹ tôi còn sống và trên thực tế đã phân chia tài sản theo di chúc. Chị em tôi muốn làm sổ sở hữu với phần tài sản trên nhưng di chúc chưa có hiệu lực nên chưa làm được. Nay mẹ tôi muốn định đoạt phần tài sản của mình cho các con bằng cách làm giấy cho các con (có công chứng). Giấy tờ này có đủ điều kiện để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Hồ Thị Kiều Vỹ Loan (Hùng Vương, Nha Trang)

- Trả lời: Trong trường hợp này, di chúc để lại là di chúc chung của vợ chồng chỉ có hiệu lực khi cả hai cùng mất. Nếu một người đã mất thì người còn sống chỉ có thể định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung đó. Căn cứ Điều 662 và 664 Bộ Luật Dân sự thì mẹ bà có quyền hủy bỏ di chúc để định đoạt phần tài sản của mình. Theo trình bày của bà thì các con cũng đã phân chia tài sản theo di chúc, tức là không có tranh chấp gì. Mặt khác, một phần di chúc đã có hiệu lực (phần của cha để lại) nên để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mẹ bà cần định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung thì cơ quan chức năng mới có đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận. Xin lưu ý, mẹ bà chỉ được định đoạt 1/2 khối tài sản chung. Vì thế, khi mẹ bà làm giấy tờ cho các con, cần phải tính toán và thể hiện thật chặt chẽ thì giấy tờ đó mới đủ cơ sở pháp lý để được xem xét giải quyết.

Luật gia MINH HƯƠNG