02:06, 26/06/2011

3 lần án sơ thẩm bị tuyên hủy - vì sao?

Vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặc cọc mua bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) giữa nguyên đơn là ông Quách Đình Lực, bị đơn là các bà: Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ, Vương Thị Tỵ cho đến nay đã hơn 4 năm, qua 6 lần xét xử.

Vụ kiện tranh chấp hợp đồng đặc cọc mua bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật (Nha Trang) giữa nguyên đơn là ông Quách Đình Lực, bị đơn là các bà: Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ, Vương Thị Tỵ cho đến nay đã hơn 4 năm, qua 6 lần xét xử. Điều đáng lưu ý là cả 3 bản án sơ thẩm đều bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, giao về cho tòa cấp sơ thẩm xử lại từ đầu. Vụ kiện này tiếp tục bị kéo dài, chưa biết đến bao giờ mới có bản án đúng pháp luật?

Theo đơn khởi kiện năm 2008, nguyên đơn trình bày: Ngày 31-8-1998, giữa nguyên đơn và các ông, bà: Vương Đình Hải, Vương Thị Tỵ, Vương Thị Nhung, Vương Thị Ngọ thỏa thuận với nhau về việc mua bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật. Khi đặt cọc, hai bên thống nhất đợi đến khi Tòa án giải quyết xong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế căn nhà nói trên thì bên bán có trách nhiệm báo cho bên mua để tiếp tục thủ tục mua bán. Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh xử phúc thẩm, tuyên giao cho ông Vương Đình Thế Hiền (con ông Vương Đình Hải) được quyền sở hữu căn nhà này. Do ông Hải đã chết nên bên bán không thể thực hiện việc bán nhà theo thỏa thuận. Do vậy, ông Lực yêu cầu bà Tỵ, bà Ngọ và bà Nhung phải hoàn trả lại cho nguyên đơn 50 lượng vàng 99,99% đặt cọc. Tháng 2-2008, TAND TP. Nha Trang chính thức thụ lý vụ kiện này.

Các bị đơn đều đồng ý trả lại vàng đã nhận cho nguyên đơn. Nhưng do số vàng đặt cọc đã được phân chia cụ thể: bà Tỵ nhận 10,5 lượng, bà Ngọ nhận 5 lượng, ông Hải nhận 34,5 lượng, theo đó bị đơn đề nghị giải quyết ai nhận bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Ông Hải nhận 34,5 lượng, ông Hải chết thì các con của ông Hải có nghĩa vụ phải trả thay. Ngày 29-4-2008, TAND TP. Nha Trang thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn đối với các con ông Hải, yêu cầu phải trả 34,5 lượng vàng.

Bản án sơ thẩm lần một ngày 2-7-2008 của TAND TP. Nha Trang tuyên: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc các bị đơn phải trả cho ông Lực 50 lượng vàng 99,99%.Cụ thể: bà Nhung phải hoàn trả 34,5 lượng, bà Tỵ phải trả 10,5 lượng, bà Ngọ phải hoàn trả 5 lượng. Các con của ông Vương Đình Hải phải hoàn trả lại cho bà Nhung 34,5 lượng vàng, mỗi người phải hoàn trả cho bà Nhung là 6,9 lượng vàng 99,99%.

Sau đó, nguyên đơn và người liên quan có đơn kháng cáo. Tại bản án phúc thẩm ngày 10-11-2008, TAND tỉnh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND TP. Nha Trang giải quyết lại vụ án. Lý do hủy án: việc chứng minh và thu thập chứng cứ chưa đầy đủ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự và việc cho bị đơn nộp tiền án phí phản tố cũng không đúng; án sơ thẩm chưa xác định chính xác số tài sản của ông Hải để lại những gì, ngoài giá trị thừa kế mà ông Hải được nhận theo bản án chia di sản thừa kế thì ông Hải còn tài sản gì khác không, số còn lại có đủ 34,5 lượng vàng để tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả cho bà Nhung hay không…

Tại bản án sơ thẩm lần hai xử ngày 15-9-2009, TAND TP. Nha Trang tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tuyên bố hợp đồng đặt cọc mua bán nhà 21 Nguyễn Thiện Thuật giữa các bên lập ngày 31-8-1998 là vô hiệu. Đồng thời buộc các bị đơn có nghĩa vụ liên đới trả cho ông Quách Đình Lực 50 lượng vàng 99,99% và quyết định tách thành vụ kiện dân sự khác. Nếu sau này bà Nhung, Tỵ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với ông Quách Đình Lực thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới là các con ông Hải phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình. Do các bị đơn kháng cáo, ngày 10-6-2010, TAND tỉnh tiến hành xét xử phúc thẩm lần hai. Bản án phúc thẩm tiếp tục hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND TP. Nha Trang xử lại theo đúng quy định pháp luật. Lý do hủy án hai, theo cấp phúc thẩm kết luận: việc thỏa thuận đặt cọc các bên tự nguyện khi ký kết, nội dung phù hợp với điều 358 Bộ Luật dân sự (BLDS), nhưng cấp sơ thẩm lại tuyên bố hợp đồng này là vô hiệu là không chính xác, việc chứng minh và thu thập chứng cứ của tòa cấp sơ thẩm chưa thực hiện đầy đủ mà án phúc thẩm trước đó đã nêu. Do đó, tòa phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại bản án sơ thẩm lần ba, xử ngày 8-12-2010, TAND TP. Nha Trang tuyên xử: chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn là bà Tỵ, bà Nhung, bà Ngọ phải liên đới trả cho ông Quách Đình Lực 50 lượng vàng 99,99%; đình chỉ việc giải quyết và trả lại đơn yêu cầu phản tố của bị đơn đối với các con ông Hải phải trả 34,5 lượng vàng 999,99% thay cho ông Vương Đình Hải.

Mới đây, TAND tỉnh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm lần ba để xét đơn kháng cáo của các bị đơn, yêu cầu xem xét trách nhiệm của các con ông Hải trong việc trả lại số vàng mà khi còn sống ông Hải đã nhận. Bản án phúc thẩm tiếp tục tuyên xử hủy toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho TAND TP. Nha Trang xử lại cho đúng pháp luật. Lý do hủy án lần ba, tòa cấp phúc chỉ rõ: Tuy nguyên đơn chỉ khởi kiện ba bị đơn, nhưng do ông Hải cùng ký tên trong hợp đồng đặt cọc, nhận vàng và các bị đơn đều có yêu cầu đưa những người thừa kế của ông Hải cùng thực hiện nghĩa vụ trả vàng đặt cọc, nên cần phải xác định những người thừa kế của ông Hải là người có quyền lợi liên quan với bị đơn và xem xét trách nhiệm của họ trong phạm vi tài sản mà họ được hưởng từ ông Hải theo quy định tại điều 637 BLDS. Việc cấp sơ thẩm đình chỉ và trả lại đơn yêu cầu của các bị đơn với lý do không đúng… Khi quyết định trách nhiệm liên đới phải trả vàng cho ông Quách Đình Lực, tòa sơ thẩm cần xác định rõ phần cụ thể của những người có trách nhiệm liên đới để đảm bảo thực hiện theo điều 298 BLDS…

Chúng tôi nhận thấy, việc xét xử vụ kiện không đúng pháp luật dẫn đến 3 lần án bị hủy đã gây thiệt hại cho cả nguyên đơn, bị đơn và những người liên quan, bởi từ năm 2008 đến nay giá vàng đã leo thang. Không biết đến bao giờ vụ kiện này sẽ giải quyết đúng pháp luật?

TỔ PV