01:06, 30/06/2011

Quá coi thường pháp luật!

Khi Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng đường bê tông xi măng rộng rãi, lẽ ra đó phải là lúc người dân được hưởng những lợi ích của công trình phúc lợi ấy mang lại. Ấy vậy, một gia đình ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không những không được hưởng lợi từ công trình này, mà thậm chí từ khi công trình hoàn thành cũng là lúc gia đình họ phải ra vào nhà mình bằng cách... leo rào. Chuyện lạ đời ấy đã diễn ra suốt hơn 3 năm qua ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh…

Khi Nhà nước và nhân dân cùng xây dựng đường bê tông xi măng rộng rãi, lẽ ra đó phải là lúc người dân được hưởng những lợi ích của công trình phúc lợi ấy mang lại. Ấy vậy, một gia đình ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) không những không được hưởng lợi từ công trình này, mà thậm chí từ khi công trình hoàn thành cũng là lúc gia đình họ phải ra vào nhà mình bằng cách... leo rào. Chuyện lạ đời ấy đã diễn ra suốt hơn 3 năm qua ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh…

Ở mảnh đất rộng hơn 120m2 của gia đình bà Huỳnh Thị Lê Phương (tổ dân phố 11, thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh), cả 3 phía đều giáp ranh với bờ tường và hàng rào của những hộ dân khác; phía trước là đoạn hàng rào kẽm gai bịt luôn ngõ vào. Hàng ngày, gia đình bà Phương phải ra - vào nhà mình bằng cách leo qua hàng rào ấy. Không những cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn mà gia đình bà còn phải sống trong cảnh bị hàng xóm láng giềng cô lập hoàn toàn cả về địa giới lẫn tình cảm.

Nhà bà Huỳnh Thị Lê Phương trong thế bị cô lập hoàn toàn.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2008, khi Nhà nước làm con đường bê tông xi măng tại tổ dân phố số 11, thị trấn Vạn Giã. Trước đó, 5 hộ dân ở tổ này gồm hộ ông Nguyễn Ngọc Bung, Chung Gia Quang, Trịnh Viết Xuân, Hoàng Minh Tuấn và hộ bà Huỳnh Thị Lê Phương sử dụng chung một con đường đất rộng khoảng 4m, trong đó có 4 hộ ở cùng 1 phía (tạm gọi là bên phải), còn hộ bà Phương ở đối diện. Khi xây dựng mới, đường bê tông xi măng không nằm vị trí cũ mà tịnh tiến vào phía đất của 4 hộ dân kia. Vì thế, 4 hộ dân ở bên phải tiếp giáp với đường bê tông, còn gia đình bà Phương do vướng con đường cũ và một phần đất còn thừa của 4 hộ gia đình bên phải nên muốn lưu thông thì phải tiếp tục sử dụng con đường đất trước đây 5 hộ dùng chung. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, 3 gia đình bên kia đường gồm hộ ông Bung, ông Quang và ông Xuân bỗng dưng “cấm cửa” đối với gia đình người láng giềng đối diện bằng cách dựng hàng rào thép gai chắn ngang lối ra đường của gia đình bà Phương, thậm chí hộ ông Bung còn dựng nhà cấp 4 chiếm dụng phần đất trước đây là con đường đất đi chung. Bởi vậy, mỗi lần muốn ra ngoài hay từ ngoài vào nhà, bà Phương và những người trong gia đình chỉ có cách duy nhất là trèo hàng rào.

Uất ức trước những việc làm trái pháp luật kể trên của những gia đình hàng xóm, bà Phương đã nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp. Nhưng cũng từ khi gửi đơn thư đến các cấp, các ngành, qua rất nhiều lần hòa giải, vận động cho đến những quyết định cứng rắn như cưỡng chế, tất cả đều không có kết quả trước sự nhẫn tâm và chây ỳ của những “người hàng xóm”. Qua quá trình giải quyết, cơ quan chức năng kết luận, ngoài hộ ông Trịnh Vĩnh Xuân tự nguyện đồng ý gỡ bỏ hàng rào, 2 hộ còn lại là ông Nguyễn Ngọc Bung và ông Chung Gia Quang đều tự ý lấn chiếm đường đi chung do Nhà nước quản lý (ông Bung lấn chiếm 9,65m2, ông Quang lấn chiếm 13,5m2). Ngoài ra, hộ ông Bung còn xây dựng công trình bất hợp pháp.

Tuy đã xác định được đúng sai, nhưng mọi nỗ lực của chính quyền, tổ chức hội và của bà con xóm giềng nhằm tuyên truyền, vận động 2 hộ dân này trả lại nguyên trạng con đường đất đều như “nước đổ lá khoai”. Ngay cả quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 hộ dân này được UBND thị trấn Vạn Giã áp dụng vào giữa năm 2010 cũng không có tác dụng gì với họ. Đến tháng 8-2010, UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định yêu cầu 2 hộ dân này trả lại đất lấn chiếm, khôi phục lại tình trạng như trước khi vi phạm nhưng cũng không có tác dụng.

Tháng 9-2010, UBND huyện Vạn Ninh ra quyết định cưỡng chế đối với 2 hộ này, giao cho UBND thị trấn Vạn Giã chịu trách nhiệm thi hành quyết định. Nhưng cũng từ đó đến nay, không hiểu sao UBND thị trấn Vạn Giã chỉ dừng lại ở chỗ… ra thông báo yêu cầu 2 hộ dân này phải chấp hành quyết định của UBND huyện, nếu không tự nguyện thi hành thì UBND thị trấn Vạn Giã sẽ tổ chức cưỡng chế vào ngày 29-3-2011.

Mới đây, vào ngày 27-6-2011, chúng tôi có mặt tại tổ dân phố 11, thị trấn Vạn Giã, mọi thứ vẫn chưa hề thay đổi như muốn thách thức với dư luận và chính quyền huyện Vạn Ninh. Giải thích về sự chậm trễ, ông Lê Hải Sâm, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vạn Giã nói: “Do thời điểm tổ chức cưỡng chế trùng với thời gian diễn ra cuộc bầu cử nên mọi việc tạm xếp lại. Ngay sau khi việc bầu cử hoàn tất sẽ lập tức được thi hành. Hiện chúng tôi đã xây dựng xong kế hoạch thực hiện cưỡng chế tháo dỡ các công trình và sẽ thực hiện trong thời gian gần đây nhất”.

Có lẽ không cần bình luận thêm về vụ việc này. Điều cần phải làm là UBND huyện cần chỉ đạo để UBND thị trấn Vạn Giã dứt khoát thực hiện việc cưỡng chế để bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật.

HỒNG ĐĂNG