04:06, 21/06/2011

Có hay không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán?

Sự kiện thẩm phán N.C.C. ở Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kiểm điểm, phê bình vì khi xét xử, không báo án với Ủy ban thẩm phán và Chánh án đã gây nhiều tranh luận trong giới luật gia.Có hay không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán?

Sự kiện thẩm phán N.C.C. ở Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa bị kiểm điểm, phê bình vì khi xét xử, không báo án với Ủy ban thẩm phán (UBTP) và Chánh án đã gây nhiều tranh luận trong giới luật gia.Có hay không vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán?

Trong 6 tháng cuối năm 2010,thẩm phán C.được phân công xét xử một số vụ án hình sự sơ và phúc thẩm.Trong đó có 6 vụ án thẩm phán C.làm chủ tọa có vi phạm trong việc chấp hành chỉ đạo của lãnh đạo và thiếu sót trong việc “báo án, cụ thể: Có vụ án trước khi xét xử, thẩm phán đã không báo án với chánh án và UBTP. Khi phát hiện, chánh án đã yêu cầu thẩm phán phải dừng việc tuyên án để báo cáo lại vụ án cho tập thể UBTP nghe, nhưng thẩm phán đã không chấp hành mà vẫn tuyên án! Có vụ phúc thẩm, trước khi xử có báo án,thẩm phán đã đề xuất đường lối xét xử là giữ nguyên án sơ thẩm. UBTP đã thông qua và thống nhất đường lối là y án sơ thẩm. Tuy nhiên, khi xét xử, thẩm phán đã tuyên xử sửa án sơ thẩm; có vụ khi báo án với UBTP, thẩm phán đã đề xuất mức hình phạt với bị cáo là 7-8 năm tù,nhưng tại phiên tòa phát sinh tình tiết mới,khác với tình tiết đã báo với UBTP, thẩm phán chủ tọa HĐXX đã căn cứ vào tình tiết này để quyết định hình phạt khác với mức hình phạt đã đề xuất (xử tăng mức án mà UBTP đã thống nhất là 7-8 năm tù lên 10 năm tù) và cũng không báo cáo với UBTP và Chánh án. Với những vụ xét xử không có “báo án”, thẩm phán C. đã bị kiểm điểm, phê bình!

“Báo án “ - Thủ tục bắt buộc ?

Khi xét xử, Thẩm phán độc lập,chỉ tuân thủ pháp luật, không bị ràng buộc bởi ý kiến của bất cứ ai, không bị chi phối bởi ý kiến của ai. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của Thẩm phán. Đây là những nguyên tắc đã được Hiến pháp và pháp luật TTHS Việt Nam quy định rất cụ thể. Do đó, để đảm bảo nguyên tắc này, Bộ Luật TTHS không có quy định về việc thẩm phán phải “báo án” trước và trong quá trình xét xử.

Quy chế tổ chức hoạt động thi đua khen thưởng, thực hiện dân chủ của ngành TAND tỉnh có quy định “... Tại phiên tòa, nếu có tình tiết khác với tình tiết đã báo cáo nếu cần thì thẩm phán có thể tham khảo với ý kiến của UBTP, Chánh án để có hướng dẫn về nghiệp vụ xét xử. Việc quyết định tại phiên tòa do HĐXX xem xét quyết định và chịu trách nhiệm... Khi xét xử thẩm phán thực hiện đúng quyền hạn và nghĩa vụ theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc xét xử của mình”. Theo quy chế này, khi xét xử nếu có tình tiết khác với tình tiết đã báo án thì thẩm phán có thể tham khảo ý kiến của lãnh đạo và tập thể UBTP, chứ không buộc phải dừng phiên tòa hoặc hoãn tuyên để xin ý kiến. Việc ái đó can thiệp yêu cầu thẩm phán phải dừng tuyên án để nghe báo cáo án là không đúng luật và cũng không đúng quy chế ngành?

Theo luật, Chánh án có nhiệm vụ tổ chức công tác xét xử của Tòa án cấp mình quản lý. Việc tổ chức xét xử là phân công, đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết các vụ án chứ không phải can thiệp, chỉ đạo sâu vào hướng giải quyết từng vụ án cụ thể. Việc kết luận một bản án, quyết định của Tòa án đúng hay sai sẽ thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Thực tiễn cho thấy, thẩm phán vẫn chưa hoàn toàn độc lập khi xét xử theo luật, còn bị chi phối bở sự quản lý của cấp ủy, UBTP và lãnh đạo. Việc báo án, duyệt án và thực hiện theo sự thống nhất về nội dung xử án (về tội danh, hình phạt cụ thể...) dư luận gọi là “án bỏ túi”. Thực trạng này không được chấn chỉnh sẽ hạn chế nguyên tắc độc lập xét xử của thẩm phán và triệt tiêu ý nghĩa của tranh tụng tại phiên tòa công khai.

Thiết nghĩ, việc “Báo án duyệt án“ không phù hợp với Hiến pháp và pháp luật tố tụng. Loại bỏ thông lệ này thì mới hạn chế được án bỏ túi – một trong những nguyên nhân của oan sai trong tố tụng hình sự. Có như vậy mới nâng cao vị thế của người “cầm cân, nảy mực “.

TỔ PHÓNG VIÊN

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về quản lí đối với các mặt công tác, đặc biệt là chất lượng xét xử, không được lạm dụng việc tổ chức công tác xét xử, trao đổi ý kiến về chuyên môn nghiệp vụ để hình thành chế độ duyệt án,áp đặt quan điểm cá nhân trái với nguyên tắc độc lập xét xử và chỉ tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ án…”

(Trích chỉ thị số 01 ngày 1-3-2007 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao )