03:06, 21/06/2011

Đã có quyết định kháng nghị, hủy án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao

Thực tế cho thấy, có những bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực về việc chia di sản thừa kế, tranh chấp hợp đồng mua bán, tranh chấp quyền sở hữu tài sản…

Thực tế cho thấy, có những bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực về việc chia di sản thừa kế, tranh chấp hợp đồng mua bán, tranh chấp quyền sở hữu tài sản… nhưng do đương sự được không yêu cầu thi hành án, dẫn đến bản án đã hết thời hiệu thi hành. Tuy nhiên, có trường hợp đương sự lại khởi kiện, yêu cầu đòi lại tài sản đã được xác lập theo bản án có hiệu lực, do pháp luật tố tụng dân sự hiện nay không quy định và cũng chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, nên cùng một vấn đề nhưng khi xét xử Tòa án lại ra những phán quyết trái ngược nhau, dẫn đến khiếu kiện kéo dài…

Bản án phúc thẩm ngày 24-7-1979 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Phú Khánh về vụ án “Chia di sản thừa kế” giữa nguyên đơn là bà Lê Thị Liễu, bị đơn là ông Lê Công Tú và người có quyền lợi liên quan là ông Võ Đình Lạc đã quyết định: công nhận sự thỏa thuận của bà Lê Thị Liễu và ông Võ Đình Lạc cho ông Lê Công Tú được sở hữu 1/3 lô đất vườn tại thôn Đông, xã Vĩnh Phương, Nha Trang. Phần đất còn lại ông Lạc và bà Liễu thỏa thuận mỗi người một nửa… Ông Lạc, ông Tú (đều chết năm 2002), khi còn sống không có đơn yêu cầu thi hành bản án có hiệu lực nêu trên.

Vào tháng 10-2006, bà Liễu có mời vợ con ông Tú và ông Lạc về để phân chia đất nhưng 3 gia đình không thỏa thuận được phân chia. Do đó, ngày 23-4-2007, bà Lê Thị Điệp (vợ ông Tú) có đơn khởi kiện đòi lại quyền sử dụng đất (QSDĐ) hiện do bà Lê Thị Liễu và ông Đỗ Nhánh đang quản lý sử dụng. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Nhỏ (vợ ông Lạc) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng có đơn yêu cầu độc lập với bị đơn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm ngày 26-9-2007, TAND tỉnh đã tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu của bà Lê Thị Điệp và bà Nguyễn Thị Nhỏ được nhận lại tài sản chung là QSDĐ đối với thửa đất số 737, tờ bản đồ số 11 có diện tích 3.504,1m2, tọa lạc tại thôn Đông, xã Vĩnh Phương.

Tại bản án phúc thẩm ngày 16-4-2008, Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Đà Nẵng tuyên xử: hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm của TAND tỉnh, đình chỉ giải quyết vụ án, với nhận định: “Việc bà Lê Thị Liễu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập kiện đòi lại tài sản chung là QSDĐ do bà Liễu, ông Nhánh đang quản lý sử dụng đã được giải quyết tại bản án dân sự phúc thẩm số 09 ngày 24-7-1979 đã có hiệu lực pháp luật. Lẽ ra khi thụ lý đơn, Tòa cấp sơ thẩm phải trả lại đơn khởi kiện cho đương sự theo quy định tại điểm c, khoản 1 điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS); đình chỉ việc giải quyết vụ án, xóa tên trong sổ thụ lý theo quy định tại khoản 2, điều 192 BLTTDS; nhưng Tòa sơ thẩm lại xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của đương sự là không đúng pháp luật…”.

Về vụ việc này, Báo Khánh Hòa ngày 9-6-2008 cũng đã có bài viết: “Tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm có cơ sở?” của luật sư Nguyễn Hồng Hà, phân tích việc hủy án của Tòa phúc thẩm là không có căn cứ pháp luật, cần phải được cấp giám đốc thẩm xem xét lại. Việc Tòa phúc thẩm hủy án không có căn cứ đã ảnh hưởng công tác thi đua của Tòa cấp sơ thẩm thời điểm đó, mà trực tiếp là trách nhiệm của thẩm phán chủ tọa phiên tòa.

Mới đây, Chánh án TAND Tối cao đã có quyết định kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm của tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Đà Nẵng, đề nghị Hội đồng thẩm phán - TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên; giao hồ sơ vụ án cho Tòa phúc thẩm - TAND Tối cao tại Đà Nẵng xét xử lại theo đúng quy định pháp luật.

Nội dung kháng nghị nêu rõ: Tuy thời hiệu yêu cầu thi hành đối với bản án phúc thẩm năm 1979 đã hết, nhưng bản án trên Tòa án đã công nhận QSDĐ cho ông Tú, ông Lạc và cho đến nay bản án này không bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Do đó, QSDĐ theo quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật không bị thay đổi. Sau khi ông Tú, ông Lạc chết, những người thừa kế của hai ông vẫn có quyền khởi kiện đòi lại tài sản hiện gia đình bà Liễu sử dụng, chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Mặt khác cho đến nay, không có căn cứ xác định ông Tú, ông Lạc từ bỏ quyền tài sản được chia hợp pháp. Hơn nữa, trong quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận năm 2006, vợ chồng bà Liễu đã đồng ý giao lại một phần đất vườn cho gia đình ông Tú, ông Lạc, nhưng đại diện của gia đình ông Lạc, ông Tú không đồng ý vì cho rằng chưa đủ diện tích như bản án phúc thẩm đã xử. Như vậy, bà Liễu đã tự nguyện thực hiện một phần nghĩa vụ của bà theo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Do đó, Tòa cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ án và chấp nhận yêu cầu của bà Nhỏ, bà Điệp là có căn cứ. Tòa cấp phúc thẩm không xem xét yêu cầu của bà Điệp, bà Nhỏ, không xem xét sự tự nguyện của bà Liễu mà quyết định hủy án sơ thẩm, đình chỉ việc giải quyết vụ án là chưa hợp lý, hợp tình và không phù hợp với thực tế.

Qua vụ việc này cho thấy, khi hết thời hiệu thi hành bản án thì đương sự chỉ mất quyền thi hành bản án, còn quyền sở hữu tài sản được ghi nhận trong bản án, quyết định của Tòa án vẫn có giá trị. Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai đã ghi nhận quyền sở hữu tài sản, QSDĐ được xác lập thông qua bản án, quyết định của Tòa án. Đây là quyền bất khả xâm phạm của công dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Do đó, Tòa án cần phải thụ lý, giải quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân khi có tranh chấp.

H.N