Nhiều việc làm không bình thường trong xác định giá trị tài sản doanh nghiệp và quy trình cổ phần hóa tại Vinacafe Nha Trang đã làm cho những ai có tâm huyết bảo vệ tài sản của Nhà nước phải lên tiếng.
Bài 3: Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc
Nhiều việc làm không bình thường trong xác định giá trị tài sản doanh nghiệp (DN) và quy trình cổ phần hóa (CPH) tại Vinacafe Nha Trang đã làm cho những ai có tâm huyết bảo vệ tài sản của Nhà nước phải lên tiếng. Bởi lẽ, qua sự việc tại Vinacafe Nha Trang, nếu trót lọt sẽ gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước, đồng thời không đảm bảo được quyền lợi của các chủ nợ. Nên chăng, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ sự việc.
“Thức tỉnh” người có trách nhiệm và chủ nợ
Khi quy trình xác định giá trị tài sản DN và CPH tại Vinacafe Nha Trang bị “biến tấu”, những quy định của Nhà nước bị bỏ qua, một số người tâm huyết ở Công ty (CT) đã lên tiếng. Trong một công văn gửi Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh và Tổ xử lý phá sản Vinacafe Nha Trang, một người lao động trong CT này cho rằng, ngoài việc xác định giá trị quyền sử dụng đất tại 66 Yersin - Nha Trang không phản ánh đúng thực tế thì giá đất ở huyện Đức Trọng - tỉnh Lâm Đồng (diện tích 2.272m2) và đất tại 130B đường Lê Thị Hồng Gấm - TP. Buôn Ma Thuột - tỉnh Đắc Lắc (diện tích 600m2) cũng bị chênh lệch. Ngoài ra, việc ông Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng CT Cà phê Việt Nam có thư mời đích danh Công ty Cổ phần (CTCP) Cơ khí Vina Nha Trang tham gia cổ đông sáng lập với tỷ lệ góp vốn 41% cũng cần phải xem lại, bởi năng lực tài chính của DN này còn đang là vấn đề đáng bàn. Được biết, tính đến thời điểm 31-12-2009 (trước thời điểm Tổng CT Cà phê Việt Nam có thư mời tham gia cổ đông sáng lập khoảng 9 tháng), vốn điều lệ của CTCP Cơ khí Vina Nha Trang chỉ khoảng 13 tỷ đồng. Trong khi đó, Tổng CT Cà phê Việt Nam mời tham gia góp vốn điều lệ hơn 12 tỷ đồng thì CT này sẽ huy động vốn ở đâu? Đó là chưa kể hoạt động kinh doanh theo phương án CPH thì CT này chưa hề kinh qua, chưa có kinh nghiệm. Nhiều người tự hỏi: Năng lực kinh doanh của CTCP Cơ khí Vina Nha Trang tới đâu khi tham gia đầu tư vào CTCP.
Tại hội nghị chủ nợ của Vinacafe Nha Trang diễn ra ngày 4-5-2011, một người trong Vinacafe Nha Trang cũng cho rằng, phía sau phương án phục hồi kinh doanh của CT còn có một số điều khúc mắc và chưa được sáng tỏ. Qua đó đề nghị TAND Khánh Hòa xem xét, đưa ra giải pháp ngăn chặn việc làm trái pháp luật để đảm bảo vốn của DN và Nhà nước. Cũng tại hội nghị chủ nợ, ông Trần Văn Lộc - đại diện ủy quyền của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho rằng, việc định giá bất động sản của Vinacafe Nha Trang với giá 10 triệu đồng/m2 là quá thấp. TAND cần xem xét để đảm bảo quyền của các chủ nợ.
Chúng tôi được biết, từ khi có quyết định phục hồi DN tại Vinacafe Nha Trang vào năm 2009, TAND có yêu cầu, CT này phải gửi báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của mình cho Tòa án. Các chủ nợ có nghĩa vụ giám sát việc thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Vinacafe Nha Trang. Tuy nhiên, tại hội nghị chủ nợ, ông Phan Ngọc Kính - đại diện theo ủy quyền của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Chi nhánh Khánh Hòa cho biết: Trong suốt quá trình phục hồi kinh doanh của Vinacafe Nha Trang, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam không hề nhận được báo cáo nào về tình hình phục hồi của CT. Việc xác định giá trị DN quá thấp làm ảnh hưởng đến bản thân DN và quyền lợi của các chủ nợ… Mặt khác, trong Công văn số 516/KHKD ngày 24-5-2011 gửi TAND, ông Thái Thành Danh - người đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết: Theo Quyết định số 02/2009/QĐ-HNCN ngày 10-8-2009 của TAND: “6 tháng/lần, Vinacafe Nha Trang phải gửi cho TAND và các chủ nợ về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Thế nhưng thực tế, suốt thời gian qua, chúng tôi chỉ nhận được một báo cáo duy nhất của CT vào ngày 30-11-2010. Do đó, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc theo dõi quá trình thực hiện phương án của CT cũng như các bên có liên quan, các cơ quan có thẩm quyền không có điều kiện thực hiện tốt nghĩa vụ giám sát của mình theo quy định của pháp luật”…
Trách nhiệm của người trong cuộc đến đâu?
2 năm qua, việc phục hồi DN và CPH của Viancafe Nha Trang không đi theo chiều hướng DN mong muốn, ngược lại có chiều hướng đi theo chủ đích của một số người có chức quyền. Hoạt động kinh doanh thua lỗ dẫn đến phá sản, chây ỳ, trì trệ và tắc trách trong việc phục hồi DN là điều dư luận đang quan tâm tại Vinacafe Nha Trang. Hiện nay, Vinacafe Nha Trang vẫn đang tồn tại 3 vấn đề: Giá trị của DN được xác định không đúng quy định và giá trị thực tế trên thị trường, gây thiệt hại cho CT và thất thoát số tiền lớn của Nhà nước; không chào bán cổ phần công khai ra thị trường; mời cổ đông sáng lập tham gia CTCP không hợp lý. Đây là những vấn đề cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ. Trong Công văn số 516/KHKD ngày 24-5-2011 gửi TAND, ông Thái Thành Danh - người đại diện Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, việc thực hiện phương án phục hồi nêu trên còn rất nhiều tồn tại, các mốc thời gian do CT chủ động đưa ra đều không thực hiện được, các chủ nợ không giám sát được quá trình thực hiện của Vinacafe Nha Trang. Hiện nay, đã có những cảnh báo từ đại diện của Vinacafe Nha Trang mà chúng tôi cho rằng vấn đề này khá nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị Tòa án khẩn trương có giải pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật…
Chúng tôi được biết, những người tham gia xác định giá trị DN, chỉ đạo và xây dựng “Phương án cơ cấu tài chính để chuyển đổi Vinacafe Nha Trang thành CTCP” đều am hiểu những quy định của pháp luật. Điển hình như: Ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng CT Cà phê Việt Nam, người đã ký các Quyết định: về việc chỉ định đơn vị tư vấn xác định giá trị DN, cơ cấu lại tài chính cho Vinacafe để chuyển thành CTCP; Quyết định về việc xác định giá trị DN để thành lập CTCP… đã từng giữ trọng trách Trưởng Ban Đổi mới và phát triển DN của Tổng CT Cà phê Việt Nam. Hoặc CT TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - đơn vị được xem là có năng lực, được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hành nghề trong lĩnh vực này cũng bỏ qua những quy định của Nhà nước trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Còn đối với Giám đốc Vinacafe Nha Trang - người được giao trọng trách quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước lại không bảo vệ được lẽ phải mà lặng lẽ đồng ý ký vào nhiều văn bản quan trọng nhưng cũng hết sức vô lý, trong đó có việc xác định giá trị DN và Phương án cơ cấu tài chính để chuyển đổi Vinacafe Nha Trang thành CTCP…
Phải chăng, việc am hiểu pháp luật chỉ để tìm ra những khe hở mà “lách luật”? Không biết rồi đây, số phận của Vinacafe Nha Trang đi về đâu. Tuy nhiên, việc cần phải làm hiện nay là các cơ quan chức năng về quản lý kinh tế và hoạt động của DN cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan trong quá trình xác định giá trị DN và quy trình CPH. Có như vậy, đồng vốn của Nhà nước mới không bị rơi vào tay một số đối tượng có chủ đích chiếm đoạt.
TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA
Bài 1: “Thiệt đơn, thiệt kép” nguồn vốn của Nhà nước
Bài 2: Tiếp tục làm trái quy định của Nhà nước?