Việc tắc trách của các bên liên quan trong định giá đất tại 66 Yersin - Nha Trang đã không thể hiện được tính đúng đắn về giá trị doanh nghiệp ở Vinacafe Nha Trang.
Bài 2: Tiếp tục làm trái quy định của Nhà nước?
Việc tắc trách của các bên liên quan trong định giá đất tại 66 Yersin - Nha Trang đã không thể hiện được tính đúng đắn về giá trị doanh nghiệp (DN) ở Vinacafe Nha Trang. Sau khi xác định vốn điều lệ để thành lập công ty cổ phần (CTCP), Vinacafe Nha Trang đã tiến hành xây dựng phương án chuyển đổi DN theo cách “mua đứt, bán đoạn”. Bởi lẽ, những người tham gia thực hiện cổ phần hóa (CPH) DN này đã không dành phần trăm cổ phiếu nào để chào bán đấu giá công khai ra thị trường theo quy định của pháp luật, mà ngược lại, họ “sáng tạo” mời nhà đầu tư (NĐT) tham gia cổ đông sáng lập. Một lần nữa, tài sản của Nhà nước tại Vinacafe Nha Trang lại trở thành “món cổ phiếu hời” cho một vài NĐT.
Nhập nhèm cổ phần hóa
Trong khi giá trị thực tế vốn Nhà nước tại Vinacafe Nha Trang đang bị âm đến gần 65,5 tỷ đồng, thì những người tham gia xác định và thẩm định giá trị tài sản tại CT này “vô tư” để “thửa đất vàng” tại 66 Yersin - Nha Trang mất giá hàng chục tỷ đồng so với giá thực tế của nó. Vì vậy, phần vốn đã bị âm của DN không được khấu trừ bằng giá trị thực tế của “thửa đất vàng” này. Chúng tôi nhẩm tính, nếu xác định đúng thực chất giá trị thửa đất tại 66 Yersin của Vinacafe Nha Trang thì nguồn vốn bị âm của DN sẽ được xử lý đến vài chục tỷ đồng.
Trong lúc dư luận đang băn khoăn không biết trách nhiệm của những người tham gia xác định và thẩm định giá trị tài sản DN ở Vinacafe Nha Trang đến đâu thì ngày 21-9-2010, Tổng CT Cà phê Việt Nam có thư mời đích danh CTCP Cơ khí Vina Nha Trang tham gia cổ đông sáng lập CTCP với tỷ lệ góp vốn 41% vốn điều lệ. Từ đó, Vinacafe Nha Trang gấp rút xây dựng “Phương án cơ cấu tài chính để chuyển đổi DN thành CTCP”. Trong đó xác định: Vốn điều lệ khi thành lập CTCP là 30 tỷ đồng; đồng thời ấn định phần trăm cổ phiếu cho những đơn vị được cho là cổ đông sáng lập. Bên cạnh CT Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN chiếm giữ 49% cổ phiếu (tương ứng 14,7 tỷ đồng), thì Tổng CT Cà phê Việt Nam chiếm giữ 10,66% cổ phiếu (tương ứng 3,196 tỷ đồng), CTCP Cơ khí Vina Nha Trang chiếm giữ 40,34% cổ phiếu (tương ứng 12,104 tỷ đồng). Việc xây dựng phương án CPH của Vinacafe Nha Trang đã không tuân thủ những quy định của Nhà nước về CPH. Mặc dù trong phương án CPH, Vinacafe Nha Trang có ghi đầy đủ các cơ sở pháp lý để xây dựng phương án chuyển đổi DN như: Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26-6-2007 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP; Thông tư số 146/2007/TT-BTC ngày 6-12-2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về tài chính khi thực hiện chuyển đổi DN 100% vốn Nhà nước thành CTCP theo Nghị định 109/2007/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc đưa các căn cứ pháp lý vào “cho có” đã làm lệch lạc chủ trương CPH DN 100% vốn Nhà nước ở Vinacafe Nha Trang. Bởi lẽ, trên thực tế, Vinacafe Nha Trang đã thực sự “sống lại” là một DN 100% vốn Nhà nước từ khi có Quyết định số 02/2009/QD-HNCN ngày 10-8-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, liệu có cần phải xây dựng phương án CPH DN bằng việc mời các NĐT tham gia cổ đông sáng lập trong khi DN vẫn chỉ là “bình cũ, rượu cũ”. Đây được coi là một chiêu bài “trá hình” của dạng cổ đông chiến lược. Cũng cần phải nói thêm, theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 1-10-2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN: “Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền phát hành tại thời điểm đăng ký DN”. Thế nhưng, Tổng CT Cà phê Việt Nam chỉ nắm giữ 10,66% cổ phiếu nhưng trong phương án cũng xây dựng thành… cổ đông sáng lập. Đó là chưa kể đến việc Vinacafe Nha Trang đã ngưng tiến hành các thủ tục phá sản nên không phải là DN thành lập mới. Điều này đồng nghĩa với việc không cần thiết có mặt cổ đông sáng lập khi Vinacafe Nha Trang tiến hành CPH. Chúng tôi được biết, phương án kinh doanh sau CPH của Vinacafe Nha Trang do chính những người trong CT xây dựng. Các lĩnh vực kinh doanh đều “được xây dựng trên nền tảng của một DN có bề dày truyền thống trong ngành cà phê, có nhiều năm kinh nghiệm làm xuất nhập khẩu, du lịch khách sạn”. Trong khi đó, những cổ đông được Tổng CT Cà phê Việt Nam định sẵn đều đứng ngoài cuộc, không tham gia xây dựng phương án CPH.
Cần phải thẳng thắn thừa nhận, Vinacafe Nha Trang là DN 100% vốn Nhà nước đã có từ trước. Lẽ ra, sau khi tiến hành xác định vốn điều lệ để thành lập CTCP, Ban đổi mới và phát triển DN của Tổng CT Cà phê Việt Nam cùng lãnh đạo Vinacafe Nha Trang phải tiến hành cơ cấu cổ phần lần đầu, dành phần trăm cổ phiếu theo quy định chào bán đấu giá ra thị trường. Từ đó, mới có cơ sở lấy mức giá bình quân cổ phiếu đã chào bán được trên thị trường để đem bán cho NĐT chiến lược. Thế nhưng, một lần nữa, những người có liên quan đã bỏ qua quy định này, xây dựng phương án đưa tài sản của Nhà nước trở thành “món cổ phiếu hời” cho một vài NĐT. Nếu việc này trót lọt, các NĐT sẽ được “một vốn bốn lời” từ việc mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Bởi lẽ, trong Phương án cơ cấu tài chính để Vinacafe Nha Trang thành lập CTCP, sau năm 2012, thửa đất 66 Yersin - Nha Trang sẽ đưa vào hoạt động một tòa cao ốc, góp phần mở rộng sản xuất, tăng thêm vốn điều lệ. Lúc này, để tăng được vốn điều lệ, thửa đất 66 Yersin sẽ được xác định lại với giá trị “đội lên” bao nhiêu lần là điều nhà kinh tế nào cũng hiểu…
Ngoài ra, từ khi Tòa án nhân dân tỉnh có quyết định mở thủ tục phá sản cho Vinacafe Nha Trang, những người lao động (NLĐ) trong DN này được nhận các chế độ để nghỉ việc theo Nghị định 41. Tuy nhiên sau đó một thời gian, Tòa án đã có quyết định công nhận phương án phục hồi Vinacafe Nha Trang theo nghị quyết hội nghị chủ nợ. Lẽ ra, khi có ý tưởng xây dựng phương án CPH, Vinacafe Nha Trang phải nghĩ đến những NLĐ đã từng gắn bó với DN trong một thời gian dài, thông báo rộng rãi đến NLĐ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Nếu NLĐ có nhu cầu tiếp tục làm việc tại Vinacafe Nha Trang thì có thể xử lý theo hướng hoàn lại các khoản mà họ đã nhận theo chế độ của Nghị định 41/2002/NĐ-CP nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người đang thất nghiệp. Bởi lẽ, NLĐ không phải là tác nhân gây ra phá sản CT, mà do lãnh đạo DN yếu kém, không dự báo được tình hình thị trường để dẫn đến kinh doanh thua lỗ và phá sản. Lẽ ra, những NLĐ đã gắn bó lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động của Vinacafe Nha Trang (ngành nghề kinh doanh được xây dựng cho CTCP kế thừa hoạt động của Vinacafe Nha Trang) phải được quan tâm đầu tiên khi CPH thì ngược lại, trong phương án CPH đã lờ đi chuyện này. Ban lãnh đạo Vinacafe Nha Trang - những người còn ở lại tham gia xử lý để phục hồi DN cũng “vắng mặt” trong chuyện tham gia mua cổ phiếu, kể cả ông Trần Nam Thanh - Giám đốc Vinacafe Nha Trang, người đã ký duyệt phương án.
Lãnh đạo CT không tham gia mua cổ phiếu; NLĐ không hề biết chuyện CPH ở Vinacafe Nha Trang và cũng không thể “sờ” được cổ phiếu phổ thông bán đấu giá lần đầu chỉ vì DN không công khai chào bán đấu giá cổ phiếu trên thị trường. Điều này chưa hề có tiền lệ và cũng không thấy trong lịch sử CPH DN. Có lẽ nào, việc CPH DN 100% vốn Nhà nước của Vinacafe Nha Trang đã bị một số người lách luật, thâu tóm cổ phiếu theo kiểu “mua đứt, bán đoạn” DN? Việc CPH khép kín cho một số NĐT, không thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường như quy định tại Nghị định 109/2007/NĐ-CP là cơ hội để một số NĐT trục lợi, tư nhân hóa tài sản của Nhà nước.
“Thay ngựa” giữa dòng?
Ngày 30-11-2010, Vinacafe Nha Trang có báo cáo gửi Tòa án nhân dân tỉnh kèm theo Công văn số 1039 TCT-ĐMDN/CV của Tổng CT Cà phê Việt Nam về tiến độ thực hiện Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh của Vinacafe Nha Trang. Theo đó, CTCP sẽ chính thức ra mắt vào thời điểm 1-3-2011. Mặc dù mốc thời gian 1-3-2011 không hề có ý kiến chấp thuận của các chủ nợ, những người tham gia CPH Vinacafe Nha Trang vẫn đưa ra để thực hiện. Tuy vậy, công tác CPH Vinacafe Nha Trang vẫn không xong.
Tính đến thời điểm này, nhìn lại Quyết định số 249ATCT-HĐQT/QĐ về xác định giá trị DN của Vinacafe Nha Trang mới thấy, việc công nhận giá trị DN đã vượt hơn 12 tháng. Theo quy định của pháp luật, nếu tiến hành CPH, bắt buộc Vinacafe Nha Trang phải thực hiện xác định lại giá trị DN. Thế nhưng, Ban đổi mới và phát triển DN của Tổng CT Cà phê Việt Nam và những người trực tiếp tham gia CPH Vinacafe Nha Trang vẫn không có động thái gì trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Bởi lẽ, cơ quan quyết định CPH Vinacafe Nha Trang không có văn bản nào yêu cầu DN này đình chỉ các bước triển khai phương án CPH được duyệt để làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan. Trong khi đó, Tổng CT Cà phê Việt Nam - cơ quan quyết định CPH Vinacafe Nha Trang lại tiến hành bước đi chiến lược “thay ngựa” nhằm tiếp tục thực hiện phương án chuyển đổi CT này. Tại Công văn số 298/TCCB-CV ngày 28-4-2011 của Tổng CT Cà phê Việt Nam, ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng CT Cà phê Việt Nam đề nghị Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc CTCP Cơ khí Vina Nha Trang giới thiệu nhân sự để đảm nhiệm vị trí Giám đốc và Kế toán trưởng của Vinacafe Nha Trang. Ông Thiêm cho biết, Giám đốc và Kế toán trưởng của Vinacafe Nha Trang đã nghỉ việc, hưởng chế độ theo Nghị định 41/2001/NĐ-CP của Chính phủ. Thế nhưng sau một thời gian không thấy phản hồi từ CTCP Cơ khí Vina Nha Trang, ngày 20-5-2011, ông Đoàn Đình Thiêm - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng CT Cà phê Việt Nam đã ký các quyết định “Về việc thôi giữ chức của cán bộ” đối với ông Trần Nam Thanh - Giám đốc Vinacafe Nha Trang và bà Phạm Thị Phương Dung - Kế toán trưởng Vinacafe Nha Trang; đồng thời, Tổng CT bố trí người giữ chức vụ Giám đốc và Kế toán trưởng tại Vinacafe Nha Trang. Nhìn lại Công văn số 298/TCCB-CV mà ông Thiêm gửi cho CTCP Cơ khí Vina Nha Trang với các quyết định về việc thôi chức của cán bộ đối với Giám đốc Trần Nam Thanh và Kế toán trưởng Phạm Thị Phương Dung mới thấy nghịch lý. Bởi lẽ, trong quyết định về việc thôi chức của cán bộ, vô hình trung, ông Thiêm thừa nhận Giám đốc Trần Nam Thanh và Kế toán trưởng Phạm Thị Phương Dung vẫn đang làm việc tại Vinacafe Nha Trang chứ không phải đã nghỉ việc như Công văn số 298/TCCB-CV. Trong các quyết định, ông đã đề nghị Giám đốc Trần Nam Thanh và Kế toán trưởng Phạm Thị Phương Dung “có nghĩa vụ làm việc với Tổng CT Cà phê Việt Nam và cơ quan Bảo hiểm xã hội Khánh Hòa để thực hiện các thủ tục nghỉ chế độ hưu trí theo quy định hiện hành”. Ông Thiêm cũng yêu cầu, Giám đốc và Kế toán trưởng (cũ) phối hợp với Giám đốc và Kế toán trưởng (mới) của Viancafe Nha Trang “xử lý tồn tại của CT cho đến khi hoàn tất thủ tục cơ cấu lại và chuyển đổi mô hình hoạt động của Vinacafe Nha Trang”.
Theo quy định tại khoản C (về xử lý tài chính), phần II Thông tư 146/2007/TT-BTC hướng dẫn: “Giám đốc và Kế toán trưởng DN CPH chịu trách nhiệm lập và ký báo cáo tài chính, báo cáo xác định giá trị phần vốn Nhà nước tại thời điểm chuyển sang CTCP, báo cáo quyết toán chi phí CPH và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của báo cáo. Hội đồng Quản trị CTCP (mới) có trách nhiệm tạo điều kiện để lãnh đạo DN CPH hoàn thành nhiệm vụ và ký, đóng dấu xác nhận chữ ký các chức danh trên của DN CPH trong báo cáo tài chính. Trường hợp Giám đốc, Kế toán trưởng DN CPH chưa hoàn thành báo cáo tài chính thì chưa được chuyển công tác hoặc nghỉ việc theo chế độ”. Trong khi vấn đề về xác định giá trị DN và CPH của Vinacafe Nha Trang còn nhập nhèm, động thái “thay ngựa” trong thời điểm được xem là nhạy cảm càng khiến dư luận xôn xao. Liệu những người liên quan có “phi tang” các sai phạm tại Vinacafe Nha Trang?
TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA
Ông Nguyễn Bé - Phó Giám đốc Sở Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về giá của tỉnh Khánh Hòa) cho biết:
- Vinacafe Nha Trang không thực hiện bán cổ phần lần đầu theo phương thức đấu giá công khai làm căn cứ xác định giá thương thảo theo phương thức thỏa thuận trực tiếp là không đúng với quy định hiện hành.
- Khoản 5 phần IV Thông tư 146/2007/TT-BTC hướng dẫn: Trường hợp sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị DN mà DN chưa thực hiện việc bán cổ phần, cơ quan quyết định CPH phải yêu cầu DN đình chỉ các bước triển khai phương án CPH được duyệt, làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân có liên quan. Đồng thời chỉ đạo Ban chỉ đạo CPH tổ chức triển khai xác định lại giá trị DN, điều chỉnh phương án CPH (nếu cần), chi phí cho việc xác định lại giá trị DN và điều chỉnh phương án CPH (sau khi trừ đi các khoản bồi thường của cá nhân có liên quan) được trừ vào tiền thu từ CPH DN. Trường hợp Vinacafe Nha Trang đã công bố giá trị DN từ ngày 30-6-2010, đến nay chưa thực hiện bán cổ phần thì phải điều chỉnh giá trị DN theo quy định nêu trên.