08:05, 11/05/2011

Khi đất của tộc họ thành “của riêng”!

Trong một vụ kiện chia di sản thừa kế của một gia đình, di sản để lại là đất đai vốn được tổ tiên để lại dành cho việc thờ cúng.

Trong một vụ kiện chia di sản thừa kế của một gia đình, di sản để lại là đất đai vốn được tổ tiên để lại dành cho việc thờ cúng. Vì thế, khi Tòa án chấp nhận chia di sản thừa kế theo yêu cầu của nguyên đơn thì những người khác không chịu và cho rằng Tòa án xử sai vì đã là đất thờ cúng thì không được chia. Vậy lập luận này có đúng…

Vừa qua, Tòa soạn Báo Khánh Hòa nhận được đơn kiến nghị của ông Võ Trọng Kim, đại diện cho một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án trên. Nội dung có thể tóm lại như sau: Nguyên tộc họ Phạm ở thôn Trường Lạc, xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) có tạo lập được một phần đất. Theo thời gian, tôïc họ Phạm truyền đời sử dụng và sau này có di chúc để lại cho ông Phạm Đại quản lý sử dụng phần đất này vào mục đích thờ cúng. Ông Phạm Đại sinh được 4 người con gồm: Phạm Thị Bời (đã mất), Phạm Thị Thuyền, Phạm Thị Nhơn và một người con trai là Phạm Thương. Lúc còn sống, ông Đại và con trai Phạm Thương trực tiếp quản lý, canh tác trên đất. Ông Thương có vợ là bà Nguyễn Thị Tương và sinh được 5 người con, 2 trai 3 gái. Trong chiến tranh, ông Thương bị chế độ cũ bắt vào lính và mất tích năm 1975. Lúc này, vợ và các con ông vẫn tiếp tục sống trên phần đất của ông Đại. Đến năm 1986, ông Đại mất không để lại di chúc, bà Tương tiếp tục sử dụng đất và đến năm 1998 thì được UBND huyện Diên Khánh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do sau này có nhu cầu về việc chia đất đai, gia đình bà Tương mới yêu cầu và được Tòa án nhân dân (TAND) huyện tuyên bố ông Thương đã chết. Đến năm 2009, một người con của bà Tương yêu cầu chia di sản thừa thừa kế là phần nhà đất vốn là đất hương hỏa của tộc họ Phạm đã được cấp sổ cho bà Tương và Tòa án đã thụ lý, xét xử vụ án này.

Khi xét xử, 3 người con gái của ông Đại là bà Nhơn, bà Thuyền và các con của bà Bời (ủy quyền cho ông Võ Trọng Kim) phản đối việc Tòa án xét xử vụ án này. Ông Kim cho rằng, đất hương hỏa của tộc họ Phạm thuộc vào dạng di sản dành cho việc thờ cúng nên không được chia thừa kế theo quy định tại Điều 670 Bộ Luật Dân sự. Ngoài ra, ông còn lập luận rằng phần quy định: “Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật” là không phù hợp thực tiễn, vì tính chất thờ cúng là truyền tử lưu tôn, không lẽ cứ đến thời điểm những người có tên trong di chúc mất đi thì phần đất hương hỏa lại thuộc về người quản lý? Chẳng hạn trong vụ án này, di chúc của ông bà tổ tiên để lại cho ông Đại là người quản lý. Vậy khi những đồng thừa kế của ông Đại mất đi thì phần đất đó thuộc về ông Đại thì làm sao đảm bảo việc thờ cúng về sau? Nói tóm lại, trong vụ án này, ông Kim cho rằng tài sản đó phải có phần của các con gái của ông Đại chứ không thể chia riêng cho gia đình bà Tương. Vì thế, ông Kim không đồng ý khi Tòa án huyện đã phân chia phần đất này như là di sản thừa kế của ông Thương, bà Tương.

Qua xem xét vấn đề trên, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số luật sư cũng như một số người từng đảm nhiệm chức năng thẩm phán xét xử của Tòa án tỉnh. Nhìn chung, họ đều đồng tình với nhận định của TAND huyện Diên Khánh. Trước hết, đó là do pháp luật đã quy định rõ như vậy thì việc áp dụng phải theo quy định chứ không thể suy diễn thiếu căn cứ pháp lý. Rõ ràng trong điều luật trên, di sản dành cho việc thờ cúng sẽ thuộc về người quản lý khi hội tụ 2 điều kiện: một là những người thừa kế theo di chúc đã chết và người quản lý ấy phải là người nằm trong diện thừa kế theo pháp luật (có nghĩa là có mối quan hệ ruột rà với người để lại di sản). Trong trường hợp cụ thể này, TAND huyện Diên Khánh đã chỉ ra rằng, ông Phạm Đại nhận di chúc để quản lý phần đất trên dành cho việc hương hỏa trong một thời gian dài, sau đó những người thừa kế trong di chúc (là anh chị em của ông Đại) không ai tranh chấp (nếu có tranh chấp thì cũng hết thời hiệu). Vì thế, căn cứ Điều 670 Bộ Luật Dân sự nói trên, phần đất đó mặc nhiên thuộc về ông Đại chứ không còn là tài sản thờ cúng của tộc họ Phạm. Điều này nghe có vẻ không phù hợp với quan điểm đạo đức truyền thống của dân tộc, nhưng luật là luật, chứ không thể suy diễn hoặc áp dụng khác được. Vì thế, việc TAND huyện Diên Khánh xác định đây là di sản thừa kế để đáp ứng yêu cầu chia di sản thừa kế của các thành viên gia đình ông Thương, bà Tương là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo quy định hiện nay, nếu quyền sử dụng đất được Nhà nước công nhận cho một tộc họ nào đó thì giấy chứng nhận cũng ghi rõ điều đó và người quản lý sẽ không có quyền định đoạt. Cho nên, vụ án này là vấn đề mang tính lịch sử bởi thời điểm đó không tách bạch giữa quyền sở hữu của cá nhân và tộc họ.

Cho dù lập luận của ông Kim cho rằng việc di sản thờ cúng cần phải được truyền từ đời này sang đời khác bởi những người trong gia tộc là có lý, nhưng nếu quy định pháp luật đã có thì vẫn phải áp dụng.

L.M


Điều 670 Bộ Luật Dân sự: Di sản dùng vào việc thờ cúng

1. Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng.

Trong trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.