- Hỏi: Ba mẹ tôi giờ đã già yếu và sống với vợ chồng tôi. Vì mấy anh chị ít quan tâm và chỉ dòm ngó đất đai của cha mẹ nên ông bà sợ khi mất đi, anh em sẽ xảy ra tranh chấp. Bây giờ, ông bà muốn làm di chúc để lại một phần lớn đất đai ấy cho tôi nhưng lại sợ nếu các anh chị không ký vào di chúc thì sau này sẽ không chịu chấp nhận di chúc. Xin hỏi, di chúc có cần phải có chữ ký của các con hay không, hình thức di chúc thế nào là hợp pháp?
- Hỏi: Ba mẹ tôi giờ đã già yếu và sống với vợ chồng tôi. Vì mấy anh chị ít quan tâm và chỉ dòm ngó đất đai của cha mẹ nên ông bà sợ khi mất đi, anh em sẽ xảy ra tranh chấp. Bây giờ, ông bà muốn làm di chúc để lại một phần lớn đất đai ấy cho tôi nhưng lại sợ nếu các anh chị không ký vào di chúc thì sau này sẽ không chịu chấp nhận di chúc. Xin hỏi, di chúc có cần phải có chữ ký của các con hay không, hình thức di chúc thế nào là hợp pháp?
Hoàng Văn Huy (Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa)
- Trả lời: Di chúc là sự thể hiện ý chí của người để lại di sản nên không cần thiết phải có sự đồng ý của những người khác (nếu không phải là đồng sở hữu của tài sản đó). Vì thế, nếu đất đai đó là của cha mẹ ông thì không cần phải có ý kiến đồng ý của các anh chị em của ông mới có hiệu lực. Về hình thức, di chúc của cha mẹ ông được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép;
b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái với quy định của pháp luật.
Di chúc bằng văn bản không cần có công chứng, chứng thực cũng được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại các điểm a, b nói trên.
Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Luật gia MINH HƯƠNG