11:04, 14/04/2011

Lối thoát cho “án đụng trần”!

Theo Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTP TANDTC) là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”, nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của HĐTP TANDTC.

Theo Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao (HĐTP TANDTC) là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”, nên không ai có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm quyết định của HĐTP TANDTC. Báo giới thường gọi đây là “Án đụng trần”. Trên thực tế, có những vụ sau khi xét xử giám đốc thẩm lại phát hiện có sai lầm nghiêm trọng, các đương sự rất bức xúc vì quyền lợi của họ không được giải quyết lại. Luật Tố tụng hành chính (TTHC) có hiệu lực từ 1-7-2011 đã quy định cơ chế đặc biệt về vấn đề “Án đụng trần”.

Điều 239 và Điều 240 của Luật TTHC quy định: Quyết định của HĐTP TANDTC khi có căn cứ xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TANDTC, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì được xem xét lại nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có yêu cầu hoặc có kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) hoặc Chánh án TANDTC có đề nghị. Trường hợp có yêu cầu của UBTVQH, Chánh án TANDTC có trách nhiệm báo cáo HĐTP TANDTC để xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC.
Trường hợp có ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC hoặc Chánh án TANDTC thì Chánh án TANDTC có trách nhiệm báo cáo HĐTP TANDTC xem xét kiến nghị, đề nghị đó. Nếu thấy có cơ sở thì HĐTP TANDTC ra quyết định giao Chánh án TANDTC tổ chức nghiên cứu hồ sơ vụ án, báo cáo HĐTP TANDTC xem xét, quyết định. Trường hợp HĐTP TANDTC không nhất trí thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Chánh án TANDTC có trách nhiệm tổ chức việc nghiên cứu hồ sơ vụ án, xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, báo cáo HĐTP TANDTC xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu của UBTVQH quy định tại khoản 2, Điều 239 hoặc kể từ ngày có quyết định của HĐTP TANDTC quy định tại khoản 3, Điều 239 của Luật này.

Sau khi nghe Chánh án TANDTC báo cáo, nghe ý kiến của Viện trưởng VKSNDTC, của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan được mời tham dự (nếu có), HĐTP TANDTC ra quyết định hủy quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của HĐTP TANDTC; hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết quan trọng mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định và tùy từng trường hợp mà quyết định bác yêu cầu khởi kiện, nếu yêu cầu đó không có căn cứ pháp luật hoặc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật; buộc cơ quan Nhà nước (CQNN) hoặc người có thẩm quyền trong CQNN thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, còn có thể chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên bố một số hoặc toàn bộ các hành vi hành chính là trái pháp luật; buộc CQNN hoặc người có thẩm quyền trong CQNN chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật; chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật; buộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; buộc cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh giải quyết lại vụ việc theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Về hướng khắc phục, Hội đồng có thể xác định trách nhiệm bồi thường đối với các trường hợp trên đồng thời buộc cơ quan, tổ chức bồi thường thiệt hại, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức bị xâm phạm do quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật gây ra; xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của TANDTC có quyết định vi phạm pháp luật nghiêm trọng bị hủy do lỗi vô ý hoặc cố ý và gây thiệt hại cho đương sự hoặc xác định trách nhiệm bồi hoàn giá trị tài sản theo quy định của pháp luật.

Để đảm bảo quyền lợi của đương sự, Hội đồng có quyền kiến nghị với CQNN có thẩm quyền, người đứng đầu của CQNN có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của CQNN, người có thẩm quyền của CQNN trong trường hợp cố ý vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Luật TTHC quy định cơ chế cho phép HĐTP TANDTC tự xem xét lại quyết định của mình là xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác xét xử của Tòa án và trên tinh thần “Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”. Được biết, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Bộ Luật Tố tụng dân sự cũng được chỉnh lý với nội dung tương tự như Luật TTHC trong việc xem xét lại “Án oan sai đụng trần”.

Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ