Ngày 21-5-1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, có hiệu lực từ ngày 1-7-1996.
Ngày 21-5-1996, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (TTGQCVAHC), có hiệu lực từ ngày 1-7-1996. Trong quá trình Tòa án thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, để kịp thời điều chỉnh Pháp lệnh TTGQCVAHC cho phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo, đồng thời để giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành Pháp lệnh TTGQCVAHC, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh TTGQCVAHC (vào năm 1998 và 2006). Qua 2 lần sửa đổi, bổ sung đã tháo gỡ được một số vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các VAHC và tăng thẩm quyền giải quyết các VAHC của Tòa án lên từ 8 nhóm việc (năm 1996) đến 10 nhóm việc (năm 1998) lên 22 nhóm việc (năm 2006).
Thế nhưng, thực tiễn khiếu kiện các VAHC ngày càng có xu hướng gia tăng và mở rộng sang nhiều loại việc mới, còn nhiều vướng mắt phát sinh trong quá trình giải quyết các VAHC. Mặt khác, các quy định trong lĩnh vực quản lý ngành còn chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột với các quy định của Pháp lệnh TTGQCVAHC, ảnh hưởng đến nội dung và kết quả của việc giải quyết các VAHC.
Công khai thủ tục hành chính |
Để khắc phục những hạn chế này, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) đã được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2011 quy định những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo phương án loại trừ. Khoản 1 Điều 28 Luật TTHC quy định, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện sau đây:
Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Từ quy định về thẩm quyền theo phương án liệt kê chuyển sang phương án “loại trừ” như trên, các cá nhân và tổ chức có thể kiện các quyết định hay hành vi hành chính của cơ quan Nhà nước ra Tòa để bảo vệ quyền lợi của mình, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc phạm vi bí mật Nhà nước trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Khi Luật TTHC có hiệu lực thi hành (kể từ ngày 1-7-2011) thì khả năng số lượng VAHC mà Tòa án phải thụ lý sẽ tăng lên nhiều. Theo kết luận của Chánh án - Tòa án nhân dân Tối cao: Trong thời gian tới, ngành Tòa án phải khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch tập huấn kỹ năng xét xử các VAHC cho các bộ thẩm phán trong ngành để thực hiện đúng các quy định về thẩm quyền và các thủ tục tố tụng khi Luật TTHC có hiệu lực. Nguồn thẩm phán xét xử các VAHC là các thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xét xử các loại vụ án (không phải là thẩm phán mới được bổ nhiệm)…
Việc quy định thẩm quyền của Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính theo phương án loại trừ là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đó là “Mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính. Đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại Tòa án; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước Tòa án”. Đây là điểm đổi mới quan trọng của Luật TTHC so với Pháp lệnh TTGQCVAHC.
Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ