02:03, 17/03/2011

Hiệu lực di chúc chung khi một người mất?

- HỎI: Cha mẹ tôi sống với nhau không mấy thuận hòa. Mẹ tôi đã cố chịu đựng để nuôi con. Khi chúng tôi trưởng thành, mẹ tôi định ly hôn nhưng chưa kịp thực hiện thì qua đời. Tuy nhiên trước khi mất, sợ cha tôi bán tài sản mà bà dành dụm bao lâu...

- HỎI: Cha mẹ tôi sống với nhau không mấy thuận hòa. Mẹ tôi đã cố chịu đựng để nuôi con. Khi chúng tôi trưởng thành, mẹ tôi định ly hôn nhưng chưa kịp thực hiện thì qua đời. Tuy nhiên trước khi mất, sợ cha tôi bán tài sản mà bà dành dụm bao lâu nên bà đã làm di chúc chung với cha tôi, trong đó để toàn bộ phần tài sản của bà cho chúng tôi. Cha tôi đã ký vào di chúc với sự chứng kiến của chị em tôi. Nay cha tôi nói di chúc đó không giá trị và gọi người đến bán đất, như vậy có được không? Chúng tôi phải làm gì (chúng tôi chỉ có bản photocoppy di chúc ấy)?

Nguyễn Bảo Trâm (Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh)

- TRẢ LỜI: Theo quy định của pháp luật thì vợ, chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung. Trong khi còn sống thì vợ, chồng có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung bất cứ lúc nào. Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.

Như vậy trong trường hợp này, cha của bà chỉ có thể định đoạt phần tài sản của mình (tức là 1/2 khối tài sản chung). Việc cha bà cho rằng di chúc đó không có giá trị là không đúng, vì thế ông tự quyết định việc bán tài sản là không được. Bà có thể gửi đơn yêu cầu tòa án xem xét giải quyết kèm với chứng cứ là bản photocoppy di chúc.

Luật gia MINH HƯƠNG