06:02, 23/02/2011

Lừa cả người tu hành

Là một cô gái trẻ, được một người tu hành đáng tuổi cha coi như con nuôi, tạo điều kiện để học tập, đào tạo nghề, thế nhưng cô ta lại lừa đảo cha nuôi, chiếm đoạt hàng tỉ đồng, thậm chí còn vu oan cho người đã cưu mang mình…

Là một cô gái trẻ, được một người tu hành đáng tuổi cha coi như con nuôi, tạo điều kiện để học tập, đào tạo nghề, thế nhưng cô ta lại lừa đảo cha nuôi, chiếm đoạt hàng tỉ đồng, thậm chí còn vu oan cho người đã cưu mang mình…

Ngày 21-2-2011, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra xét xử lần 2 vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Đặng Thị Út Em gây ra, mà người bị hại là một linh mục.

Đặng Thị Út Em tại phiên tòa ngày 21-2-2011.
Đặng Thị Út Em sinh năm 1985, thường trú 24/3 tổ 12, Tây Nam 1, Vĩnh Hải, Nha Trang. Hoàn cảnh gia đình Út Em thuộc loại khó khăn; học xong lớp 12 nhưng Út Em chưa có nghề nghiệp ổn định. Khoảng tháng 4-2007, tại quán cà phê Thạch Thảo Viên (trong khuôn viên Trường Sĩ quan Thông tin, Đồng Đế, Nha Trang, nơi Út Em đang làm nhân viên phục vụ bàn), tình cờ Út Em gặp và làm quen với ông Nguyễn Thạch N., sinh năm 1938, linh mục ở phường Lộc Thọ, Nha Trang. Tại đây, Út Em chủ động làm quen và giới thiệu mình tên là Nguyễn Thị Nhã Uyên. Sau đó, “Nhã Uyên” vài lần đến văn phòng của ông N. chơi, kể lể hoàn cảnh nghèo khó, bản thân chưa có việc làm ổn định. Ông N. rất cảm thông nên muốn giúp đỡ, vì thế ông gợi ý “Nhã Uyên” nên đi học thêm tiếng Anh hoặc học nghề để dễ xin việc. “Nhã Uyên” liền xin tiền để học tiếng Anh, rồi xin tiền đi học uốn tóc nhưng thực tế không học, hoặc bỏ dở. Lời ngon ngọt của “Nhã Uyên” khiến ông N. mủi lòng, nhận “Uyên” làm con nuôi, gửi “Uyên” vào Phan Rang học nghề tại Trường Dạy nghề Tấn Tài, một cơ sở dạy nghề của các nữ tu dòng “Đức Bà phù hộ”. Nhưng với bản tính lười lao động, thích ăn chơi đua đòi, “Nhã Uyên” lại bỏ dở giữa chừng việc học nghề ở Phan Rang và quay về Nha Trang.

Đầu tháng 9-2007, Út Em quen với Lâm Quang Thông và chỉ thời gian ngắn đã nên vợ chồng. Kể từ đây, Út Em “Nhã Uyên” dựng lên một “kịch bản” đầu tư làm ăn để liên tục đòi hỏi cha nuôi cho mượn những khoản tiền khổng lồ với tổng cộng 8 lần, lần nhiều nhất gần 1 tỉ đồng, lần ít nhất 200 triệu đồng. Tại Cơ quan điều tra, Út Em khai: do tâm sự với Thông rằng có cha nuôi bên đạo thường hay cho tiền, nên Thông nhiều lần thúc ép vợ xin, vay tiền của vị linh mục. Khoảng tháng 10-2007, Út Em bịa ra việc cần tiền đầu tư vào doanh nghiệp thủy sản ở Khu Công nghiệp Suối Dầu, nên hỏi vay cha nuôi 1 tỉ đồng, ông N. đã cho Út Em vay 950 triệu đồng. Tháng 12-2007, với lý do công ty cần tăng vốn, Út Em lại mượn thêm 750 triệu đồng. Cứ như vậy, Út Em đã 8 lần lấy tiền của ông N., với tổng số tiền lên tới 4,65 tỉ đồng. Những lần sau này, Út Em bịa thêm lý do công ty tăng vốn đầu tư, nếu không đóng thêm sẽ mất tất cả tiền gốc đã đầu tư. Cũng có lần Út Em giả bộ công ty bắt đầu tính lãi và trả cho ông N. 50 triệu đồng, thực chất số tiền này Út Em lấy từ khoản tiền 450 triệu đồng mà ông N. cho vay. Ông N. cũng từng nghi ngờ Út Em. 2 lần đầu, ông N. bắt Út Em viết giấy mượn, cả 2 lần này Út Em đều khai tên giả là Nguyễn Thị Nhã Uyên; thậm chí khi ông N. đòi ghi số Chứng minh nhân dân vào giấy mượn tiền, Út Em nói dối là chưa làm Chứng minh nhân dân. Đến lần cuối cùng (tháng 12-2009), ông N. đã nghi ngờ và cùng với ông Tâm (bạn ông N., đồng thời là người đưa tiền cho ông N. để đưa cho cô “con nuôi” mượn làm ăn) có kế hoạch dụ “Nhã Uyên” lên gặp, đồng thời báo Cơ quan Công an. Từ đây, hành vi lừa đảo của Út Em mới bị lật tẩy. Cũng nói thêm, số tiền 4,65 tỉ đồng mà ông N. đưa cho Út Em mượn không phải chỉ của ông N. mà ông còn mượn thêm của một số bạn bè, người quen như ông Tâm.

Về số tiền lớn mà Út Em mượn của ông N., thực chất cô ta không đầu tư, kinh doanh gì mà hoàn toàn sử dụng cho các nhu cầu tiêu dùng, ăn chơi xa hoa của bản thân và gia đình, như: xây sửa nhà hàng trăm triệu đồng, mua ô tô Camry, Ford Everest cả tỉ đồng; đi du lịch nước ngoài… vì thế khi thu hồi số tài sản để khắc phục hậu quả thì không còn bao nhiêu.

Không chỉ lừa đảo cha nuôi với số tiền lớn, khi bị Cơ quan Công an bắt giam, để hòng giảm nhẹ tội, Út Em còn thêu dệt ra câu chuyện tình của mình với ông N. để vu oan cho người đã hết lòng cưu mang mình. Ngay tại phiên xử lần đầu (tháng 11-2010), Út Em đã bịa ra việc từng làm nhân viên massage ở tiệm M.A, từng phục vụ và quen biết, yêu thương ông N. Ngoài ra, thị phủ nhận việc vay nợ ông N. số tiền 4,65 tỉ đồng, mà chỉ nhận vay nợ 1 tỉ đồng, khác hoàn toàn so với lời khai nhiều lần tại Cơ quan điều tra. Quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra đã vạch rõ sự xảo trá của thị, trả lại công bằng cho ông N.

Tại phiên tòa lần thứ 2, trước những chứng cứ rõ ràng, Út Em đã phải cúi đầu nhận tội. Phát biểu lời cuối cùng tại phiên tòa, Út Em xin lỗi ông N., mong Hội đồng xét xử cho hưởng mức án thấp để có cơ hội sửa sai. Xét mức độ thành khẩn, ăn năn hối cải của Út Em, Hội đồng xét xử sau thời gian nghị án đã quyết định mức án 16 năm tù cho hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” mà Đặng Thị Út Em gây ra, đồng thời Út Em phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho người bị hại.

MINH HẠNH