Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thường xuyên xảy ra các vụ bể hụi với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, trong đó TP. Nha Trang là địa bàn “trọng điểm”. Nhiều vụ bể hụi liên tục xảy ra khiến hàng loạt gia đình lâm vào cảnh lao đao. Dù vậy, người ta vẫn rủ nhau chơi hụi…
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thường xuyên xảy ra các vụ bể hụi với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, trong đó TP. Nha Trang là địa bàn “trọng điểm”. Nhiều vụ bể hụi liên tục xảy ra khiến hàng loạt gia đình lâm vào cảnh lao đao. Dù vậy, người ta vẫn rủ nhau chơi hụi… Chỉ đến khi bị giật hụi, họ - những “con hụi” mới -tìm đến chính quyền địa phương “nhờ” can thiệp đòi lại tiền.
Những ngày đầu tháng 1-2011, hàng chục người dân, đa số ngụ ở các thôn Võ Cạnh, Võ Dõng, xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) kéo đến nhà vợ chồng Tống Thị Ái Kiều (sinh năm 1958) và Trần Thanh Tâm (sinh năm 1969) ởù đường 23-10, xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang để đòi nợ. Cá biệt có trường hợp còn khiêng cả quan tài đến trước cửa nhà vợ chồng Kiều - Tâm để… cảnh cáo và đòi tiền, gây mất trật tự trị an, khiến chính quyền địa phương phải vào cuộc. Nhưng vào thời điểm đó, chủ hụi đã “đi xa”. Đến chiều 10-1, chính quyền địa phương phải mời những người bị giật hụi đến trụ sở UBND xã Vĩnh Trung để tìm biện pháp tháo gỡ, thống kê lại số tiền mà bà con bị giật hụi. Qua tìm hiểu của chúng tôi, ngoài những người nông dân chân lấm, tay bùn, người buôn bán nhỏ bị giật hụi còn có các viên chức, công chức tham gia đãø… trắng tay.
Chị Nguyễn Như Duyên - Chủ tịch Hội phụ nữ xã Vĩnh Trung giúp các nạn nhân thống kê số tiền bị vợ chồng Kiều - Tâm giật hụi. |
Chị Nguyễn Như Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vĩnh Trung giúp người dân thống kê lại số tiền bà con trên địa bàn xã bị giật hụi. Tổng cộng có khoảng 50 nạn nhân. Và con số chính xác được chính quyền địa phương công bố là: 2,5703 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng. Chị Nguyễn Thị Nguyên (trú thôn Võ Dõng) nói như khóc: “Tôi làm nghề thợ hồ, mỗi tháng thu nhập hơn triệu đồng. Hai mẹ con tôi ăn uống dè sẻn để có tiền chơi huê. Nào ngờ đã đóng được 12 lần (mỗi lần 840 nghìn đồng), thì bà Kiều bỏ trốn. Giờ không biết Tết này mẹ con tôi sẽ trông vào đâu”! Vừa nói chị chìa ra tờ giấy ghi vài con số. Bà con chòm xóm cho biết thêm: “Chồng nó chết, một mình nuôi con nhỏ nên nó tội lắm, nó cũng chẳng biết chữ đâu”. Thế rồi, bà con giải thích giúp chị Nguyên rằng: con số 6/12 ghi trên tờ giấy đồng nghĩa với việc chị Nguyên bắt đầu chơi huê do vợ chồng Kiều - Tâm làm chủ từ đầu tháng 12 âm lịch năm 2009. Ngồi sát chị Nguyên là cụ Nguyễn Thị Triền (77 tuổi, trú thôn Võ Cạnh). Cụ Triền nói: “Nhà tôi có 4 người chơi huê của vợ chồng Kiều - Tâm, tất cả đều bị giật hụi. Không tính tiền lãi, lần này tôi bị mất 60 triệu đồng”.
Bà Nguyễn Thị Hời (trú thôn Võ Cạnh) cho biết đã nhiều năm chơi hụi do vợ chồng Kiều - Tâm làm chủ. Những lần trước Kiều - Tâm đều thanh toán sòng phẳng, vì thế đã chiếm được sự tin tưởng của mọi người. Điều đáng nói hầu hết nạn nhân đều là chỗ thân quen của cặp vợ chồng này, vì vậy họ chỉ cần tờ giấy viết tay hoặc thậm chí chỉ thỏa thuận bằng miệng cho mỗi lần chơi hụi. Một chị tên N. đề nghị: “Tôi là giáo viên, lần này bị vợ chồng Kiều - Tâm giật mất 120 triệu đồng. Anh đừng đưa tên tôi lên báo nhé, vì cơ quan biết được thì không hay”!
Các nhân chứng cho biết, con số 2,5703 tỷ đồng chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, vì còn có các “con hụi” đến từ các phường, xã khác ở TP. Nha Trang và xã Diên An, huyện Diên Khánh với số tiền có thể lên đến trên chục tỷ đồng. “Nhưng họ chưa ra mặt vì để chúng tôi làm trước, sau đó họ mới làm” - một nạn nhân cho biết.
Chơi huê hụi, bà con chỉ có duy nhất một tờ giấy viết tay như thế này làm… bằng chứng. |
Tại cuộc họp, nhiều nạn nhân đã tố cáo vợ chồng Kiều - Tâm dùng “mánh khóe” để lừa đảo. Họ cho biết, trước ngày hàng chục người dân kéo đến nhà Kiều - Tâm để đòi nợ (tối 7-1), người thân bà Kiều nói chủ hụi bị bệnh tim, cần đi phẫu thuật. Vì vậy, người thân bà Kiều vẫn tiếp tục đi thu tiền hụi của bà con hàng chục triệu đồng. Có ý kiến cho rằng, tài sản mà họ bị giật đã bị vợ chồng Kiều - Tâm tẩu tán bằng cách mua nhà, mua đất, mua xe… và đều do “vợ bé” của Tâm đứng tên. Họ đề nghị chính quyền can thiệp để đòi lại tiền. “Bây giờ bà con chỉ mong làm sao đòi được tiền vốn thôi, chứ không mong lấy được tiền lời” - chị Nguyễn Như Duyên cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp, Thiếu tá Ngô Duy Đạt, đại diện Công an TP. Nha Trang khẳng định, nhiều vụ bể hụi đã xảy ra trên địa bàn TP. Nha Trang, nhưng bà con không rút ra được bài học để rồi tích cóp được một ít tiền lại bị người ta lừa mất; cũng có người lợi dụng việc cho vay lấy lãi suất cao để kinh doanh nhưng đã bị giật mất. Thiếu tá Ngô Duy Đạt cho rằng, Nhà nước không cho phép người dân chơi huê hụi, tuy nhiên, Nhà nước vẫn sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân. Vì vậy, trước hết cơ quan chức năng yêu cầu bà con cần bình tĩnh, không tụ tập gây mất trật tự công cộng. Đồng thời, yêu cầu bà con cung cấp thông tin về việc mình bị giật hụi cho cơ quan Công an thật đầy đủ và chính xác. Trên cơ sở đó, cơ quan Công an sẽ tiến hành các bước điều tra theo đúng theo quy định của pháp luật nhằm không để lọt người, lọt tội.
Rõ ràng, hậu quả của bể hụi là rất lớn. Trong thời buổi kinh tế thị trường, bên cạnh hệ thống tín dụng của Nhà nước, dù muốn hay không, hụi vẫn mặc nhiên tồn tại nhưng mức độ rủi ro của hoạt động này ngày càng cao khi có nhiều kẻ bội tín. Vì vậy, người dân cần xem đây là bài học để tránh xa kiểu “làm ăn” này.
THÀNH LONG