06:11, 24/11/2010

Cẩn trọng với tín dụng “đen”!

Với thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần giấy viết tay và có tài sản để cầm cố là người vay có thể nhanh chóng vay được tiền bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, với mức lãi “cắt cổ” của người cho vay qua phương thức tín dụng “đen” hoặc vay “nóng”, người vay luôn đứng trước nguy cơ mất trắng nhà cửa bất cứ lúc nào.

Một nguyên nhân của tình trạng thâm hụt thương mại là VND đã trở nên quá mạnh so với các đồng tiền của các đối tác thương mại chủ yếu.
Ảnh minh họa
Với thủ tục hết sức đơn giản, chỉ cần giấy viết tay và có tài sản để cầm cố là người vay có thể nhanh chóng vay được tiền bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, với mức lãi “cắt cổ” của người cho vay qua phương thức tín dụng “đen” hoặc vay “nóng”, người vay luôn đứng trước nguy cơ mất trắng nhà cửa bất cứ lúc nào.

. 1 vốn, 40 lời!

Mấy năm trở lại đây, trên mạng và trang rao vặt của một số tờ báo, có thể dễ dàng tìm thấy những chào mời dịch vụ tài chính cho vay “nóng” và đáo hạn ngân hàng đầy hấp dẫn. Địa chỉ liên hệ là tên cá nhân, tên công ty tài chính, công ty thương mại và dịch vụ, phổ biến nhất là các cửa hàng cầm đồ. Ở đây là quan hệ vay - trả tiền giữa hai chủ thể (cá nhân - cá nhân, cá nhân - tổ chức, tổ chức - tổ chức...) nhưng người cho vay không phải là một tổ chức tín dụng thành lập theo quy định của pháp luật (Luật Các tổ chức tín dụng). Thông thường, người ta hay gọi những mối quan hệ vay mượn không qua tổ chức tín dụng hợp pháp là tín dụng “đen”. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế như hiện nay, có rất nhiều cá nhân cần vốn làm ăn và đã “liều mình” vay “nóng” ở các nơi cho vay nặng lãi mà không tìm đến các ngân hàng, vì đến ngân hàng, thời gian chờ đợi khá dài, thủ tục lại khá rườm rà.

Tại Nha Trang, tín dụng “đen” đã len lỏi ở khắp nơi. Nó “vươn vòi” khá sâu vào lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bia ôm, vũ trường, quán bar. Các chủ đường dây chăn dắt gái, quản lý “đào” đứng ra cho vay với lãi suất “cắt cổ”. Nguy hiểm hơn, thời gian gần đây, có khá nhiều ngư dân làm nghề nuôi trồng thủy sản và kể cả những người đánh bắt sẵn sàng chấp nhận vay tiền “nóng” với lãi suất cao để lấy vốn làn ăn. Gia đình ông H. ở khu vực Hòn Rớ (Phước Đồng, Nha Trang) vừa phải bán căn nhà cũng do vay nặng lãi để nuôi cá mú. Lúc đầu ông H. vay 200 triệu đồng với lãi suất 5%; ông dự tính 1 năm sau khi xuất cá sẽ có tiền để trả nợ. Tuy nhiên, khi cá bị dịch bệnh chết, gia đình ông đã không còn khả năng trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, ông đành phải bán nhà để trả nợ. Hay trường hợp của nhiều người ở thôn Hà Liên, xã Ninh Hà (huyện Ninh Hoà). Do liên tục mấy năm bị mất mùa tôm nên nhiều gia đình đành “cắn răng” chấp nhận vay “nóng” với lãi suất 20%/tháng để trang trải cuộc sống. Hiện nay, mức lãi suất được quy định ngầm trong giới cho vay nặng lãi là khoảng 60%/năm, tức là khoảng 5%/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức lãi suất quy định của ngân hàng. Như vậy, dù thủ tục vay tín dụng “đen” khá dễ dàng, song với mức lãi quá cao, người dân luôn phải đối mặt với việc mất trắng nhà cửa, đất đai nếu không hoàn trả được tiền vay.

. Hiểm họa khôn lường

Đa số những người đi vay tín dụng “đen” đều phải thế chấp tài sản. Loại tài sản mà bọn cho vay nặng lãi thích nhất là “sổ đỏ”; bởi đây là tài sản có giá trị lớn, mà giá trị càng lớn thì lợi nhuận càng cao. Những kẻ cho vay nặng lãi hiện nay không chỉ giữ “sổ đỏ” mà còn làm thành hợp đồng mua bán đất để “làm tin”. Lợi dụng nhiều người cho vay có trình độ học vấn thấp, không hiểu biết về pháp luật, người cho vay lãi yêu cầu hai bên ra công chứng giấy tờ “cho an tâm, không ai xù ai”(!). Tuy nhiên, chỉ cần quá hạn mà người đi vay chưa trả được nợ thì lập tức tài sản kia sẽ nghiễm nhiên là của bọn người cho vay tín dụng “đen”. Chỉ vì nôn nóng, cần có tiền mau lẹ mà nhiều người đi vay đã chui đầu vào “thòng lọng” mà những người cho vay chờ sẵn.

Dù kinh doanh tín dụng “đen” là trái pháp luật, song để có thể kết tội những người này lại hết sức khó khăn. Bởi, theo quy định tại Điều 467 Bộ Luật Dân sự, hợp đồng cho vay tiền là loại hợp đồng cho vay tài sản và người vay chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Như vậy, pháp luật cho phép người có tiền cho vay được hưởng một khoản tiền gọi là lãi. Còn đối với những cáo buộc về tội “cho vay lãi nặng” theo quy định khoản 2, Điều 163 Bộ Luật Tố tụng hình sự, nếu điều tra không chứng minh được người cho vay lãi cao là “có tính chất chuyên bóc lột” mà chỉ là cho vay trên cơ sở sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên (thông thường những người đã đi vay nặng lãi đều phải ký các thỏa thuận mới vay được) thì khó chứng minh hành vi vi phạm của người cho vay cho dù họ cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên. Trước đây, Báo Khánh Hòa đã từng có bài viết về việc cho vay nặng lãi của băng nhóm Ánh “Phú”, Sơn Linh. Nhưng khi tiến hành xét xử, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau nhiều lần trả hồ sơ, cả ba cơ quan tố tụng của TP. Nha Trang đành “bó tay” trong việc chứng minh tội phạm của Ánh “Phú”, Sơn Linh và phải ra quyết định đình chỉ vụ án. Tuy chuyên cho vay nặng lãi nhưng cuối cùng, Nguyễn Thị Mỹ Linh và Trần Thị Hoàng Ánh đều không bị kết án với tội danh này.

Trong khi đợi có những chế tài và các biện pháp hữu hiệu hơn đối với loại dịch vụ này, người dân nên hết sức cẩn trọng với tín dụng “đen” để tránh lâm vào cảnh tán gia, bại sản.

NHẬT MINH