05:10, 27/10/2010

Vì sao Trần Văn Ban thoát án tử hình?

Vụ án Trần Văn Ban giết vợ, phân xác phi tang dưới hầm rút ở Vĩnh Lương, Nha Trang đã được đưa ra xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa khi xét xử sơ thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo đặc biệt nghiêm trọng, không còn tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi xã hội, vì vậy đã tuyên xử tử hình đối với bị cáo.

Vụ án Trần Văn Ban giết vợ, phân xác phi tang dưới hầm rút ở Vĩnh Lương, Nha Trang đã được đưa ra xét xử ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Khánh Hòa khi xét xử sơ thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo (BC) đặc biệt nghiêm trọng, không còn tính người, cần phải loại bỏ ra khỏi xã hội, vì vậy đã tuyên xử tử hình đối với BC. Thế nhưng, phiên tòa xét xử phúc thẩm mới đây lại tuyên xử sửa án sơ thẩm, chấp nhận kháng cáo của BC, xử phạt BC Trần Văn Ban tù chung thân. Phán quyết của Tòa phúc thẩm đã gây ra nhiều ý kiến khác nhau trong việc xác định hành vi của BC có còn nhân tính, có khả năng để cải tạo?

Bị cáo Trần Văn Ban tại phiên tòa phúc thẩm.
Bị cáo Trần Văn Ban tại phiên tòa phúc thẩm.
Theo cáo trạng, Trần Văn Ban và chị Trần Thị Hiếu kết hôn năm 1992, đã có với nhau 3 mặt con. 2 vợ chồng làm nghề giết mổ và bán thịt heo tại chợ Vĩnh Lương (Nha Trang). Chiều 29-10-2009, giữa 2 vợ chồng đã xảy ra cãi vã do chị Hiếu nghi ngờ Ban lấy 10 triệu đồng cho “gái”. Ban đã lấy ghế gỗ đánh chị Hiếu nhưng được em vợ can ngăn. Mấy ngày sau, 2 vợ chồng vẫn tiếp tục cãi vã. Khoảng 2 giờ sáng 2-11-2009, trong lúc chị Hiếu vừa làm lòng heo vừa tiếp tục chửi chồng tội lấy tiền cho “gái”, do tức giận nên Ban đã dùng một cây gỗ đánh mạnh mấy cái vào đầu khiến chị Hiếu gục xuống. Sau khi thấy chị Hiếu nằm bất động, Ban chặt xác vợ ra làm nhiều khúc phi tang xuống hầm rút (qua lỗ thông hơi có đường kính 10cm) rồi dùng sim điện thoại của chị Hiếu phao tin chị đã lấy 350 triệu đồng bỏ nhà đi theo “trai”. 7 ngày sau, Ban thông báo với Công an xã chị Hiếu mất tích rồi bỏ trốn. Trong khi bỏ trốn, Ban nhờ cháu xây bít lỗ thông hơi hầm rút.

Sau khi Ban bỏ trốn, các em của chị Hiếu nghi ngờ Ban giết chị Hiếu và bỏ trốn nên tiếp tục tìm. Đến ngày 29-12-2009, phát hiện dấu xi măng mới xây, các em chị Hiếu đã phá hầm rút phát hiện một số đoạn xương nghi ngờ là xương người nên đã báo cơ quan Công an để điều tra, khám nghiệm hiện trường. Đến ngày 31-12-2009, biết tin cơ quan Công an đã tìm thấy bộ xương người dưới hầm rút nhà mình, Ban liền gọi điện cho anh ruột (ở Vụ Bản, Nam Định) và chị Hồ Thị Phương Viên (trú thị trấn Ninh Hòa) nói muốn ra đầu thú. Ngày 2-1-2010, Ban được anh trai đưa đến đầu thú tại Công an TP. Nha Trang.

Bản án hình sự sơ thẩm xử ngày 23-6-2010 của TAND tỉnh đã tuyên bố BC Trần Văn Ban phạm tội: “Giết người”, xử phạt tử hình BC. Sau đó, BC có đơn kháng cáo. Ngày 20-9, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tiến hành xét xử phúc thẩm vụ án này. Tòa cấp phúc thẩm cho rằng án sơ thẩm đã căn cứ điểm n, khoản 1, Điều 93 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) xét xử BC Ban về tội “Giết người” là có căn cứ, đúng pháp luật. Và cũng theo Tòa phúc thẩm, việc truy tố xét xử đối với BC Trần Văn Ban với tình tiết “thực hiện tội phạm một cách man rợ” là không chính xác, việc Tòa cấp sơ thẩm áp dụng tình tiết định khung theo điểm I, khoản 1, Điều 93 chưa đúng. Theo Tòa phúc thẩm, hành vi hung hãn, tàn ác nêu trên của BC là nhằm che giấu tội ác gây ra; đây là tình tiết tăng nặng được quy định tại điểm o, khoản 1, Điều 48 BLHS. Tính chất hành vi phạm tội Trần Văn Ban gây ra là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm nhận thấy: tuy người bị hại là chị Trần Thị Hiếu không có lỗi nhưng có lời nói khiếm nhã làm cho Trần Văn Ban không kiềm chế và làm chủ bàn thân dẫn đến hậu quả rất đau lòng; sau khi gây tội ác, Ban đã đầu thú tại Công an TP. Nha Trang trước khi bị khởi tố bị can; nhân thân không thuộc loại xấu và mẹ BC là người có công với cách mạng. BC được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2, Điều 46 BLHS. Theo HĐXX, Trần Văn Ban còn có khả năng cải tạo, chưa đến mức phải loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội. Vì vậy, cấp phúc thẩm chấp nhận nội dung kháng cáo xin giảm án của Trần Văn Ban, tuyên xử BC mức tù chung thân.

Có thể thấy trong vụ án này, việc BC Trần Văn Ban thoát án tử hình có nhiều mâu thuẫn trong phán quyết của Tòa cấp phúc thẩm. Một mặt, Tòa cấp phúc thẩm đã sửa án sơ thẩm, cho rằng BC thực hiện tội phạm không man rợ nhưng mặt khác lại áp dụng thêm tình tiết tăng nặng (áp dụng điểm o, khoản 1, Điều 48 “có hành vi xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh tội phạm”). Phán quyết cuối cùng của Tòa cấp phúc thẩm đã giúp BC Trần Văn Ban thoát án tử hình về tội “Giết người”. Phán quyết này đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận và giới luật gia. Dư luận cho rằng, tội ác tày trời của Trần Văn Ban đáng được xử phạt mức án cao nhất là tử hình, vì hành vi của BC đặc biệt nguy hiểm, cần phải loại bỏ khỏi xã hội. Mặt khác, thực tiễn xét xử cho thấy, những vụ án tương tự như thế này đều phải áp dụng mức án cao nhất để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Chính vì thế, tuy vụ án đã được xét xử nhưng đến nay, dư luận vẫn chưa “tâm phục khẩu phục” với phán quyết trên của Tòa cấp phúc thẩm.

HẢI HÀ