10:08, 24/08/2010

Làm gì nếu nghi ngờ chứng cứ là giả mạo?

- Hỏi: Phần đất của cha mẹ chúng tôi để lại có nguồn gốc từ lâu đời và không có tranh chấp. Nay khi cha mẹ chúng tôi đã mất, người hàng xóm kiện chúng tôi ra Tòa đòi lại đất với lý do trước đấy, cha tôi đã bán một phần đất trên cho ông ta.

- Hỏi: Phần đất của cha mẹ chúng tôi để lại có nguồn gốc từ lâu đời và không có tranh chấp. Nay khi cha mẹ chúng tôi đã mất, người hàng xóm kiện chúng tôi ra Tòa đòi lại đất với lý do trước đấy, cha tôi đã bán một phần đất trên cho ông ta. Để làm chứng, ông ta trưng ra một giấy viết tay trong đó ghi rằng cha tôi vì nợ nần nên gán một phần đất hương hỏa cho ông ta. Trên giấy có dấu vân tay của cha tôi. Gia đình chúng tôi rất nghi ngờ vì thời gian ghi trên giấy là lúc cha tôi bị bệnh nặng, nên không thể ký giấy bán. Vậy chúng tôi có quyền kiện về chứng cứ của ông ta không? Nếu ông ta gian lận thì xử lý thế nào?

Trần Hoàng
(Diên Sơn, Diên Khánh, Khánh Hòa)

- Trả lời: Nếu vụ việc được đưa ra Tòa, căn cứ vào thực tế, ông có quyền tố cáo bằng chứng ấy là giả mạo. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, trong trường hợp chứng cứ bị tố cáo là giả mạo thì người đưa ra chứng cứ đó có quyền rút lại; nếu không rút lại, người tố cáo có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định.

Về việc xử lý đối với người đưa ra chứng cứ giả mạo, trường hợp việc giả mạo chứng cứ có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án sẽ chuyển cho Cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền. Người đưa ra chứng cứ giả mạo phải bồi thường thiệt hại nếu việc giả mạo chứng cứ đó gây thiệt hại cho người khác.

Luật gia MINH HƯƠNG