09:07, 27/07/2010

Chính quyền địa phương cần xem xét lại vụ việc

Hai gia đình tranh chấp đất trồng rừng và đã được chính quyền địa phương xem xét, giải quyết. Song, do cách giải quyết của chính quyền địa phương chưa thật sự thấu tình, đạt lý nên đã không được người dân chấp nhận. Vì vậy, đến nay vụ việc vẫn còn kéo dài chưa có hồi kết.

Hai gia đình tranh chấp đất trồng rừng và đã được chính quyền địa phương xem xét, giải quyết. Song, do cách giải quyết của chính quyền địa phương chưa thật sự thấu tình, đạt lý nên đã không được người dân chấp nhận. Vì vậy, đến nay vụ việc vẫn còn kéo dài chưa có hồi kết.

Vừa qua, Báo Khánh Hòa đã nhận đơn khiếu nại của ông Nguyễn Đức, trú xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm. Đơn của ông có nội dung như sau: Nguyên năm 1991 ông có làm đơn xin khai hoang đất tại xóm 4, xã Cam Hải Đông. Việc làm này đã được UBND xã chấp thuận. Năm 1994, ông sang nhượng lại diện tích đất đã khai hoang cho ông Nguyễn Trọng Trân (quê ở Nghệ An). Đến năm 1995, ông Nguyễn Trọng Trân được UBND huyện Cam Ranh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) lâm nghiệp cho 27.000m2 đất đã sang nhượng. Hai năm sau, ông Trân tiếp tục xin chuyển mục đích SDĐ từ đất trồng rừng sang đất trồng cây lâu năm cho 23.900m2 (phần lớn diện tích đất sang nhượng của ông Đức). Toàn bộ diện tích đất được chuyển đổi này sau đó đã được ông Trân sang nhượng cho người khác. Năm 2001, ông Nguyễn Trọng Trân trở về sinh sống tại Nghệ An, nên ông đã sang nhượng phần đất còn lại là 3.100m2 trong GCNQSDĐ lâm nghiệp cho ông Đức. Việc sang nhượng có làm giấy tay và có người làm chứng ký nhận. Đồng thời, ông Trân cũng đưa lại GCNQSDĐ lâm nghiệp cho ông Đức lưu giữ. Ngày 1-1-2010, ông Đức lên phát dọn lô đất nêu trên để trồng trọt thì xảy ra tranh chấp với gia đình ông Phạm Văn Chi (hộ có đất liền kề). Gia đình ông Chi cho rằng, diện tích đất mà ông Đức định phát dọn là đất thuộc quyền sở hữu của gia đình ông và ngăn cản không cho gia đình ông Đức được canh tác trên khu đất đang tranh chấp. Sau khi vụ việc xảy ra, ông Đức đã làm đơn khiếu nại gửi UBND xã Cam Hải Đông để được giải quyết. Sau nhiều lần xử lý, việc tranh chấp vẫn không được giải quyết dứt điểm. Chính vì sự chậm trễ này nên ngày 28-6-2010, Thanh tra huyện Cam Lâm đã đề nghị UBND xã Cam Hải Đông khẩn trương kiểm tra, giải quyết, báo cáo lên UBND huyện và Thanh tra huyện theo dõi. Tuy nhiên, tại thông báo giải quyết đơn của ông Nguyễn Đức đề ngày 28-6-2010, UBND xã Cam Hải Đông cho rằng, căn cứ hồ sơ pháp lý thì vị trí lô đất ông Nguyễn Đức khai hoang ngày 31-1-1991 đã được ông sang nhượng lại cho ông Nguyễn Trọng Trân. Ngày 21-11-1995, ông Nguyễn Trọng Trân được UBND huyện Cam Ranh cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp với diện tích 2,7ha và đến nay ông Trân đã chuyển quyền sử dụng cho người khác. Do đó, ông Nguyễn Đức căn cứ vào giấy khai hoang 31-1-1991 có xác nhận của chính quyền địa phương để tranh chấp là không có cơ sở. Chính vì thế, UBND xã Cam Hải Đông đề nghị ông Nguyễn Đức không tranh chấp tại vị trí nêu trên đối với ông Phạm Văn Chi. Nếu ông Đức không đồng ý có quyền khiếu nại đến cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện ra tòa.

Ông Đức bên phần đất tranh chấp.
Sau khi nhận được đơn khiếu nại của ông Nguyễn Đức, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, xác minh. Qua đó nhận thấy rằng, việc giải quyết của UBND xã Cam Hải Đông còn có một số điểm chưa thật sự thuyết phục. Cũng chính từ sự giải quyết này nên người dân vẫn tiếp tục làm đơn khiếu nại lên các cấp là điều dễ hiểu. Khi giải quyết việc tranh chấp, chính quyền địa phương đã không dựa vào giấy chuyển nhượng đất của ông Trân cho ông Đức được hai bên xác lập ngày 24-8-2001 để làm bằng chứng. Đồng thời, việc UBND xã cho rằng ông Trân đã sang nhượng toàn bộ diện tích đất trong GCNQSDĐ trồng rừng cho người khác (trong đó không có ông Đức) là cũng chưa chính xác. Bởi, tổng số đất mà ông Trân sang nhượng (không tính phần sang nhượng cho ông Đức) là 23.900m2, do đó so với GCNQSDĐ trồng rừng mà huyện Cam Ranh cấp thì ông Trân sẽ còn lại 3.100m2. Diện tích đất còn lại này trùng khớp với diện tích đất mà ông Trân đã sang nhượng cho gia đình ông Đức. Đây chính là một chứng cứ quan trọng để có thể xác định ông Đức có đất ở khu vực này hay không. Bên cạnh đó, do 2 bên đều đã có GCNQSDĐ nên đáng lý ra chính quyền địa phương chỉ cần dựa trên sơ đồ là có thể xác định được ai là người lấn đất. Theo quan sát tại thực địa của chúng tôi, hiện diện tích đất đang tranh chấp có vị trí tại hướng Tây Nam so với sơ đồ đất của gia đình ông Nguyễn Trọng Trân (hiện ông Đức đang sử dụng). Trong khi đó, cũng tại sơ đồ này thể hiện phần đất nhà Phạm Văn Chi chỉ giáp gianh với đất của gia đình ông Nguyễn Trọng Trân ở phía Bắc. Nếu như vậy thì việc ông Chi tranh chấp đất với với gia đình ông Đức là không có cơ sở.

Từ những cơ sở đã nêu, chúng tôi đề nghị UBND xã Cam Hải Đông sớm xem xét lại các tình tiết và hồ sơ mà các bên đang có để giải quyết tranh chấp. Người dân đang đợi cách xử lý công bằng, nghiêm minh từ phía chính quyền địa phương. Nếu vụ việc vượt quá thẩm quyền của chính quyền thì 2 bên có thể nhờ đến sự phân xử của tòa án.

NHẬT MINH