05:06, 10/06/2010

Quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo

Sau khi Dự án hồ chứa nước Tà Rục (sau đây gọi tắt là dự án hồ Tà Rục) được phê duyệt, các công tác đo đạc, thẩm định để thu hồi đất được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, khi Ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tiến hành chi trả tiền cho các hộ dân thì nhiều khiếu kiện đã xảy ra…

Sau khi Dự án hồ chứa nước Tà Rục (sau đây gọi tắt là dự án hồ Tà Rục) được phê duyệt, các công tác đo đạc, thẩm định để thu hồi đất được gấp rút triển khai. Tuy nhiên, khi Ban Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (BTHT-TĐC) tiến hành chi trả tiền cho các hộ dân thì nhiều khiếu kiện đã xảy ra…

° Người dân chưa thông

Vừa qua, Tòa soạn nhận được đơn khiếu nại của ông Vòng Tống Phát, bà Hồ Ngọc Kíu và một số hộ dân khác tại xã Cam Phước Tây (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) liên quan đến việc đền bù đất bị thu hồi phục vụ dự án hồ Tà Rục. Theo ông Vòng Tống Phát, năm 1988, gia đình ông khai hoang hơn 5ha để sản xuất. Năm 1991, Nhà nước có chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc (Dự án PAM), gia đình ông đã đưa diện tích đất khai hoang vào diện trồng rừng của dự án. Gia đình ông được hỗ trợ toàn bộ cây giống, công khai phá và công chăm sóc cây; khi rừng được 10 năm tuổi trở lên, gia đình có quyền khai thác và bán cho Nhà nước, thời hạn trồng rừng là 60 năm. Để tiến hành dự án hồ Tà Rục, ngày 24-2-2009, UBND huyện Cam Lâm ra quyết định thu hồi hơn 5.000m2 đất rừng sản xuất của gia đình ông với số tiền đền bù, hỗ trợ là gần 6 triệu đồng. Trường hợp gia đình bà Hồ Ngọc Kíu cũng tương tự. Năm 1988, gia đình bà cũng khai hoang đất và đến năm 1991 thì đưa toàn bộ đất khai hoang này vào Dự án PAM. Khi bị thu hồi đất cho dự án hồ Tà Rục, gia đình bà cũng chỉ nhận được số tiền đền bù 9 triệu đồng cho hơn 8.000m2.

Các hộ dân phản ảnh sự việc với phóng viên.
Ông Phát, bà Kíu thắc mắc nhiều hộ gia đình cũng thuộc diện đất rừng sản xuất của Dự án PAM nhưng tại sao được đền bù giá cao hơn hẳn? Ngoài ra, khi xác minh đơn, nhiều hộ gia đình khác cũng thắc mắc với nội dung tương tự. Họ bứùc xúc vì việc áp giá giữa các hộ không công bằng.

° Chính quyền nỗ lực giải quyết

Qua làm việc với cơ quan chức năng huyện Cam Lâm, chúng tôi được biết, UBND huyện Cam Lâm đã thanh tra vấn đề mà gia đình ông Phát, bà Kíu khiếu nại. Kết quả thanh tra cho thấy, việc gia đình ông Phát, bà Kíu nhận được số tiền đền bù thấp là do trước đây, khi tham gia Dự án PAM, các hộ này đã được nhận các khoản đầu tư cũng như công khai phá. Do đó, khi thực hiện thu hồi và đền bù, theo quy định thì các hộ này không được nhận tiền đền bù cho các khoản đầu tư ban đầu nữa. Bên cạnh đó, trong quá trình nhận trồng rừng, các hộ này đã không tuân thủ theo các điều khoản trong hợp đồng nên diện tiùch rừng trồng theo dự án đã bị địa phương thu hồi. Vì lẽ đó, hộ ông Phát và bà Kíu chỉ nhận được tiền hỗ trợ công khai phá cho diện tích đất bị thu hồi đợt 1 mà thôi.

Các trường hợp khiếu nại khác về việc đền bù không công bằng cũng đang được UBND huyện giải quyết. Qua kiểm tra, UBND huyện nhận thấy, đúng là việc đền bù giải tỏa có những chỗ chưa thỏa đáng; thậm chí nhiều trường hợp đã áp giá sai. Sở dĩ có sai lệch này là do quá trình thẩm định đền bù có quá nhiều văn bản hướng dẫn, có trường hợp áp dụng theo văn bản này nhưng lại sai lệch với văn bản khác. Điều này làm cho cơ quan thi hành gặp khó khăn, dẫn tới có sai sót.

Mặt khác, trong công tác thẩm định và đền bù, sự phối hợp giữa chính quyền xã, Phòng Tài nguyên - Môi trường và Ban BTHT-TĐC chưa chặt chẽ, dẫn tới việc có nhiều thửa đất cạnh nhau nhưng giá đền bù lại khác nhau, khiến người dân cảm thấy không công bằng. Theo báo cáo của Ban BTHT-TĐC, đã có 92 đơn thư khiếu nại liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ, vị trí và loại đất để áp giá bồi thường, hiện đã giải quyết được 77 trường hợp, các trường hợp còn lại đang được tiếp tục giải quyết.

Trước tình hình trên, ngày 7-6-2010, UBND huyện Cam Lâm đã triệu tập cuộc họp giữa các ban, ngành có liên quan để tìm hướng tháo gỡ. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Xuân Hà - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm khẳng định, mọi quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo. Phòng Tài nguyên - Môi trường và Ban BTHT-TĐC phải phối hợp với chính quyền địa phương xem xét lại các trường hợp đền bù chưa thỏa đáng để giải quyết một cách hợp tình, hợp lý và sớm nhất.

LAM ĐIỀN