03:05, 28/05/2010

Cách giải quyết của Tòa án là thỏa đáng

Một lối đi được sử dụng chung hơn 20 năm, nhưng vì xích mích cá nhân, chủ sở hữu đã bít lại, không cho hàng xóm sử dụng. Chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Hai bên đưa nhau ra Tòa, Tòa án đã phân xử đúng sai, nhưng chủ sở hữu lại cho rằng Tòa xét xử không hợp lý…

Một lối đi được sử dụng chung hơn 20 năm, nhưng vì xích mích cá nhân, chủ sở hữu đã bít lại, không cho hàng xóm sử dụng. Chính quyền địa phương đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Hai bên đưa nhau ra Tòa, Tòa án đã phân xử đúng sai, nhưng chủ sở hữu lại cho rằng Tòa xét xử không hợp lý…

Cơ quan chức năng đang thi hành án
Tranh chấp lối đi giữa bất động sản liền kề là vấn đề thường xuyên xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, dù ở nông thôn hay thành thị. Người dân vì thiếu hiểu biết về pháp luật, hay chỉ vì những mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày… mà dẫn đến tranh chấp một cách gay gắt. Đó là trường hợp tranh chấp lối đi chung của hộ bà Lê Thị Thiêu và gia đình ông Đỗ Tất Vũ, trú thôn Vĩnh Phú, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm.

Năm 1975, gia đình bà Thiêu có sang nhượng một lô đất vườn cây có nhà tranh vách đất, trên đó có một con đường rộng khoảng 0,7m đi ra đường công cộng. Bà Thiêu có cho hàng xóm đi nhờ con đường này. Năm 1986, gia đình ông Đỗ Hữu Yên (bố của ông Vũ) sang nhượng lại lô đất trên từ người hàng xóm của bà Thiêu và vẫn tiếp tục sử dụng lối đi trên. Đến năm 2006, hai gia đình có mâu thuẫn (do ông Vũ mỗi lần uống rượu là gây sự với gia đình bà Thiêu) nên gia đình bà Thiêu đã bít con đường, không cho hộ ông Vũ đi nhờ qua đất nhà bà nữa. Hộ ông Vũ cho rằng bà Thiêu bít lối đi là việc làm vô lý, vì trước kia, khi bố ông (ông Yên) mua đất đã có sẵn lối đi này, nhưng do sơ suất khi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cán bộ địa chính đã nhập con đường này vào đất của bà Thiêu. Hộ bà Thiêu thì lại cho rằng lối đi này vốn nằm trong “sổ đỏ” nhà bà nên thuộc quyền định đoạt, sử dụng của gia đình bà. Do đó, bà Thiêu đã dùng chướng ngại vật (gỗ và dây thép gai) rào kín lối đi... Sự việc đã được UBND xã Suối Tân hòa giải nhiều lần, xã yêu cầu gia đình bà Thiêu mở lối đi cho hộ ông Vũ nhưng không thành. Cuối cùng, vì không có lối đi nên ông Vũ đưa vụ tranh chấp ra Tòa phân xử.

Theo bản án sơ thẩm số 38/2008/DS-ST ngày 7-11-2008 của Tòa án nhân dân huyện Cam Lâm xét xử dựa theo Điều 275 Bộ Luật Dân sự 2005 và Điều 131 Bộ Luật Tố tụng dân sự: Về mặt pháp lý, phần đất lối đi đang tranh chấp thuộc quyền sử dụng hợp pháp của hộ bà Thiêu. Nhưng qua xác minh, hộ ông Vũ bị bao bọc bởi những bất động sản liền kề nên không có lối đi ra đường công cộng. Việc ông Vũ yêu cầu mở lối đi trên đất của bà Thiêu là hợp lý, bởi lối đi này đã được sử dụng từ trước thời điểm tranh chấp hơn 20 năm. Theo đó, Tòa án đồng ý xác định diện tích lối đi cho gia đình ông Vũ là 44m2, đồng thời ông Vũ có nghĩa vụ phải thanh toán cho gia đình bà Thiêu số tiền 2,2 triệu đồng (theo biên bản định giá tài sản ngày 28-8-2008).

Tuy nhiên, sau khi án tuyên, hộ bà Thiêu kháng cáo đối với quyết định của bản án sơ thẩm, với lý do gia đình bà không đồng ý mở lối đi cho hộ ông Vũ. Tiếp theo đó, bản án phúc thẩm số 19/2009/DSPT ngày 20-3-2009 của Tòa án nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên quyết định phân xử theo như bản án sơ thẩm. Án tuyên là như vậy, nhưng gia đình bà Thiêu vẫn không tự nguyện tháo dỡ mở lối đi, buộc Cơ quan Thi hành án và chính quyền địa phương phải tiến hành cưỡng chế.

Theo quan điểm của chúng tôi, cách giải quyết trên của Tòa án là hoàn toàn hợp lý, đúng Luật Dân sự. Khoản 1, Điều 275 Bộ Luật Dân sự quy định: “Chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó. Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác…”.

Lẽ ra khi có mâu thuẫn, nếu các bên ngồi lại với nhau cùng thỏa thuận thì mọi chuyện sẽ được giải quyết êm đẹp. Nhưng do nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, nên khi có tranh chấp dù đơn giản, người dân đều đưa nhau ra Tòa để giải quyết. Dĩ nhiên, khi Tòa xét xử phải dựa trên luật pháp và không phải người dân nào cũng hiểu luật để chấp nhận đối với bản án đã tuyên.

TRẦN TÍN