07:05, 30/05/2010

Sức thuyết phục của một đại tá Công an

Suốt 9 năm trời, một công dân liên tục cản trở thi hành án dân sự khiến nhiều cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh và cả Trung ương phải tốn nhiều thời gian để xác minh, trả lời khiếu nại, vận động đương sự thi hành án, chấp hành quyết định xử lý hành chính…

Suốt 9 năm trời, một công dân liên tục cản trở thi hành án dân sự (THADS) khiến nhiều cơ quan chức năng từ huyện đến tỉnh và cả Trung ương phải tốn nhiều thời gian để xác minh, trả lời khiếu nại, vận động đương sự thi hành án, chấp hành quyết định xử lý hành chính… nhưng đều bất thành. Ngày cuối cùng trước khi diễn ra cuộc cưỡng chế kiên quyết, công dân đó đã phải tâm phục, khẩu phục sau một giờ đối mặt, lắng nghe những lời động viên thuyết phục thấu lý đạt tình của một đại tá Công an. Đoạn kết câu chuyện có hậu này là tòa nhà đúc 3 tầng không bị đập phá, tháo dỡ như phương án cưỡng chế đã vạch ra.

Từ kết quả thuyết phục của Đại tá Lê Văn Đài, ngôi nhà 3 tầng không bị cưỡng chế, phá dỡ.

Tiếp chuyện với chúng tôi, ông Lê Thanh Bình (trú 46 Lạc Long Quân, thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) bày tỏ sự cảm phục Đại tá Lê Văn Đài - Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh cùng các đồng sự mà ông đã tiếp xúc trước ngày cưỡng chế phá dỡ ngôi nhà đúc 3 tầng của mình. Có thể nói, trong lịch sử THADS ở Khánh Hòa, chưa có vụ nào phức tạp, kéo dài và gây đau đầu các nhà chức trách như vụ việc của ông Bình. Theo án phúc thẩm số 68/DSPT ngày 26-9-2000 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, ông Bình phải chia thừa kế cho ông Lê Văn Lân 108,7m2 đất có căn nhà tường gạch, mái tole và trả hơn 48 triệu đồng giá trị chênh lệch tài sản. Giữa tháng 7-2001, THADS huyện Diên Khánh cưỡng chế, giao nhà đất cho ông Lân, đồng thời kê biên nhà đất 188,3m2 của ông Bình được phân chia thừa kế, thi hành phần tiền phải trả thêm để bán đấu giá. Thế nhưng suốt 9 năm sau đó, Cơ quan Thi hành án không thể nào cưỡng chế giao nhà đất cho người trúng đấu giá là bà Lê Thị Kim Liên (176 Lạc Long Quân, thị trấn Diên Khánh), vì ông Bình liên tục khiếu kiện, cản trở. Thậm chí giữa năm 2007, ông Bình còn tháo dỡ căn nhà đã kê biên bán đấu giá để xây dựng căn nhà đúc kiên cố 3 tầng. Chính quyền địa phương nhiều lần lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm hành chính (VPHC), buộc khôi phục nguyên trạng nhưng đương sự phớt lờ. Việc cưỡng chế giao nhà cho người trúng đấu giá cũng phải tạm hoãn nhiều lần vì Tổng cục THADS, Viện Kiểm sát nhân dân, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp… lần lượt vào cuộc nghiên cứu hồ sơ và chỉ đạo kiên quyết cưỡng chế, nhưng đến lúc đó ông Bình đã xây dựng xong căn nhà đúc

3 tầng.

Ngày 18-9-2008, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh ban hành quyết định xử phạt VPHC, buộc ông Bình tháo dỡ nhà xây dựng trái phép. Hàng loạt động tác mềm dẻo đã được vận dụng, kết hợp hướng dẫn, tạo điều kiện cho ông Bình thỏa thuận với người trúng đấu giá nhà đất để tìm giải pháp có lợi đôi bên, nhưng ông bất hợp tác. Ngày 21-12-2009, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử lý VPHC. Phương án cưỡng chế vào ngày 8-1-2010 đã được triển khai chặt chẽ, tính toán từng biện pháp xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Nhìn ngôi nhà đúc 3 tầng với chi phí xây dựng gần 1 tỷ đồng, không riêng các thành viên trong Hội đồng cưỡng chế mà rất nhiều người dân đều tiếc rẻ nếu phá dỡ, nhưng kỷ cương pháp luật phải nghiêm minh, không thể để một công dân chống đối pháp luật suốt 9 năm và ngang nhiên xây nhà ngay trên đất đã kê biên, bán đấu giá. Vốn là một sĩ quan Công an có nhiều trải nghiệm, Đại tá Lê Văn Đài - Phó Trưởng Công an huyện Diên Khánh đã nhiều đêm trăn trở khi nghĩ tới số phận ngôi nhà của ông Bình. Phá dỡ ngôi nhà nghĩa là “đốt” mất tiền tỷ, đó là chưa tính đến chi phí cưỡng chế cả trăm triệu đồng.

Suy nghĩ đó đã thôi thúc Đại tá Đài trực tiếp đến nhà đương sự khi thời hạn cưỡng chế chỉ còn 20 giờ. Ông Bình kể: “Lần đầu tiên tôi được gặp một cán bộ lãnh đạo Công an huyện nói chuyện nhẹ nhàng, chân tình nhưng sâu sắc và có sức thuyết phục cả tình, lẫn lý. Ông Đài phân tích thiệt hơn nếu cuộc cưỡng chế xảy ra và hứa sẽ đề xuất Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh cùng tác động gia đình bà Lê Thị Kim Liên thương lượng cho tôi chuộc lại thửa đất đã kê biên, bán đấu giá với mức hợp lý nhất. Kết thúc cuộc trò chuyện, ông Đài gửi lại lời hẹn sẽ tiếp tôi vào đầu giờ chiều cùng ngày nếu tôi chấp nhận những lời động viên của ông”. Tiễn Đại tá Đài ra cửa, những lời khuyên chân thành của vị sĩ quan Công an khiến ông Bình phải vắt óc suy nghĩ và thấu hiểu rằng, tuy phải chuộc lại đất bằng một khoản tiền lớn, nhưng tinh thần ông và vợ con nhẹ nhàng hơn khi phải đối mặt với một cuộc cưỡng chế quyết liệt sắp diễn ra. Cuối cùng, ông Bình chủ động tìm Đại tá Đài rồi cùng tới gặp Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh để tìm giải pháp thương lượng để bảo toàn ngôi nhà 3 tầng. Đúng hẹn, số tiền 1,4 tỷ đồng đã được ông Lê Thanh Bình chuyển giao cho bà Lê Thị Kim Liên trước sự chứng kiến của các cơ quan chức năng. Điều gì đã khiến cho ông Lê Thanh Bình sau 9 năm kiên quyết chống đối pháp luật, nhưng chỉ sau một giờ trò chuyện với Đại tá Lê Văn Đài, ông đã chấp nhận sửa sai? Thượng tá Đinh Hồng Nghiệp - Trưởng Công an huyện Diên Khánh “bật mí”, ngoài việc phân tích thấu tình đạt lý bằng khả năng trò chuyện giàu sức thuyết phục, ông Đài đã chọn đúng thời điểm để tiếp cận vận động ông Bình bằng tấm lòng, tình cảm và trách nhiệm của một sĩ quan Công an có nhiều kinh nghiệm trong công tác cảm hóa giáo dục. Mặt khác, lực lượng Công an cũng đã xác định được hành tung của một số đối tượng “té nước theo mưa” để chủ động vô hiệu hóa, không để họ kích động gia đình ông Bình thực hiện những hành vi tiêu cực trước, trong và sau khi cưỡng chế.

PHAN THẾ HỮU TOÀN