04:05, 17/05/2010

Chế tài nặng là điều cần thiết

Ngày 2-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 34/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thay đổi quan trọng nhất của NĐ 34 chính là mức phạt rất cao so với thu nhập trung bình của người dân (thậm chí ở các thành phố lớn, Chính phủ còn cho phép phạt cao hơn).

Ngày 2-4-2010, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 34/NĐ-CP về việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thay đổi quan trọng nhất của NĐ 34 chính là mức phạt rất cao so với thu nhập trung bình của người dân (thậm chí ở các thành phố lớn, Chính phủ còn cho phép phạt cao hơn). Chỉ còn 3 ngày nữa là NĐ này chính thức đi vào cuộc sống. Vậy tại sao lại có mức xử phạt “khủng” như vậy, và điều đó có thật cần thiết?

Anh Nguyễn Văn Tám, tài xế xe ôm tại ngã ba Ngọc Hiệp (Nha Trang) tỏ ra ngạc nhiên khi được hỏi về mức xử phạt mới. Anh cho biết: “Hồi giờ tui chạy xe cũng ít bị phạt, nếu lỡ bị Cảnh sát giao thông (CSGT) “vịn”, tui năn nỉ xin tha chứ dân xe ôm có tiền đâu mà nộp phạt”. Còn anh Nguyễn Văn Hùng (trú tổ 1, Vĩnh Điềm, Ngọc Hiệp), tài xế xe khách tuyến Bắc Nam thì lắc đầu ngán ngẩm: “Hồi giờ, tôi chạy xe cũng vi phạm ít nhiều. Nếu bị CSGT “thổi” thì tùy tình hình để xử lý, nhưng bình thường tôi cũng “nộp phạt trực tiếp” để đi, chứ bị giữ bằng, giam xe thì coi như tiêu”. Một số đối tượng công chức khác thì tỏ ra hoan nghênh mức xử phạt cao, vì có như thế mới nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho mọi người. Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn là đường sá bây giờ chật hẹp quá, nhiều khi muốn đi đúng luật cũng khó; nếu vi phạm, bị phạt cao quá thì ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

Như vậy, trước khi NĐ 34 được áp dụng vào thực tế, nhiều người dân vẫn chưa biết, thờ ơ. Một số người thì lo ngại về những tiêu cực có thể phát sinh, nhưng phần lớn đều hoan nghênh về mức xử phạt này và cho rằng đó là điều cần thiết.

Nguyên nhân từ đâu?

Tình trạng mất an toàn giao thông ở nước ta luôn nằm trong tình trạng báo động. Số người chết hàng năm do tai nạn giao thông luôn ở mức cao. Hậu quả của tình trạng này rất nặng nề. Xã hội mất đi nguồn lao động, tài sản thiệt hại cũng rất lớn. Đó là chưa kể những hậu quả xã hội tuy vô hình nhưng rất lớn do tai nạn giao thông để lại. Trước thực trạng này, các cơ quan quản lý đã vào cuộc và ban đầu cũng chỉ ra nguyên nhân. Về cơ bản, đó là tình trạng hạ tầng cơ sở về giao thông đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu giao thông của xã hội. Điều đó dẫn đến việc ý thức của người tham gia giao thông còn kém. Họ không ý thức việc chấp hành luật trước hết là tự bảo vệ bản thân, sau đó mới là bảo đảm an toàn cho cả xã hội. Nhiều người chỉ mong sao cho nhanh, có lợi cho bản thân mà quên đi quy tắc giao thông. Cùng với việc các cơ quan chức năng không đủ lực lượng để phát hiêïn và xử phạt các lỗi vi phạm khiến cho tình trạng giao thông thêm hỗn loạn. Trước đây, cơ quan chức năng đã quy định về việc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển mô tô, xe máy, nhưng số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ tai nạn vẫn không giảm nhiều như mong đợi. Bởi, nếu đội mũ bảo hiểm mà vẫn đi sai luật thì tai nạn cũng có thể xảy ra.

Như vậy, để kềm chế tai nạn giao thông phải làm đồng bộ 2 vấn đề, nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Về cơ sở hạ tầng, hiện Nhà nước đang cân nhắc việc thu phí sửa chữa duy tu đường bộ để tạo nguồn kinh phí, nhưng việc triển khai hẳn sẽ khó khăn. Vì thế, biện pháp đơn giản hơn là nâng cao ý thức của người dân. Tuy nhiên, do lâu nay công tác tuyên truyền không hiệu quả nên các cơ quan chức năng chỉ còn cách xử phạt thật nặng. Đó là lý do có sự thay đổi rất lớn về mức phạt trong NĐ mới. Mức phạt này thể hiện quan điểm rất rõ ràng của Nhà nước, đó là sử dụng hình phạt nặng để răn đe. Rõ ràng, một khi ý thức của người tham gia giao thông quá kém và đã “lờn” với mọi thứ thuốc, thì một “liều đặc trị” là điều cần thiết. Trở lại với anh Tám xe ôm, khi được hỏi nếu CSGT phạt nặng thì có sợ?, anh thẳng thắn: “Lâu nay, mình chạy ẩu vì mấy ổng ít phạt, chứ nếu mấy ổng xử nặng thì mình cũng ráng chạy cho đúng, chứ không là mất “nồi gạo”.

Chế tài nặng ắt hẳn hiệu quả sẽ cao, nhưng với điều kiện là việc thực thi phải tốt. Đó cũng là điều mà người dân rất quan tâm. Hiện nay, hiện tượng tiêu cực trong lực lượng CSGT không phải là không có. Theo một logic thông thường, người ta có quyền suy luận, mức xử phạt nhẹ đã thế, nếu nặng hơn thì khác nào “chắp cánh cho hổ”. Do đó, để NĐ 34/CP phát huy đúng tác dụng, trách nhiệm của lực lượng chức năng là rất nặng nề trong việc bảo đảm áp dụng pháp luật công bằng, chính xác và hạn chế thấp nhất việc các “con sâu” lợi dụng NĐ để “đòi thêm hối lộ” của người vi phạm.

LÊ MINH