06:05, 05/05/2010

Nhận định chính xác, quyết định kịp thời, sử dụng biện pháp nghiệp vụ hiệu quả

Cuối tháng 11-2009, tại xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) xảy ra vụ án mạng. Người bị giết hại là bà Nguyễn Thị Tỵ, sinh năm (SN) 1940. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo chuyên án, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Công an, nên chỉ trong 7 ngày, vụ án đã được làm rõ, bắt được hung thủ. Từ chuyên án này, cơ quan Công an rút ra một số kinh nghiệm.

Cuối tháng 11-2009, tại xã Ninh Thọ, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) xảy ra vụ án mạng. Người bị giết hại là bà Nguyễn Thị Tỵ, sinh năm (SN) 1940. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo chuyên án, sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Công an, nên chỉ trong 7 ngày, vụ án đã được làm rõ, bắt được hung thủ. Từ chuyên án này, cơ quan Công an rút ra một số kinh nghiệm.

. Nhìn lại diễn biến vụ án

Khoảng 6 giờ ngày 21-11-2009, chị Nguyễn Thị Bích Thảo, SN 1981, từ nhà chồng tại thôn Ninh Ích, Ninh An, Ninh Hòa về nhà mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Tỵ tại thôn Xuân Phong, Ninh Thọ, Ninh Hòa, thì phát hiện mẹ chết trong nhà, trên người có nhiều vết thương.

Trần Thị Thúy Phượng
Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, các đơn vị PC14, PC21, Công an huyện Ninh Hòa đã cử lãnh đạo và 20 cán bộ điều tra viên, trinh sát, kỹ thuật viên đến hiện trườngï. Qua khám nghiệm hiện trường và tử thi, xác định đây là vụ án giết người - cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng, nạn nhân bị giết một cách dã man, tại chỗ.

Ngày 23-11-2009, Công an tỉnh đã xác lập chuyên án mang bí số 119G, do Đại tá Trần Quang Họa, Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng ban chuyên án; Trưởng phòng PC14 làm Phó ban, lãnh đạo PC21, Công an huyện Ninh Hòa làm ủy viên.

Trong lúc lực lượng khám nghiệm hiện trường thu lượm dấu vết, tiến hành phân tích dấu vết tại hiện trường; Phòng PV27 tra cứu tài liệu trong tàng thư, thì điều tra viên và trinh sát tiến hành phát động quần chúng tại nhà cộng đồng để quần chúng tố giác tội phạm, thu thập thông tin liên quan. Đồng thời tiến hành sàng lọc hàng trăm đối tượng hình sự trên địa bàn. Lực lượng trinh sát thành lập 3 tổ, phối hợp với Công an xã, dân quân, cán bộ tổ an ninh nhân dân các xã mật phục chốt chặn tại 3 địa điểm: Ninh Thọ, Ninh Sơn và Vạn Hưng.

Đến chiều 26-11, Ban chuyên án đã xác định được đối tượng gây án. Lệnh bắt và khám xét khẩn cấp nơi ở của Trần Thị Thúy Phượng, SN 1961, trú Xuân Phong, Ninh Thọ, Ninh Hòa được thi hành. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã thu được các vật chứng rất quan trọng chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng là quần áo và tiền có dính máu.

Công tác đấu tranh trực diện với đối tượng gặp không ít khó khăn, vì Phượng rất ngoan cố. Nhưng bằng các biện pháp sắc bén và tài liệu thu thập được, đến chiều 27-11-2009, Phượng đã cúi đầu khai nhận hành vi phạm tội của mình: Khoảng 19 giờ ngày 20-11-2009, Phượng đến nhà bà Tỵ để vay 2 triệu đồng chuẩn bị đám cưới cho con gái, nhưng bà Tỵ nói không có. Phượng đứng dậy nói đi về. Bà Tỵ cũng đứng dậy để đóng cửa. Lúc này, Phượng nảy sinh ý định giết bà Tỵ để cướp tài sản. Phượng đến sau lưng bà Tỵ, dùng 2 tay cầm 2 bên hông chiếc ghế xếp đập liên tiếp vào vùng đầu bà Tỵ làm bà ngã sấp dưới nền nhà. Phượng tiếp tục dùng ghế đập vào vùng đầu bà Tỵ. Thấy bà Tỵ vẫn còn cử động, Phượng đến đầu tủ lạnh đặt ở nhà dưới, lấy 1 con dao nhọn, rồi đâm liên tiếp nhiều nhát vào vùng cổ và đầu bà Tỵ, làm bà chết tại chỗ. Khi thấy bà Tỵ đã chết, Phượng lục túi bà Tỵ lấy chùm chìa khóa, đến kệ tủ đựng ly lấy 1 đèn pin rồi mở cửa tủ thờ, soi đèn pin lục, tìm kiếm tài sản và lấy được trong tủ 5,2 triệu đồng. Rồi Phượng vào phòng ngủ của Nguyễn Thị Bích Thảo (con gái bà Tỵ), lục ví của Thảo lấy 100.000 đồng. Sau đó, Phượng đi ra ngoài, giấu dao tại mảnh ruộng gần nhà bà Tỵ rồi đi về nhà. Trên đường đi, Phượng vứt chùm chìa khóa xuống ruộng và giấu đèn pin ở khu vực phía sau vườn nhà ông Hạng rồi về nhà cất giấu số tiền cướp được, sau đó tắm rửa và đi ngủ.

Như vậy, sau đúng 7 ngày kể từ khi phát hiện vụ án, Ban chuyên án đã làm rõ toàn bộ vụ án, bắt giam đối tượng gây án, tạo được niềm tin cho quần chúng nhân dân địa phương.

. Những điều rút ra

Đây là vụ trọng án gặp nhiều khó khăn trong công tác điều tra do địa điểm gây án giáp ranh với nhiều xã như Ninh An, Ninh Hải của huyện Ninh Hòa và xã Vạn Hưng của huyện Vạn Ninh; lại gần tuyến Quốc lộ 1A nên việc tập trung, khoanh vùng rà soát đối tượng nghi vấn cũng khó khăn. Nạn nhân lại có hai người chồng, trong cuộc sống có quan hệ làm ăn, cho vay mượn tiền, vàng với nhiều thành phần trong xã hội, một số con nợ bị phá sản phải bỏ địa phương đi sinh sống nơi khác.

Công tác chỉ đạo của Trưởng ban chuyên án sát sao, từ công tác xác minh ban đầu, đến xác lập chuyên án, quyết định phá án đúng đắn và kịp thời. Lãnh đạo các đơn vị PC14, PA21, Công an huyện Ninh Hòa có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, nên sự phối hợp giữa các lực lượng đồng bộ. Các đơn vị nghiệp vụ của tỉnh làm việc không kể giờ giấc cũng góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra vụ án.

Công tác bảo vệ hiện trường được Công an và chính quyền xã Ninh Thọ quan tâm, không bị xáo trộn, nên cơ quan chuyên môn khám nghiệm thu thập khá đầy đủ dấu vết, góp phần phục vụ đắc lực cho công tác điều tra.

Trên cơ sở tổng hợp tình hình, đánh giá dấu vết, chứng cứ ở hiện trường vụ án, cùng với kinh nghiệm đánh án mà Ban chỉ đạo chuyên án đã đưa ra những nhận định đúng như: nhận định đối tượng không phải là người lao động tay chân nặng nhọc, có thể là phụ nữ còn trẻ. Thực tế, Phượng là người nội trợ trong gia đình, không làm công việc nặng nhọc. Về thời gian gây án khoảng từ 20 - 21 giờ (thức ăn trong dạ dày nạn nhân chưa nhuyễn). Thực tế, Phượng đã đến nhà bà Tỵ vào khoảng 19 giờ 30, sau khi ngồi nói chuyện với bà Tỵ khoảng 30 phút thì mới ra tay sát hại bà Tỵ. Đối tượng gây án có quan hệ với nạn nhân, nên phải giết chết nạn nhân để bịt đầu mối (căn cứ 18 vết thương trên người nạn nhân). Thực tế bà Tỵ là cô họ phía chồng của Phượng.

Những nhận định chính xác đã giúp Ban lãnh đạo chuyên án đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời. Việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ rất hiệu quả, trong đó công tác khám nghiệm hiện trường chặt chẽ, thu thập dấu vết đầy đủ; việc sàng lọc đối tượng kể cả trong tàng thư và ngoài xã hội nhanh chóng; đồng thời chú trọng biện pháp vận động quần chúng, vừa trấn an dư luận, vừa thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra, bắt gọn hung thủ trong thời gian ngắn nhất.

Chỉ sau 7 ngày điều tra, khi Cơ quan điều tra Công an tỉnh áp giải Trần Thị Thúy Phượng lên xe, người dân làng Xuân Phong vẫn chưa hết bàng hoàng, phần vì cái chết thương tâm của bà Tỵ, phần vì khâm phục tài điều tra của lực lượng Công an tỉnh.

HOÀNG LẬP