06:04, 20/04/2010

Nhiều người còn chưa biết

Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được Chính phủ ban hành ngày 2-4, sẽ có hiệu lực từ ngày 20-5-2010. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người tham gia giao thông nắm được nội dung cơ bản của văn bản này. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành khi NĐ chính thức có hiệu lực là rất quan trọng.

Nghị định (NĐ) số 34/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được Chính phủ ban hành ngày 2-4, sẽ có hiệu lực từ ngày 20-5-2010. Tuy nhiên, cho đến nay, rất ít người tham gia giao thông (TGGT) nắm được nội dung cơ bản của văn bản này. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành khi NĐ chính thức có hiệu lực là rất quan trọng.

Nghị định mới sẽ làm mọi người có ý thức chấp hành Luật Giao thông nghiêm chỉnh hơn trước

NĐ 34/2010/NĐ-CP có nhiều thay đổi so với NĐ số 146, cụ thể như: Tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, trong đó, áp dụng mức phạt tăng từ 40 - 200% đối với các đô thị đặc biệt; tăng thẩm quyền xử lý đối với các lực lượng chức năng… Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm sẽ làm thay đổi nhận thức của mọi người, từ đó chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật trên lĩnh vực giao thông đường bộ. Trên thực tế, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hiện nay phần lớn đều do ý thức kém từ người điều khiển phương tiện. Vì vậy, khi nhận thức nâng lên sẽ hạn chế được tai nạn, đồng thời cơ sở hạ tầng giao thông cũng được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, với tình trạng hạ tầng giao thông như hiện nay, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý và xử lý công bằng tất cả các vi phạm. Anh Lê Văn Bảy - người lái xe ôm cho biết: “Tôi chỉ mới nghe phong phanh về NĐ 34 nên chưa nắm rõ. Nếu phạt hành chính cao hơn NĐ cũ sẽ tăng sự nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, giao thông ở Việt Nam là giao thông hỗn hợp, mỗi loại phương tiện có tốc độ khác nhau, do đó phải xử lý một cách bình đẳng”.

NĐ 34 quy định xử phạt riêng cho từng loại phương tiện như: xe đạp, xe máy, ô tô, xe khách…, kể cả người đi bộ cũng có quy định xử phạt. Ví dụ, người điều khiển ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ) bị phạt từ 600 - 800 ngàn đồng, trong khi mức phạt trước đây chỉ từ 200 - 400 ngàn đồng. Cũng với vi phạm này, mức phạt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy vẫn giữ nguyên 100 - 200 ngàn đồng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, trên địa bàn TP. Nha Trang, rất ít người biết đến nội dung NĐ, trong đó, có những người thường xuyên TGGT như: người chạy xe ôm, tài xế taxi… Đây là những đối tượng chịu tác động lớn nhất khi NĐ 34 có hiệu lực. Anh Nguyễn Văn Ban - tài xế taxi bày tỏ: “Chúng tôi chưa biết gì về NĐ mới, nhưng sắp tới chắc phải tìm hiểu thật kỹ”. Theo NĐ 34, người điều khiển ô tô mà chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe hoặc trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị… sẽ bị phạt tới 500 ngàn đồng, cao hơn 2,5 lần so với mức phạt cũ.

Một trong những điểm mới của NĐ này là quy định việc đội mũ bảo hiểm (MBH) không cài quai đúng quy định khi TGGT cũng bị phạt từ 100 - 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, với trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách thì không phạt. Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp máy không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách cũng bị phạt từ 100 - 200 ngàn đồng. Đối với người điều khiển mô tô, sẽ bị phạt đến 200 ngàn đồng nếu chở thêm 2 người, trừ trường hợp chở người bệnh cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật… Mức phạt này tăng gấp đôi so với quy định trước đây. Độ tuổi trẻ em được chở kèm cũng tăng gấp đôi (trước kia là từ 7 tuổi trở xuống, nay là 14 tuổi trở xuống).

Với mức độ gia tăng phương tiện hơn 10%/năm như hiện nay, cùng với ý thức kém của người TGGT, cơ sở hạ tầng giao thông không phát triển kịp… đang làm cho tình hình trật tự, an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, việc tăng cường chế tài trong xử lý các vi phạm về giao thông sẽ góp phần nâng cao nhận thức của mọi người khi TGGT. Tuy nhiên, để NĐ 34 đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân biết và chấp hành.

NHÃ UYÊN