03:04, 12/04/2010

“Chết” vì thiếu hiểu biết

Thời gian gần đây, trong các giao dịch vay tiền bên ngoài có hiện tượng bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký hợp đồng sang nhượng động sản, bất động sản có giá trị lớn để làm tin thì mới chịu cho vay. Người đi vay đang ở thế kẹt nên đành phải chấp nhận với hy vọng sự việc sẽ tốt đẹp vì thực sự giữa hai bên đều có mối quan hệ quen biết, thậm chí là rất tin tưởng. Nhưng nhiều vụ đã phải đưa ra Tòa để phân xử. Đây là dấu hiệu đáng báo động về tình trạng lách luật trong các giao dịch dân sự…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, trong các giao dịch vay tiền bên ngoài có hiện tượng bên cho vay yêu cầu bên vay phải ký hợp đồng sang nhượng động sản, bất động sản có giá trị lớn để làm tin thì mới chịu cho vay. Người đi vay đang ở thế kẹt nên đành phải chấp nhận với hy vọng sự việc sẽ tốt đẹp vì thực sự giữa hai bên đều có mối quan hệ quen biết, thậm chí là rất tin tưởng. Nhưng nhiều vụ đã phải đưa ra Tòa để phân xử. Đây là dấu hiệu đáng báo động về tình trạng lách luật trong các giao dịch dân sự…

Anh Nguyễn Văn M. thành lập công ty chuyên về  xây dựng. Trước đây, làm ăn thuận lợi nên anh mua được một căn nhà rất đẹp ở trung tâm thành phố. Anh đã thế chấp nhà để vay tiền ngân hàng cho hoạt động của công ty. Trong thời gian kinh tế suy thoái, công ty thua lỗ và rất cần vốn để hồi phục, anh quyết định vay bên ngoài. Tuy nhiên, do sổ đã để trong ngân hàng nên anh bàn bạc với bên cho vay và cả 2 bên đi đến thống nhất: nhà của anh trị giá 7 tỷ đồng nhưng chỉ vay được 3 tỷ đồng từ ngân hàng, nay anh làm hợp đồng vay 6 tỷ đồng. Anh sẽ dùng 3 tỷ đồng trả ngân hàng để lấy sổ ra. Sau đó, để làm tin với bên cho vay, anh sẽ làm một hợp đồng bán nhà bán căn nhà trên cho bên vay với giá 6 tỷ đồng (bằng với giá trên hợp đồng vay). Nếu đến hạn (theo hợp đồng vay) mà anh không trả tiền thì mất nhà. Trong giao dịch này, vay tiền mới là nội dung chính, còn sang nhượng nhà chỉ là hình thức (tương đương với hình thức thế chấp). Trường hợp của chị H.V cũng tương tự. Do quá cần vốn trong khi nhà đất chưa bán được (vì lúc ấy giá nhà đất đang bị “đóng băng”) chị cũng đành chấp nhận điều kiện của bên cho vay: làm giấy sang nhượng 3 lô đất của mình để được vay. Khi đến hạn, chị thanh toán đầy đủ và yêu cầu bên vay làm thủ tục sang tên cho chị.

Những trường hợp như anh M., chị V. không hiếm. Trong những kiểu giao dịch thế này, tin tưởng nhau là điều quan trọng nhất, và hầu hết họ đều rất tin tưởng nhau. Mọi chuyện sẽ không có gì nếu sau đó bên cho vay không “lật lọng”. Ở trường hợp anh M., họ nói rằng hợp đồng mua bán nhà mới là hợp đồng thật và lúc đó coi như anh M. đã bán rẻ căn nhà của mình cả tỷ đồng. Trường hợp chị V. còn thê thảm hơn, khi được biết bên cho vay bán đất cho người khác chứ không chịu sang tên cho mình, chị mới “tá hỏa” trước nguy cơ mất trắng 3 lô đất. Trong cả 2 trường hợp, nếu có đưa ra Tòa, pháp luật cũng khó lòng bảo vệ họ bởi chính họ đã ký vào những giấy tờ rất bất lợi cho mình và ngặt một nỗi là chúng đều được công chứng hẳn hoi theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu căn cứ vào các chứng cứ đưa ra, rất khó để xác định sự thật bởi hợp đồng giả thì được làm thật, còn hợp đồng thật thì lại nói miệng với nhau hoặc cũng chỉ 2 bên biết. Vì thế, giả sử thẩm phán biết được sự thật khách quan của vụ án thì cũng rất khó xử, bởi nếu xử theo sự thật khách quan thì phải bỏ qua các chứng cứ hợp pháp, còn nếu làm ngược lại thì rõ ràng sẽ xử không đúng.

Một cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp cho biết: Gần đây, do ngân hàng thắt chặt các thủ tục cho vay nên việc vay vốn trở nên rất khó khăn. Vì thế, giao dịch vay tiền ngoài xã hội cũng biến tướng theo. Do không cần kiểm tra người vay sử dụng vốn để làm gì nên người cho vay bắt buộc phải “nắm đằng cán”, tức là họ sẽ yêu cầu bên vay thế chấp tài sản có giá trị lớn. Ông đánh giá: Vay ngoài dễ hơn, nhanh hơn nhưng lãi suất, rủi ro đều cao hơn. Nhưng người vay tiền (đa số đều trong thế cấp bách) vẫn chấp nhận các điều kiện của bên cho vay. Dựa vào đó, người cho vay tìm cách ép người vay và hậu quả rất

khó lường.

Vậy tại sao người vay không thế chấp tài sản mà lại làm giấy bán để gặp bất lợi? Một luật sư cho biết: Do việc vay vốn hiện nay rất khó nên bên cho vay lợi dụng tâm lý đó để ép bên vay. Một phần có thể thiếu hiểu biết, nhưng một phần là do có sự tin tưởng lẫn nhau nên đã ký những hợp đồng như vậy.

Như vậy, xét ở góc độ pháp lý, những giao dịch này đều là giao dịch vô hiệu vì không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luâït dân sự. Các bên tham gia ký kết các giao dịch một đằng nhưng lại có ý chí một nẻo. Thậm chí, không loại trừ yếu tố gian dối trong dân sự. Những giao dịch kiểu này rõ ràng là trái pháp luật và cần bị xử lý.

Tuy nhiên, nhận diện đúng bản chất của từng vụ việc không hề đơn giản. Thực tế đã có rất nhiều trường hợp, bên bán nhà cảm thấy tiếc (vì giá trị nhà đất tăng chẳng hạn), muốn lấy lại tài sản hoặc hủy giao dịch nên tìm cách đặt ra những trường hợp tương tự để yêu cầu Tòa án xét xử. Vì thế, nếu không bám vào chứng cứ và tìm hiểu kỹ bản chất vụ án thì rất dễ gây ra oan sai.

Trước thực tế đáng báo động này, ngoài việc các cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh, mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch cũng cần tỉnh táo, tuân thủ pháp luật để tránh lâm vào những trường hợp tương tự.

LÊ MINH