05:04, 20/04/2010

Làm gì nếu nghi có di chúc giả?

- Hỏi: Ông bà nội tôi có làm một tờ di chúc vào năm 1994 với nội dung: “phần đất hương hỏa để lại cho người con út A thừa kế. Mỗi người con còn lại được hưởng một nền nhà có diện tích như nhau. Phần đất ông A được thừa kế sẽ không được bán, sang nhượng, chia cho ai…

 - Hỏi: Ông bà nội tôi có làm một tờ di chúc vào năm 1994 với nội dung: “phần đất hương hỏa để lại cho người con út A thừa kế. Mỗi người con còn lại được hưởng một nền nhà có diện tích như nhau. Phần đất ông A được thừa kế sẽ không được bán, sang nhượng, chia cho ai… với bất kỳ hình thức nào, chỉ được thu huê lợi để chăm lo việc thờ cúng ông bà. Nếu ông A không đảm đương  trách nhiệm này và bê tha trong thờ cúng thì anh em họp lại để bầu chọn người khác, khi đó, ý kiến đa số sẽ có hiệu lực thay cho tờ di chúc này”. Năm 1998, ông nội tôi qua đời. Năm 2005, bà nội tôi cũng qua đời. Gần đây, ông A đã chia lô bán đất và cho thuê mặt tiền nhà mà không hỏi ý kiến của anh em trong gia đình. Khi được hỏi thì ông A chỉ đưa bản phô-tô di chúc, trong đó có rất nhiều điểm đáng nghi vấn. Khi chúng tôi khiếu nại thì chỉ được hòa giải theo bản di chúc phô-tô (phần đất đó thuộc sở hữu chung của cô, chú tôi). Vậy xin hỏi, việc làm của ông A có hợp pháp? Chúng tôi phải làm gì để được xem bản chính tờ di chúc? Nếu di chúc có chỉnh sửa thì sao? Chúng tôi có quyền kiện ra Tòa để đòi chia di sản thừa kế?

Hatrang lanvy-laanhtuyet@yahoo.com

- Trả lời: Theo như trình bày của bạn thì ông bà nội có để lại di chúc chung của vợ chồng và di chúc này có hiệu lực khi bà nội bạn chết năm 2005. Về nguyên tắc, sau thời điểm mở thừa kế, người công bố di chúc phải sao gửi di chúc tới mọi người liên quan đến nội dung di chúc. Người nhận bản sao di chúc có quyền yêu cầu đối chiếu với bản gốc của di chúc. Như vậy, trong trường hợp này, ông A không cung cấp bản chính của di chúc là vi phạm pháp luật.

Về sự khác nhau của nội dung di chúc, ông bà nội bạn có quyền để lại nhiều bản di chúc nhưng bản di chúc cuối cùng mới có giá trị pháp lý, vì vậy nếu bản phô-tô khác với những nội dung bạn đã biết thì điều đó không hẳn là trái pháp luật mà cần phải đối chứng với bản gốc mới kết luận tính pháp lý của bản di chúc. Nhưng nếu có dấu hiệu sửa đổi di chúc (chính thức) thì hành vi đó sẽ phải chịu xử lý theo quy định pháp luật. Theo nội dung bản di chúc phô-tô, có nhiều người là đồng sở hữu di sản, vì vậy việc ông A tự định đoạt và thu hoa lợi trên tài sản chung là trái pháp luật. Gia đình bạn nên tổ chức họp để phân chia di sản theo di chúc. Nếu các bên không thỏa thuận được thì có thể nhờ Tòa án can thiệp.

Luật gia MINH HƯƠNG