06:04, 13/04/2010

Làm chứng sai sự thật, xử lý sao?

- Hỏi: Trong một vụ án dân sự, do có nhận tiền của nguyên đơn, một người họ hàng của gia đình tôi được Tòa mời làm chứng đã khai báo sai sự thật khiến gia đình tôi bị Tòa án xử oan. Chúng tôi không đồng tình với bản án nhưng phải chấp hành và chia đất cho phía nguyên đơn. Mới đây, khi kiểm tra lại tài liệu cũ, chúng tôi phát hiện một tài liệu quan trọng cho thấy lời khai của người làm chứng sai sự thật. Xin hỏi, chúng tôi có thể làm gì, người làm chứng bị xử lý thế nào trong trường hợp này?

- Hỏi: Trong một vụ án dân sự, do có nhận tiền của nguyên đơn, một người họ hàng của gia đình tôi được Tòa mời làm chứng đã khai báo sai sự thật khiến gia đình tôi bị Tòa án xử oan. Chúng tôi không đồng tình với bản án nhưng phải chấp hành và chia đất cho phía nguyên đơn. Mới đây, khi kiểm tra lại tài liệu cũ, chúng tôi phát hiện một tài liệu quan trọng cho thấy lời khai của người làm chứng sai sự thật. Xin hỏi, chúng tôi có thể làm gì, người làm chứng bị xử lý thế nào trong trường hợp này?

NGUYỄN VĂN HIỀN (Diên Toàn, Diên Khánh, Khánh Hòa)

- Trả lời: Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự, người làm chứng phải khai báo trung thực những tình tiết mà mình biết được có liên quan đến việc giải quyết vụ án. Họ phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình (trừ người làm chứng là người chưa thành niên). Trường hợp người làm chứng khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật, từ chối khai báo hoặc khi được Tòa án triệu tập mà vắng mặt không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, luật cũng quy định người làm chứng phải bồi thường thiệt hại và chịu trách nhiệm trước pháp luật do khai báo sai sự thật gây thiệt hại cho đương sự hoặc cho người khác.

Như vậy, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi làm chứng sai sự thật mà bị xử lý phù hợp, nặng thì có thể khởi tố theo pháp luật hình sự, nhẹ thì có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường theo pháp luật dân sự. Trong trường hợp này, nếu có chứng cứ mới có thể thay đổi nội dung vụ án thì ông có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân Tối cao xem xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm. Kết quả tái thẩm cũng là cơ sở để xử lý hành vi khai báo gian dối của người làm chứng.

Luật gia MINH HƯƠNG