08:04, 29/04/2010

Cấm tiếp xúc để tránh bạo lực gia đình

- Hỏi: Cháu tôi có một người chồng rất vũ phu. Anh ta thường xuyên đánh đập vợ nhưng lại rất kín, không để ai biết. Cho nên cháu tôi không dám báo cho cơ quan, đoàn thể biết vì sợ anh ta chối rồi sau đó còn hành hạ ghê gớm hơn. Hiện cháu tôi đã bỏ trốn về nhà mẹ đẻ và muốn ly hôn nhưng anh ta không chịu và truy lùng vợ, thậm chí dọa giết người nào che giấu cháu tôi. Có cách nào buộc anh ta tránh xa cháu tôi?

- Hỏi: Cháu tôi có một người chồng rất vũ phu. Anh ta thường xuyên đánh đập vợ nhưng lại rất kín, không để ai biết. Cho nên cháu tôi không dám báo cho cơ quan, đoàn thể biết vì sợ anh ta chối rồi sau đó còn hành hạ ghê gớm hơn. Hiện cháu tôi đã bỏ trốn về nhà mẹ đẻ và muốn ly hôn nhưng anh ta không chịu và truy lùng vợ, thậm chí dọa giết người nào che giấu cháu tôi. Có cách nào buộc anh ta tránh xa cháu tôi?

 TRẦN THỊ HƯƠNG (Tổ 14 Tháp Bà, Vĩnh Phước, Nha Trang)

- Trả lời: Theo quy định, tùy vào hành vi bạo lực gia đình (BLGĐ) mà cơ quan chức năng có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Ngoài ra, Luật Phòng, chống BLGĐ cũng quy định thêm về biện pháp cấm tiếp xúc. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc trong thời hạn không quá 3 ngày. Vì thế, để bảo vệ bản thân, cháu chị có thể gửi đơn yêu cầu trong đó nói rõ mức độ nguy hiểm hành vi của người chồng.

Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký và được gửi cho người có hành vi BLGĐ, nạn nhân BLGĐ, người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của nạn nhân BLGĐ.

Trong trường hợp gia đình có việc tang lễ, cưới hỏi hoặc các trường hợp đặc biệt khác mà cháu bà và chồng phải tiếp xúc với nhau thì người chồng phải báo cáo với người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi cư trú của cháu bà.

Ngoài ra, nếu cháu bà gửi đơn xin ly hôn thì Tòa án cũng có quyền ra quyết định cấm tiếp xúc với thời hạn là 4 tháng. Việc giám sát các quyết định trên được người đứng đầu cộng đồng dân cư phối hợp với các cơ quan địa phương thực hiện. Nếu người chồng vẫn cố tình vi phạm sẽ bị xử lý trước pháp luật.

Luật gia MINH HƯƠNG