09:03, 17/03/2010

Ai được sinh con thứ 3?

Ngày 8-3-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số (PLDS). Nghị định này tuy chỉ quy định cụ thể 1 điều nhưng được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó cụ thể hóa những trường hợp được phép sinh con thứ 3, vốn luôn là vấn đề “nóng” đối với những gia đình sinh con một bề…

Ngày 8-3-2010, Chính phủ ban hành Nghị định 20/CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số (PLDS). Nghị định này tuy chỉ quy định cụ thể 1 điều nhưng được dư luận đặc biệt quan tâm bởi nó cụ thể hóa những trường hợp được phép sinh con thứ 3, vốn luôn là vấn đề “nóng” đối với những gia đình sinh con một bề…

Chị Nguyễn Thị Tâm (Ngọc Hiệp, Nha Trang) lấy anh Hùng khi anh đã có 1 con riêng. Hai vợ chồng chị sinh thêm một em bé. Chị Tâm rất muốn sinh thêm đứa nữa vì con riêng của chồng đã đi học, còn con chung cũng đã 9 tuổi, nhưng anh Hùng không chịu vì anh đã có đủ 2 con, nếu sinh thêm con thứ 3, anh sẽ bị kỷ luật và ảnh hưởng đến công việc (anh hiện là sĩ quan quân đội). Còn chị Nguyễn Hoàng Mai (đường 23-10, phường Phương Sơn, Nha Trang) là công chức Nhà nước thì lại khác. Vợ chồng chị có 2 cô con gái sinh đôi. Khi 2 con được 5 tuổi thì chồng chị bị bệnh mất. Chị một mình nuôi con trưởng thành. Bây giờ, khi các con đã ổn định gia đình, chị lấy chồng mới (anh đã có 1 con riêng). Bản thân chị không muốn sinh con thứ 3 nhưng anh lại muốn chị sinh thêm vì anh chưa có con trai…

Những trường hợp trên chỉ là ví dụ điển hình cho thấy nhu cầu đa dạng của người dân về việc sinh con thứ 3. Nhu cầu đó có thể xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, nhiều con là có phúc… vốn đang tồn tại khá phổ biến. Trước đây, PLDS được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 2003 không quy định cụ thể quy mô gia đình chỉ nên có 1 đến 2 con, quy định đó chỉ được thể hiện ở văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn là nghị định. Mục a, khoản 3, Điều 17 Nghị định 104/CP hướng dẫn thực hiện pháp lệnh quy định: Mỗi cặp vợ chồng và cá nhân có nghĩa vụ thực hiện quy mô gia đình ít con - có 1 hoặc 2 con…

Chế tài đối với các trường hợp sinh con thứ 3 được đề cập một cách mờ nhạt tại Điều 2 Nghị định 114/CP về xử phạt hành chính về lĩnh vực DS: Đảng viên sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng. Cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của Chính phủ. Thành viên của các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của quy chế, quy định của đoàn thể, tổ chức. Người dân sinh con thứ ba trở lên thì bị xử lý theo quy định của hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, xóm, cụm dân cư nơi cư trú. Chính vì việc quy định còn mơ hồ theo kiểu nước đôi này khiến việc áp dụng rất lúng túng và không kiểm soát được mức độ gia tăng DS. Chính vì thế, đầu năm 2009, Nhà nước nâng quy định này lên mức độ PL, theo đó quy định cụ thể quy mô gia đình chỉ từ 1 đến 2 con, nhưng cho phép sinh con thứ 3 trong trường hợp đặc biệt.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/CP quy định những trường hợp không vi phạm quy mô gia đình 2 con (xem bảng). Như vậy, nếu theo quy định này thì anh Hùng không được sinh thêm con, nhưng chị Mai vẫn được sinh con thứ 3 mà không vi phạm quy định trên. Khi mới ban hành Nghị định 20/CP, dư luận có nhiều cách hiểu sai lệch, chẳng hạn ở trường hợp thứ 2, nhiều người (thậm chí có cả báo chí) tự suy diễn nếu vợ chồng đã sinh 3 ngay từ lần sinh thứ nhất thì vẫn được sinh thêm. Cách hiểu ấy hoàn toàn sai, trường hợp sinh 3 lần đầu không được phép sinh thêm. Vì thế, Tổng cục DS - Kế hoạch hóa gia đình phải có văn bản giải thích vấn đề này. Về trường hợp thứ 6, nếu vợ chồng kết hôn với người đã có con riêng thì vẫn có quyền có 1 con chung (còn nếu cả hai đều không có con riêng thì vẫn có quyền có 2 con chung). 

Tuy quy định đã khá chặt chẽ nhưng vẫn còn trường hợp chưa rõ, chẳng hạn khái niệm “chưa kết hôn” là chưa kết hôn lần nào hay đã kết hôn nhưng đã ly hôn? Nếu hiểu theo cách thứ 2 thì có thể có trường hợp vợ chồng ly hôn giả để sinh thêm con. Ngoài ra, có thể có trường hợp người dân tìm cách “chạy chọt” để xin giấy chứng nhận (trường hợp 2)…

Quy định trên có hiệu lực từ ngày 29-4-2010. Nếu xét ở tầm vĩ mô, Nhà nước cần phải điều tiết tốc đôï tăng DS nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước; nhưng xét ở góc độ gia đình, quy định này thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước (khoản 4, 5, 6, 7) bởi nó giải quyết về mặt tinh thần cho những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh đặc biệt. Bởi vậy, chúng ta cần nhìn nhận quy định này là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt chứ không nên cho rằng đây là một công cụ để tìm cách sinh thêm con nhằm thỏa mãn ý muốn chủ quan, lạc hậu.

LÊ MINH