06:01, 28/01/2010

Nhìn nhận lại vai trò của Công đoàn cơ sở

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ đình công của người lao động ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài (FDI). Từ những vụ đình công này, một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là: Vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở tại những DN này ở đâu?

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ đình công của người lao động (NLĐ) ở doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài (FDI). Từ những vụ đình công này, một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là: Vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS) tại những DN này ở đâu?

 

Công nhân Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất đình công vào ngày 22-1-2010.

Năm 2009, gần 150 công nhân (CN) của Công ty TNHH Thực phẩm Sakura đình công đòi quyền lợi về tiền lương, tiền thưởng Tết; gần 2.200 CN Xí nghiệp Rapexco Nha Trang đình công về vấn đề chốt nộp sổ và đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho NLĐ; hơn 100 CN làm việc tại Công ty TNHH Sao Đại Hùng đình công vì Công ty trả lương chậm. Đầu năm 2010, gần 600 CN thuộc Công ty TNHH May mặc đồ bơi Thống Nhất đình công vì lãnh đạo Công ty phớt lờ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Các vụ đình công trên đều xảy ra ở những DN có vốn FDI.

 

Công đoàn cơ sở phát huy vai trò sẽ hạn chế tối đa những vụ đình công như thế này.

Có mặt tại các vụ đình công đó, chúng tôi nhận thấy thực trạng, đó là NLĐ gần như không có niềm tin vào tổ chức CĐ tại DN, không tin tưởng vào Chủ tịch CĐCS. Thực tế cũng cho thấy, năng lực, kinh nghiệm, trình độ nghiệp vụ của Ban chấp hành CĐ tại các DN này rất non kém. Là một tổ chức bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, nhưng các CĐCS ở những DN này không làm tròn vai trò “cầu nối” giữa NLĐ với chủ DN. Khi CN bắt đầu có dấu hiệu tổ chức đình công, lãn công, CĐCS ở đây không tổ chức được những cuộc gặp gỡ giữa chủ DN với NLĐ nhằm giải quyết vấn đề từ trong “trứng nước”. Vì đâu CĐCS ở những DN trên không có được tiếng nói trọng lượng đối với chủ DN, không tạo được niềm tin đối với NLĐ? “Chúng tôi hoạt động phải chịu áp lực từ hai phía: chủ DN và NLĐ. Nhận trách nhiệm phản ánh ý kiến của NLĐ với chủ DN nhưng nếu chủ DN không tiếp thu mà còn gây áp lực trở lại thì uy tín của chúng tôi với NLĐ không còn cũng là điều dễ hiểu. Suy cho cùng, chúng tôi cũng là người đi làm thuê cho người nước ngoài”, Chủ tịch CĐCS của một DN có vốn FDI ngậm ngùi.

Để hiểu rõ hơn về vai trò của tổ chức CĐ trong các DN này trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Biên - Chủ tịch CĐ các Khu kinh tế và Khu công nghiệp (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh). Theo bà Biên: “Hoạt động của các CĐCS ở DN có vốn FDI mạnh hay yếu phần lớn là do chủ DN đó có quan tâm hay không. Nếu chủ DN quan tâm thì họ sẽ trích kinh phí của DN cho CĐ hoạt động; tạo điều kiện để NLĐ có thể tham gia các lớp truyền thông; tích cực đối thoại với NLĐ khi xảy ra vướng mắc, nhờ vậy Ban chấp hành CĐCS ở những DN đó hoạt động rất thuận lợi. Ngược lại, nếu chủ DN không quan tâm thì CĐCS ở những DN đó sẽ không có được điều kiện hoạt động; NLĐ sẽ không mặn mà với tổ chức CĐ, thậm chí còn thiếu niềm tin vào Ban chấp hành CĐCS”.

Vậy làm cách nào để chủ DN quan tâm đến hoạt động của tổ chức CĐCS? Đây là một vấn đề không dễ, bởi muốn làm được điều này phải có sự phối hợp đồng bộ của nhiều cơ quan, ban ngành. Trước hết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật Việt Nam tới chủ DN. Từ đó nâng cao nhận thức cho họ về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của chủ DN khi quan tâm tới hoạt động CĐ. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH cần thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật LĐ; công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động; việc đóng BHXH cho NLĐ… Liên đoàn Lao động tỉnh thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động của các CĐCS; kịp thời phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh giữa NLĐ và chủ DN; đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức CĐCS và đoàn viên CĐ trong các DN có vốn FDI… Cùng với các biện pháp nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ DN đối với tổ chức CĐ, các CĐCS cũng cần năng động, linh hoạt trong xử lý các sự việc manh nha ở DN mình; kịp thời báo cáo tình hình lên CĐ cấp trên để có hướng giải quyết thỏa đáng.

Nếu CĐCS ở những DN trên có điều kiện hoạt động thuận lợi thì những vụ đình công sẽ được hạn chế. Và tổ chức CĐCS cũng sẽ là nhân tố then chốt tạo mối quan hệ hài hòa giữa NLĐ với chủ DN.

NHÂN TÂM