06:01, 03/01/2010

Thiếu hiểu biết hay cố tình coi thường pháp luật?

Như báo Khánh Hòa đã đăng, vụ phát mãi đấu giá căn nhà tại tổ 7 thị trấn Diên Khánh của ông Lê Thanh Bình đã chuẩn bị đến hồi kết khi cơ quan chức năng đã quyết định cưỡng chế tháo dỡ căn nhà. Hành động cương quyết này là cần thiết nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Như báo Khánh Hòa đã đăng, vụ phát mãi đấu giá căn nhà tại tổ 7 thị trấn Diên Khánh của ông Lê Thanh Bình đã chuẩn bị đến hồi kết khi cơ quan chức năng đã quyết định cưỡng chế tháo dỡ căn nhà. Hành động cương quyết này là cần thiết nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Mọi chuyện bắt đầu từ một vụ kiện dân sự về chia tài sản thừa kế cách đây đã gần 10 năm, Tòa án các cấp xử buộc ông Lê Thanh Bình phải chia căn nhà đang ở. Cho rằng bị oan, ông Bình khiếu nại đến các cơ quan tư pháp Trung ương. Tuy nhiên, do bản án đã có hiệu lực, các cơ quan chức năng vẫn cho thi hành án bằng cách kê biên phát mãi căn nhà vì ông Bình không tự nguyện thi hành án. Lúc này, ông Bình bắt đầu có những vi phạm với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ban đầu, ông phá niêm phong, tái chiếm căn nhà. Tiếp đó, ông phá luôn nhà cũ và xây căn nhà 3 tầng khang trang cho dù khi đó, vụ việc đã hết sức căng thẳng do người mua đấu giá khiếu nại liên tục. Trước “sự đã rồi” do ông Bình tạo ra, cơ quan chức năng đã cân nhắc đến phương án xử lý hạn chế hậu quả ở mức thấp nhất, đồng thời còn tạo điều kiện cho ông Bình được giữ lại ngôi nhà. Thế nhưng, mọi thiện chí đó đều bị ông Bình phớt lờ. Diễn biến vụ việc đều được báo Khánh Hòa liên tục phản ánh, đồng thời nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Bình, tuy nhiên, việc xử lý vẫn rất chậm khiến dư luận bức xúc và nghi ngờ liệu ông Bình có được ai đó bao che?

Ở đây chúng tôi không đi sâu vào nội dung vụ việc mà chỉ phân tích về các khía cạnh pháp luật. Thứ nhất, khi bản án có hiệu lực pháp luật, nó phải được thi hành, đó là nguyên tắc nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Trong trường hợp ông Bình cho rằng Tòa xử sai và khiếu nại đến cấp Trung ương thì cũng không thể lấy đó để trì hoãn việc thi hành án. Nhưng thực tế, các cơ quan tư pháp Trung ương cũng nhiều lần khẳng định việc xét xử của Tòa án là đúng pháp luật. Nhưng thay vì việc chấp hành, ông Bình lại tự cho phép mình “đứng trên pháp luật”, mà đỉnh điểm là việc chiếm lại căn nhà, phá hủy hiện trạng để xây dựng căn nhà mới 3 tầng. Xét về mặt pháp luật, hành vi này của ông Bình vừa xâm phạm đến hoạt động tư pháp vừa vi phạm đến các quy định về quản lý hành chính.

Thứ nhất, việc một công dân ngang nhiên phá hủy niêm phong của cơ quan chức năng rõ ràng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Mức độ vi phạm còn nặng hơn khi ông Bình tiếp tục có hành vi phá hủy hiện trạng để xây dựng nhà mới. Thứ hai, đó là sự vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Ngay cả khi có đầy đủ các điều kiện pháp lý, việc xây một căn nhà 3 tầng kiên cố như như vậy không phải là dễ dàng và nhanh chóng, thế mà ông Bình, dù không có cơ sở pháp lý nào, lại làm được, mà lại làm một cách ngang nhiên. Mọi quy trình về giấy tờ đất đai, giấy phép xây dựng, hồ sơ thi công vốn được cả một hệ thống hành chính quản lý rất chặt chẽ đã bị “bước qua” một cách dễ dàng. Thậm chí, trong thời gian đó, khi Công an xuống để nhắc nhở, chấn chỉnh, ông Bình còn gửi đơn đến báo chí để… tố cáo Trưởng Công an huyện vi phạm quyền xây dựng của công dân (!?).

Sau khi xây xong nhà, việc xử lý lại thêm phức tạp vì phát sinh thêm căn nhà mới này (có giá trị rất lớn). Khi đó, các cơ quan liên quan cũng đã tạo điều kiện cho ông Bình bằng cách cho phép ông lựa chọn cách khắc phục, miễn là bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người đã mua đấu giá căn nhà. Nhưng ông Bình vẫn không chấp nhận. Cho nên, cơ quan chức năng bắt buộc phải cưỡng chế tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép trước khi xử lý về mặt dân sự.

Trong trường hợp này, pháp luật đã bị coi thường bởi một chuỗi vi phạm của ông Bình mà không bị xử lý gì. Nếu cơ quan chức năng cứng rắn hơn thì hành vi phá hủy niêm phong của ông Bình có thể bị truy tố về mặt hình sự. Sự cố chấp của ông Bình có thể lý giải theo 2 cách: Hoặc là ông Bình cảm thấy oan nên phản kháng trái pháp luật do thiếu hiểu biết; hoặc là ông Bình biết nhưng vẫn cố tình vi phạm. Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì hành vi đó đều không được chấp nhận. Ngoài ra, sự việc đến mức độ này một phần cũng do sự thiếu sót của các cơ quan chức năng. Ngay từ đầu, nếu cơ quan chức năng kiên quyết xử lý hành vi tái chiếm nhà của ông Bình hoặc UBND huyện kiên quyết đình chỉ, buộc tháo dỡ khi ông Bình bắt đầu xây dựng thì sự việc đã không phức tạp như bây giờ.

Chậm còn hơn không! Việc cơ quan chức năng quyết tâm xử lý là cần thiết và được dư luận hoan nghênh. Đây sẽ là bài học kinh nghiệm cho những ai dám coi thường pháp luật. Vụ việc này là dịp để các cơ quan chức năng rút kinh nghiệm về trách nhiệm của mình trong quá trình thực thi và bảo vệ pháp luật.

P.B.Đ