03:12, 14/12/2009

Thay đổi cơ bản về chế tài

Bà A nhận thừa kế đất từ đường hương hỏa của gia đình để lại rồi để đó. Sau đó bà cắt đất bán, giữa bà và người mua chỉ làm giấy tay. Trước đây, việc này có thể không bị xử lý nhưng theo quy định mới,

Bà A nhận thừa kế đất từ đường hương hỏa của gia đình để lại rồi để đó. Sau đó bà cắt đất bán, giữa bà và người mua chỉ làm giấy tay. Trước đây, việc này có thể không bị xử lý nhưng theo quy định mới, bà A có thể bị phạt rất nặng bởi nhiều lỗi; người mua đất của bà A cũng bị phạt nặng, thậm chí nặng hơn bà A gấp nhiều lần… Đó là một ví dụ về điểm mới trong văn bản xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực vào tháng 1-2010.

 

Không còn phù hợp

Năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 182/CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng các quy định này rất khó bởi tình trạng “ì ạch” trong khâu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân cũng như buông lỏng trong quản lý của chính quyền cơ sở. Mặt khác, do tập quán sử dụng đất của người dân và sự hiểu biết pháp luật còn hạn chế dẫn đến việc vi phạm hầu như phổ biến. Chẳng hạn, trường hợp mua bán đất bằng giấy tay, không theo các quy định của pháp luật hoặc tự ý san lấp đất làm thay đổi mục đích sử dụng đất… ít khi bị xử lý. Hoặc người dân dù đã biết Nhà nước có quy hoạch vẫn sử dụng đất trái quy hoạch với tâm lý chấp nhận nộp phạt.

Hiệu quả quản lý thấp một phần cũng do chế tài của Nghị định 182/CP còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Tình trạng vi phạm và chấp nhận nộp phạt đã trở nên quá bình thường. Thậm chí, người dân còn “dự trù kinh phí” khoản phạt này vào các hoạt động liên quan đến đất đai. Chẳng hạn, khi mua một lô đất ruộng để đổ đất làm nhà, người mua và người bán còn thỏa thuận với nhau về các khoản tiền “làm luật” hoặc phải nộp phạt cho cơ quan chức năng. Hoặc một hộ gia đình thấy đất đai có giá bèn san lấp ruộng lúa nhà mình để phân lô bán. Như quy định cũ, nếu vi phạm ở mức thấp nhấp thì họ chỉ chịu phạt 100-500 ngàn đồng, một mức phạt quá nhẹ so với khoản lợi thu được từ việc vi phạm!

Thay đổi cơ bản về chế tài

Từ thực trạng trên, để siết chặt việc quản lý đất đai, Chính phủ ban hành Nghị định 105/CP thay thế Nghị định 182/CP. Điểm mới dễ thấy nhất của Nghị định 105/CP là mức phạt đã tăng lên rất nhiều, cao nhất tới 500 triệu đồng, gấp nhiều lần so với mức phạt tại quy định cũ (cao nhất chỉ 30 triệu đồng). Ví dụ hành vi sử dụng đất để xây dựng công trình, đầu tư bất động sản thuộc khu vực đô thị, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết đã được công bố thì mức xử phạt có thể lên đến 300 triệu đồng (gấp 10 lần so với trước).

Nghị định 82/CP quy định 16 hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai, mức phạt cho một hành vi tối thiểu 100 ngàn đồng, tối đa 30 triệu đồng; Nghị định 105/CP quy định 17 hành vi vi phạm, trong đó bỏ, sửa đổi một số hành vi cũ và bổ sung một số hành vi mới. Mức phạt tối thiểu được nâng lên 200 ngàn đồng, tối đa là 500 triệu đồng. Nghị định mới quy định 4 cấp độ hậu quả và mỗi cấp có mức phạt tương ứng. Mức độ hậu quả được quy đổi diện tích đất vi phạm ra tiền.

Nghị định mới bỏ 2 hành vi vi phạm là chậm bồi thường và chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, lại thêm vào 3 hành vi khác là nhận chuyển nhượng mà không đủ điều kiện, chậm sử dụng đất và chậm cung cấp thông tin về đất. Trước đây, nếu không đủ điều kiện thì chỉ người bán, tặng, cho, góp vốn quyền sử dụng đất mới bị phạt nhưng bây giờ cả người mua, nhận cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn cũng bị phạt. Chẳng hạn, anh A mua đất của anh B dù biết rằng mình không đủ điều kiện để được chuyển nhượng thì cũng bị phạt với mức có thể đến 10 triệu đồng. Hành vi này của tổ chức thì mức phạt còn nặng hơn (cao nhất là 500 triệu đồng). Tuy nhiên, quy định này còn khá mơ hồ nên có lẽ phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thêm.

Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm quá 12 tháng liền, không sử dụng đất trồng cây lâu năm quá 18 tháng, không sử dụng đất trồng rừng quá 24 tháng, dự án đầu tư chậm sử dụng đất quá 12 tháng hoặc chậm so với tiến độ được duyệt đều bị phạt.

Hành vi chậm hoặc không cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu có liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, cản trở việc thanh tra, kiểm tra hoặc cung cấp dữ liệu đất đai không đúng cũng bị xử phạt.

Với quy định cụ thể mức độ vi phạm cũng như mức xử phạt rất cao, Nghị định 105/CP đã có sự thay đổi rất cơ bản về chế tài. Điều này là rất cần thiết để chuyển biến tâm lý, thói quen trong việc sử dụng đất của cá nhân, tổ chức, mặt khác, đó lại là công cụ hữu hiệu nhất để quản lý đất đai có hiệu quả.

LÊ MINH